Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

8 điều cha mẹ có thể làm để giúp con giảm bớt căng thẳng thi cử

Theo Telegraph, từ việc chăm sóc chu đáo, đồng cảm, đề xuất thói quen lành mạnh, phụ huynh có thể giúp con giảm bớt áp lực thi cử.

Động viên sau mỗi kỳ thi giúp con vực dậy tinh thần nhanh hơn. Ảnh: Pexels.

Một cuộc khảo sát 1.000 học sinh từ nền tảng ôn tập Save My Exams cho thấy 68% học sinh 15-18 tuổi đang bị thiếu ngủ trước kỳ thi. Gần 1/4 học sinh báo cáo rằng các em thèm ăn, 33% bị hoảng loạn và một số lượng tương tự mắc chứng đau nửa đầu. Trung bình cứ 10 học sinh thì có một người cảm thấy không thể nói chuyện với bất kỳ ai khi bị chìm trong cảm giác "choáng ngợp" của các kỳ thi.

"Các kỳ thi đều gây căng thẳng cho mọi người, không chỉ riêng trẻ em. Vì vậy, điều quan trọng là phụ huynh phải thực hiện những chiến lược hiệu quả để hỗ trợ con cái đối phó với sự lo lắng trong kỳ thi", tiến sĩ Carina Eriksen, nhà tư vấn tâm lý, đồng tác giả của The Panic WorkbookOvercoming Stress, cho biết.

Dưới đây là 8 giải pháp để giảm căng thẳng khi con sắp bước vào kỳ thi quan trọng.

Chăm sóc con chu đáo

Bà Hughes Joshi, tác giả cuốn sách Help Your Child Cope With Change, thông tin cha mẹ có thể giúp con cái kiểm soát căng thẳng thi cử bằng cách khuyến khích trẻ ăn uống điều độ và ngủ đủ giấc.

"Phụ huynh hãy nấu những bữa ăn lành mạnh, đảm bảo con có một số món ăn nhẹ ngon miệng hoặc nhẹ nhàng gợi ý con tập thể dục", bà Hughes Joshi nói.

Trường hợp con hơi cáu kỉnh, mất phong độ hoặc không giúp được nhiều việc nhà, theo bà Hughes Joshi, phụ huynh nên khoan dung và thông cảm nhiều hơn.

Bên cạnh con càng nhiều càng tốt

Bà Carina Eriksen gợi ý trong giai đoạn thi cử, cha mẹ cần dành nhiều thời gian ở nhà.

"Cha mẹ có thể bên cạnh và nói với con mình rằng 'mẹ luôn ở đây bất kể lúc nào con cần'. Điều đó sẽ giúp trẻ giảm bớt nhiều căng thẳng thi cử. Nếu con gặp khó khăn, bạn có thể lắng nghe và đồng cảm", bà Eriksen nói.

Đề xuất thói quen lành mạnh cho con

Bà Eriksen khuyên cha mẹ có thể đề xuất các thói quen lành mạnh khi con ôn thi như nấu các món ăn ngon, giúp con nghỉ ngơi có kế hoạch. Rất nhiều học sinh thường có tính trì hoãn, trốn tránh và nghỉ ngơi thất thường trong lúc ôn thi. Theo bà Eriksen, phụ huynh có thể chủ động và đưa ra gợi ý về các thói quen tốt, nhưng không nên áp đặt chúng cho con.

tre cang thang thi cu anh 1

Cha mẹ nên đồng cảm với cảm xúc căng thẳng của con trong thời điểm ôn thi. Ảnh: The Asian Parent.

Đồng cảm với con

Sẽ rất hữu ích nếu cha mẹ "bình thường hóa" cảm xúc của con vào thời điểm thi cử. Ví dụ, họ có thể nói với con mọi người đều cảm thấy lo lắng giống con.

Tuy nhiên, nỗi sợ làm cha mẹ thất vọng có thể làm trầm trọng thêm sự lo lắng của thanh thiếu niên.

"Con muốn làm cho cha mẹ tự hào. Tuy nhiên, phụ huynh có thể bắt đầu giảm căng thẳng bằng cho con cách truyền đạt rằng thành công trong cuộc sống không chỉ dựa vào kết quả thi cử mà còn nhiều con đường khác để đi", tiến sĩ Eriksen chia sẻ.

Tự hào về con

Bà Eriksen khuyên phụ huynh nên suy nghĩ về những kỳ vọng đối với thành tích của con cái. Lý tưởng nhất là kỳ vọng của cha mẹ phù hợp với kỳ vọng của con.

Để đạt được điều này, phụ huynh nên hỏi rằng con hài lòng với điều gì, sau đó làm theo sự dẫn dắt của con. Quan trọng hơn, cha mẹ hãy tự hào về con bất kể điều gì xảy ra.

Nâng cao sự tự tin của con

Khi con thiếu tự tin, cha mẹ có thể hỗ trợ qua lời nói như "cha mẹ tin rằng con có nhiều khả năng hơn con nghĩ". Phụ huynh không nên kỳ vọng cứng nhắc, làm gia tăng áp lực thi cử cho trẻ, thay vào đó cha mẹ cần thể hiện niềm tin thầm lặng để giúp con tăng sự tự tin.

"Nếu muốn trấn an con, phụ huynh có thể nói 'đừng lo lắng về kết quả, con hãy cố gắng hết mình'. Trường hợp con là người cầu toàn, chúng có thể xem việc nỗ lực này là ôn tập tất cả thời gian trong ngày. Do đó, phụ huynh nên chú trọng và 'lựa lời' nói với trẻ", tiến sĩ Eriksen nhấn mạnh.

Đừng quá khắt khe với con

Theo bà Eriksen, kỳ thi là bài kiểm tra của con, không phải của cha mẹ. Nhiều người có xu hướng quan tâm thái quá vào vấn đề của con, thay vì áp dụng phương pháp hướng dẫn và hỗ trợ con. Ngoài ra, nhiều người còn cằn nhằn, chỉ trích, khiến trẻ trở nên xa cách với gia đình.

"Hãy tôn trọng cách tiếp cận hoặc phong cách sửa đổi của con, vì nó có thể khác với cách tiếp cận mà cha mẹ đã thực hiện ở độ tuổi này trước đây. Đừng nên quá khắt khe với con", tiến sĩ Eriksen khuyên.

Động viên con sau khi thi xong

Bà Hughes Joshi cho rằng cha mẹ nên cố gắng duy trì tính thực tế, động viên và nhắc nhở con đừng bận tâm về những điều đã xảy ra sau khi thi xong.

"Cha mẹ phải nhắc nhở con không nên bận tâm mãi vào kỳ thi vừa rồi, việc gì đã xong thì cũng không thể quay lại. Phụ huynh có thể nói 'cha mẹ biết thật khó để bỏ qua chuyện này, nhưng con hãy cố gắng tập trung vào chuyện tiếp theo vì đó là điều con có thể kiểm soát. Hy vọng rằng mọi thứ không tệ như con nghĩ'", bà Joshi nói.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Con ôn thi vào lớp 6, mẹ cũng phải học bài

Trước thềm tuyển sinh lớp 6 tại các trường chuyên ở Hà Nội và TP.HCM, dù bận rộn, nhiều phụ huynh vẫn dành thời gian để cùng con luyện đề, ôn tập kiến thức.

Minh Uyên

Bạn có thể quan tâm