Sáng 9/9, thông tin tại cuộc họp ứng phó với bão số 5 (Conson), ông Trần Quang Hoài, Phó ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cho biết trước khi vào Biển Đông, cơn bão đã quét qua đất liền Philippines và gây ra những thiệt hại nặng nề cho nước này.
Những ngày qua, mưa bão tại Philippines khiến 19 người chết và mất tích, hơn 100.000 người chịu ảnh hưởng và 20.000 người phải sơ tán. Thiệt hại về kinh tế do bão Conson gây ra tại Philippines khoảng 3,2 triệu USD.
"Theo đánh giá, khi vào Biển Đông, bão có thể đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13, cùng với đó là tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền núi. Vì vậy, chúng ta phải lên phương án ứng phó kịp thời trước các nguy cơ này", ông Hoài nói.
Dự kiến sơ tán 760.000 người
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết theo thông tin cập nhật ban đầu, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng. Phương án sơ tán cũng được tính toán để đảm bảo trong điều kiện diễn biến Covid-19 phức tạp.
Trước mắt, với kịch bản mức độ rủi ro thiên tai do bão gây ra trên đất liền đạt đến cấp 3, các tỉnh miền núi phía Bắc dự kiến sơ tán hơn 154.000 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; đồng thời sơ tán trên 143.000 dân khu vực ven sông và ngoài đê.
Ở các tỉnh ven biển và đồng bằng, nhiều địa phương lên kế hoạch sơ tán trên 231.000 dân khu vực ven biển cùng hơn 237.000 người sống ở khu vực ven sông và ngoài đê.
Như vậy, tổng số hơn 760.000 người được dự kiến sơ tán khỏi khu vực chịu ảnh hưởng do bão với kịch bản rủi ro này.
Dự báo đường đi của bão số 5 trên Biển Đông và tình hình tàu thuyền của các ngư dân trên biển. Ảnh: VNDMS. |
Trước nguy cơ bão gây gió mạnh và sóng lớn trên biển, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, tính đến sáng 9/9, đơn vị đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 71.500 tàu, thuyền với gần 350.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, để ngư dân chủ động tránh trú.
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết gần 500 phương tiện đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, chủ yếu của ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi. Tất cả phương tiện đã nắm được thông tin cảnh báo và đang di chuyển để thoát khỏi hướng đi của bão.
Theo ông Hưng, với dự báo bão gây gió mạnh cấp 11, giật cấp 13 cho khu vực quần đảo Hoàng Sa, các đơn vị chức năng đang kiên quyết kêu gọi phương tiện tránh trú để đảm bảo an toàn. Nếu không kịp di chuyển, chủ phương tiện được yêu cầu tránh trú ở các đảo nhỏ và liên hệ với bộ đội biên phòng để báo cáo.
"Chúng tôi sẽ liên hệ với Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao nhờ làm việc với nước bạn để tạo điều kiện cho phương tiện của Việt Nam vào tránh trú trong trường hợp nguy hiểm", thượng tá Hưng cho biết.
Chưa thể dự báo ảnh hưởng của bão đến đất liền
Thông tin về diễn biến cơn bão số 5 trên Biển Đông, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết lúc 7h ngày 9/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.
Những ngày tới, bão đi theo hướng tây tây bắc, sau đó chuyển hướng tây và tiếp tục mạnh lên. Tuy nhiên, do tương tác với cơn bão Chanthu đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines, bão số 5 sẽ di chuyển ngày càng chậm.
Hiện, các mô hình dự báo cho bão còn phân tán. Một số cơ quan khí tượng nước ngoài cho rằng bão sẽ đi lên phía đảo Hải Nam (Trung Quốc), có mô hình dự báo bão vào Thanh Hóa hoặc di chuyển vào khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình.
"Các dự báo hiện nay cho thấy những ngày tới, bão tương tác nhiều với cơn bão bên ngoài nên đường đi và cường độ còn rất phức tạp", ông Lâm nói và cho biết chưa thể nhận định được chính xác mức độ ảnh hưởng của bão tới đất liền.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với nhiều bộ, ngành, địa phương sáng 9/9. Ảnh: Ngọc Hà. |
Trước mắt, cơ quan khí tượng cảnh báo sáng 11/9, thời điểm tâm bão nằm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa là lúc hình thái này có cường độ gió mạnh nhất, đạt cấp 11, giật cấp 13.
Do bão đi rất chậm nên các ngày 11-12/9, bão chỉ quần thảo trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Việc này gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động tại đây do nguy cơ chịu ảnh hưởng của gió mạnh, lốc xoáy.
Theo đại tá Phạm Hải Châu, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khó khăn hiện nay của công tác ứng phó là chưa có dự báo rõ ràng về mức độ ảnh hưởng của bão. Đồng thời, do hướng đi và cường độ bão phức tạp, các đơn vị khó hướng dẫn cho ngư dân trên biển thoát khỏi được vùng nguy hiểm.
Hiện, cơ quan này đảm bảo quân số được điều động để sẵn sàng ứng phó với bão là 500.000 bộ đội và dân quân tự vệ, cùng hơn 2.000 phương tiện.
Ông cũng khuyến cáo khu vực miền núi phía Bắc vừa trải qua một đợt mưa lớn, nếu tiếp tục hứng đợt mưa lớn tiếp theo do bão, nhiều nơi nguy cơ cao về sạt lở. Do đó, các địa phương phải rà soát lại và kiên quyết di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm.