Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

74% người Ấn lạnh lùng với nạn nhân tai nạn giao thông

Một khảo sát thực hiện năm 2013 cho thấy 74% người Ấn Độ sẽ không giúp đỡ nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) dù nước này có số lượng tai nạn rất cao và hệ thống đường xá yếu kém.

Một gia đình mất người thân do tai nạn giao thông ở Panvel, Ấn Độ. Ảnh: avax

Khi chứng kiến một vụ tai nạn, những người qua đường thường cố gắng giúp đỡ các nạn nhân, hoặc ít nhất là hô hoán hỗ trợ. Tuy nhiên, tinh thần này khác hẳn ở Ấn Độ, một đất nước có hệ thống đường xá vào loại nguy hiểm nhất thế giới. Phần lớn nạn nhân TNGT phải tự xoay xở để cứu chính họ.

3 năm trước đây, dư luận Ấn Độ tranh cãi gay gắt sau khi một đoạn phim từ camera giám sát đường phố được công khai. Nhân vật chính là anh Kanhaiya Lal và gia đình gặp nạn khi đang lưu thông trên phố ở miền Bắc Ấn Độ.

Lal khóc nức nở kêu gọi những người đi đường giúp đỡ, nhưng họ vẫn lái xe lướt qua anh như không biết chuyện gì đang xảy ra. Con trai Lal nằm bên thi thể mẹ, còn con gái mới sinh nằm gần xe máy mà cả gia đình còn cùng ngồi cách đây vài giây.

Mãi sau đó, một số người, rồi cảnh sát, mới đến để hỏi han và giúp đỡ Lal, nhưng mọi chuyện đã quá muộn đối với vợ và con gái của anh. Cái chết của họ dấy lên cuộc tranh luận dữ dội ở Ấn Độ về sự vô cảm của người đi đường. Truyền thông Ấn Độ khi đó liên tục đưa ra những thông điệp cảnh báo, "ngày mà lòng nhân đạo đã chết".

nguoi An Do lanh lung voi nan nhan TNGT anh 1
Giao thông ở Ấn Độ được đánh giá là trong nhóm nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: BBC

74% người Ấn Độ không giúp đỡ nạn nhân TNGT

Nhà hoạt động Piyush Tewari, người sáng lập tổ chức SaveLIFE, cũng là nạn nhân gián tiếp của TNGT. Cách đây 10 năm, anh họ của Tewari bị tai nạn khi trên đường về nhà sau khi tan trường. "Rất nhiều người đã dừng lại 'ngó' nhưng không ai tiến ra giúp đỡ. Anh ấy đã chảy máu rất nhiều, nằm bên đường cho đến khi mất".

Khảo sát của SaveLIFE thực hiện năm 2013 cho thấy, 74% người Ấn Độ nói họ sẽ không giúp đỡ nạn nhân TNGT. Thay vì tham gia những cuộc chỉ trích cảm tính, Tewari tìm kiếm những lý giải mang tính phản biện hơn.

Những con số báo động về TNGT ở Ấn Độ:

- 15 người thiệt mạng mỗi giờ

- 12 trẻ em chết mỗi ngày

- 1 triệu người chết trong 10 năm qua

- 5 triệu người bị thương nặng hoặc tàn phế trong thập kỷ qua

- Thiệt hại do TNGT chiếm gần 3% GDP

Nguồn: SaveLIFE Foundation, năm 2014

"Một trong những nguyên nhân đầu tiên là vì họ ngại gặp phiền phức với cảnh sát. Nhiều cảnh sát cho rằng, nếu bạn đang giúp đỡ nạn nhân thì động cơ thường là để chuộc tội", Tewari nói.

Bên cạnh nỗi lo bị buộc tội sai, người dân cũng ngại việc trở thành nhân chứng bất đắc dĩ trong những phiên tòa xử lý các vụ tai nạn, trong khi quy trình tố tụng ở Ấn Độ nổi tiếng là kéo dài.

Nếu họ còn giúp đưa nạn nhân đến bệnh viện, họ có thể phải gánh chịu một khoản viện phí đáng kể cho đến khi thân nhân đến nơi.

Tại một quốc gia mà dịch vụ khẩn cấp vận hành trôi chảy, người qua đường chỉ cần gọi xe cứu thương và giúp đỡ sơ cứu ban đầu cho nạn nhân. Tuy nhiên, số lượng xe cấp cứu ở Ấn Độ không những ít mà trang thiết bị còn nghèo nàn. Do cách quản lý hệ thống đường xá yếu kém nên thời gian để xe cấp cứu đến hiện trường cũng khá lâu.

nguoi An Do lanh lung voi nan nhan TNGT anh 2
Sau khi mất người thân, anh Tewari nỗ lực đi tìm câu trả lời cho sự lạnh lùng của người Ấn Độ với nạn nhân TNGT. Ảnh: BBC

Tewari nêu ra những so sánh quan trọng về tinh thần giúp đỡ người gặp nạn trong những vụ tai nạn giao thông so với tai nạn tàu hỏa hoặc đánh bom.

"Trong những vụ nghiêm trọng hơn như vậy, người dân xung quanh nhanh chóng kéo đến giúp đỡ nạn nhân, sơ cứu rồi đưa họ đến bệnh viện. Những việc này diễn ra tự nguyện và rất nhanh, trước khi cả cảnh sát và phóng viên kéo đến", anh nói.

Theo Tewari, sự khác biệt lớn nhất là do nạn nhân TNGT thường chỉ 1 hoặc 2 người. "Do vậy, nguy cơ bạn bị quy chụp là thủ phạm cao hơn".

Đề xuất luật bảo vệ lòng tốt

Tổ chức SaveLIFE và cá nhân Tewari đã đấu tranh không mệt mỏi với giới tòa án Ấn Độ để yêu cầu những biện pháp bảo vệ pháp lý đối với người dân khi họ muốn giúp đỡ nạn nhân TNGT.

nguoi An Do lanh lung voi nan nhan TNGT anh 3
Việc Vinay Jindal, một nạn nhân TNGT qua đời do bị bỏ mặc và không được sơ cứu kịp thời, khiến dư luận Ấn Độ chấn động về sự vô cảm. Ảnh: BBC

Nhờ những nỗ lực này, Tòa án Tối cao Ấn Độ vào năm 2015 đã ban hành một số quy định cụ thể, và chính thức có hiệu lực từ tháng 3/2016. Những quy định như cho phép người gọi dịch vụ cấp cứu được quyền giấu tên, cấm các bệnh viện yêu cầu thanh toán viện phí trước tiên khi tiếp nhận nạn nhân TNGT.

Shrijith Ravindran, giám đốc một chuỗi nhà hàng, chính là người mong đợi những điều luật này hơn ai hết. Anh từng giúp một cụ ông bị thương trong vụ tai nạn ở thành phố Pune hồi tháng 1.

Trong khi đám đông xung quanh còn phân vân chưa biết nên xử trí thế nào, Ravindran quyết định đưa ông lên xe và chở đến bệnh viện gần nhất. Tại đây, họ yêu cầu anh phải điền hàng loạt tờ khai, mà thời gian hoàn thành và xử lý đến gần 3 tiếng.

"Họ hỏi tôi, 'Anh là người nhà à'. Tôi đáp 'Không phải'. Thế là họ không yêu cầu gì thêm nữa. Họ đợi cho một người đáng tin cậy hơn, thường là thân nhân, để chắc chắn rằng hóa đơn sẽ được thanh toán", Ravindan kể lại.

Cụ ông cuối cùng cũng được điều trị sau khi mọi thủ tục đã hoàn thành. Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn, nạn nhân đã qua đời vì các vết thương. "Khoảng thời gian quý giá ban đầu đã trôi qua vô ích", Ravindan nói.


Minh Anh (Theo BBC)

Bạn có thể quan tâm