Theo khảo sát của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, phần lớn công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là người ngoại tỉnh, tuy nhiên nhà ở cho công nhân lao động tại khu vực này hiện chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua.
Phát biểu tại hội thảo "Giải pháp an cư cho công nhân lao động khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam" diễn ra sáng ngày 24/9 tại TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) dự báo đến năm 2020, sẽ có khoảng 1,7 triệu người lao động có nhu cầu về chỗ ở.
Hầu hết dự án nhà ở xã hội đều đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư đang xin chuyển đôi sang làm nhà ở thương mại. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cục trưởng Nguyễn Trọng Ninh cho biết theo báo cáo của các địa phương, hiện nay đã hoàn thành 100 dự án nhà công nhân, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, đủ để bố trí cho khoảng 330.000 người lao động.
Tuy nhiên ông Ninh cho rằng con số này hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu, đồng nghĩa với việc 72% người lao động vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu về nhà ở.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô khoảng 182.200 căn. Tuy nhiên hầu hết dự án đều đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí có nhiều chủ đầu tư đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, do đó, nguồn cung nhà ở xã hội ra thị trường đang rất hạn chế.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nhận định vấn đề sở hữu nhà ở đã trở thành một trong những vấn đề bức thiết của lực lượng công nhân lao động đông đảo.
Tuy nhiên ông Minh cũng cho rằng với khả năng tài chính hạn chế và mức sinh hoạt đắt đỏ tại các đô thị, cơ hội để công nhân lao động có thể sở hữu nhà ở là rất ít. Đại diện Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản gây khó khăn cho người lao động tại các khu đô thị trong việc sở hữu nhà ở là những hạn chế về điều kiện và khả năng kinh tế.
Ngoài ra, nguyên nhân chính yếu khác là sự thiếu cân đối giữa phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với nhu cầu nhà ở của công nhân. Ngoài ra, còn có sự quan tâm chưa đúng mức của nhiều địa phương đến phát triển nhà ở xã hội.
Cùng với đó, nguồn cung nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế của thị trường. Cụ thể, ông cho biết ở các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện TP.HCM mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở của công nhân trong khi con số này ở Long An chưa đạt 2-3%.
Để khắc phục vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng cần xây dựng những cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với công nhân lao động, hỗ trợ xây dựng nhà ở, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa với thị trường để thu hút nguồn đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội.
Đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh đề nghị các địa phương cần đảm bảo về quỹ đất cũng như các nguồn lực dành cho các dự án nhà ở xã hội, đồng thời có các cơ chế cụ thể để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.