Không tường cao, không hàng rào điện, không bảo vệ canh gác và không chó tuần tra, nhà tù Bastoy giống hệt một trại nghỉ dưỡng cao cấp. Ảnh: Pulitzer Center |
Nhà tù Bastoy, Na Uy
Nhà tù Bastoy toạ lạc trên một hòn đảo ngoài khơi trực thuộc thành phố Oslo. Không giống như ở các nhà tù khác, những nhân viên quản lý trại giam thường không mặc đồng phục hay trang bị vũ khí để tránh gây ra những cảm giác cách biệt không cần thiết giữa họ và những "cư dân" sống trên hòn đảo.
Không tường cao, không hàng rào điện, không bảo vệ canh gác và không chó tuần tra, trại giam Bastoy giống hệt một trại nghỉ dưỡng cao cấp. Phòng giam trên đảo chính là những căn biệt thự nhỏ. Khoảng 3 đến 4 tù nhân sẽ cùng ở một phòng. Mỗi người đều sở hữu một chìa khóa riêng.
Theo Daily Mail, cách chính phủ đối xử với những phạm nhân trong khu trại đã gây tranh cãi bởi nhiều người tin rằng nhà tù phải là nơi để những tên tội phạm sám hối chứ không phải là nơi để sống an nhàn. Tuy nhiên, các quan chức khẳng định, mục đích cuối cùng của nhà tù là nhằm thay đổi con người.
Kết quả cải tạo trong Bastoy đã chứng minh chính phủ Na Uy đi đúng hướng. Theo số liệu thống kê, chỉ 16% số phạm nhân tái phạm trong khoảng thời gian 2 năm sau khi mãn hạn tù tại Bastoy. Trong khi đó, con số này ở Na Uy là 20% và mức trung bình của toàn châu Âu lên tới 70%.
Nhà tù Halden, Na Uy
Thiết kế của nhà tù lớn thứ hai và an toàn bậc nhất Na Uy này lại giống một trại hè sang trọng với đầy đủ tiện nghi. Ảnh: The Norden |
Bastoy không phải là nhà giam duy nhất thể hiện thái độ của Na Uy đối với những người phạm tội. Không án tử hình, bản án cao nhất mà tòa án tuyên phạt chỉ là tù 26 năm. Chính phủ nước này hy vọng các tù nhân có thể hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù. Vì vậy, họ tập trung vào vấn đề phục hồi nhân phẩm cho những người phạm tội hơn là trừng phạt.
Nhà tù Halden có thể là nơi giam giữ những kẻ phạm tội nghiêm trọng như cưỡng hiếp hoặc giết người. Tuy nhiên, thiết kế của nhà tù lớn thứ hai và an toàn bậc nhất Na Uy lại giống một trại hè sang trọng với đầy đủ tiện nghi như tivi màn hình phẳng trong phòng giam. Ngoài ra, căn phòng còn có tủ lạnh mini và cửa sổ rộng để đón ánh nắng mặt trời.
Theo Time, nhà tù trải rộng trên diện tích 30 km2 rừng thoai thoải. Để tránh cảm giác tù ngục, bao quanh nhà tù không phải bê tông mà là gạch, thép và những cây thông. Nhà giam dường như mọc lên tự nhiên từ trong rừng.
Hoạt động hàng ngày của các tù nhân đa phần diễn ra bên ngoài phòng giam giữ. Ban quản lý của Halden khuyến khích họ tập thể dục và tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác.
Nhà tù San Pedro, Bolivia
Mọi tù nhân đều phải trả một khoản phí để sống tại nhà tù San Pedro. Ảnh: Daily Mail |
Năm 1986, Bolivia trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhân cơ hội này, những chuyên gia trẻ tới từ trường Đại học Harvard và Đại học Kinh tế Chicago, Mỹ, đã thuyết phục chính phủ thực thi "liệu pháp gây sốc" kinh tế căn bản.
Nhà chức trách Bolivia đã thực thi liệu pháp này trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là trong hệ thống trại giam. Từ đó, nhà tù San Pedro gần như trở thành một cộng đồng tự trị với "quy luật giàu - nghèo" rõ nét. Mọi tù nhân đều phải trả một khoản phí để sống tại nhà giam này. Vì vậy, nếu định thuê hoặc mua một căn hộ, tù nhân cũng phải làm việc như những người bình thường.
Theo Daily Mail, nhà tù San Pedro được chia thành 8 khu, từ tồi tàn đến sang trọng. Sang trọng nhất là khu La Posta, nơi các tù nhân có thể sống trong những xà lim tiện nghi với phòng tắm riêng, nhà bếp, truyền hình cáp và bể sục jacuzzi. Giá mỗi xa lim sang trọng tại khu vực này trị giá khoảng 1.000 USD đến 1.500 USD.
Nhà tù này không có nhân viên an ninh, "pháp luật" tại đây đều do những tù nhân quy định. Tuy nhiên, nếu họ phạm pháp, họ có thể sẽ phải lĩnh án tử hình.
Nhà tù ADX, Mỹ
Khoảng 80.000 tù nhân hiện đang bị giam tại ADX trong điều kiện hoàn toàn cô độc. Ảnh: Boston Globe |
ADX là trại giam bí mật nhất tại Bắc Mỹ. Hầu hết những gì mà người ta biết về nhà tù này đều thông qua một vụ kiện liên bang về điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt tại đây. Theo báo cáo của nhân viên điều tra, những tù nhân tại ADX thường bị giam 23 giờ một ngày trong những xà lim có kích thước chỉ bằng phòng tắm. Một tuần, họ có 10 giờ giải trí.
Tù nhân không được tiếp xúc với con người, thậm chí là nhân viên của trại giam, trong nhiều năm hoặc hàng thập kỷ và trở nên quẫn trí. Họ khoét mắt của chính họ, cắt ngón tay, đập đầu vào tường cho đến khi mất ý thức...
Những nhà quản lý trại giam này cho hay: "Chúng tôi không cung cấp những liều thuốc xoa dịu tinh thần tại đây". Theo Boston Globe, khoảng 80.000 tù nhân hiện bị giam tại ADX trong điều kiện hoàn toàn cô độc.
Nhà tù liên bang Butner, Mỹ
Những tù nhân tại trại giam Butner sống trong một không gian mở, có quyền truy cập Internet và thường xuyên đón người thân đến thăm. Ảnh: Daily Mail |
Trái ngược với ADX, nhà tù liên bang Butner là một trong những nhà tù văn minh và thoải mái nhất nước Mỹ. Năm 2007, trại giam này đạt tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh.
Những tù nhân tại đây sống trong một không gian mở, họ có quyền truy cập Internet và thường xuyên đón người thân đến thăm. Theo Daily Mail, hiện tại, khoảng 1.300 "cư dân" đang sinh sống trong trại giam này.
Nhà tù Sark, Anh
Nhà tù trên đảo Sark chỉ dùng để giam qua đêm những kẻ phạm pháp. Ảnh: Guia Del Trota Mundos |
Được xây dựng từ năm 1956 và tọa lạc trên một hòn đảo tại Anh, dư luận ví Sark là một nhà tù "dễ thương" với hai phòng giam. Nhà chức trách trên đảo sử dụng nơi này chủ yếu để giam qua đêm những kẻ phạm pháp. Cảnh sát thường chuyển những kẻ phạm tội nghiêm trọng đến đảo Guerney gần đó.
Nhà tù Cereso Chetumal, Mexico
Khi giữa các tù nhân xảy ra xích mích, họ chỉ cần thượng đài để giải quyết vấn đề. Ảnh: The Phuket News |
Dư luận đánh giá cuộc sống tại nhà tù Cereso Chetumanl khá thoải mái. Ban quản lý nhà tù khuyến khích các "cư dân" duy trì liên lạc với gia đình. Họ được phép nuôi thú cưng và sử dụng các dịch vụ chăm sóc thân thể.
Mexico nổi tiếng với những tên tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, Cereso Chetumanl, nơi giam giữ khoảng 1.100 tù nhân, là nhà tù duy nhất trên thế giới không xảy ra ẩu đả.
Nói về thành công trong việc xử lý vấn đề về ham muốn bạo lực của các phạm nhân, ban quản lý trại giam cho hay, mỗi khi xuất hiện xích mích, họ lại tổ chức những trận đấu quyền anh. Khi đó, các tù nhân có thể thoải mái phát tiết những ham muốn xấu ra khỏi cơ thể.
Các trận đấu hiếm khi diễn ra quá 2 vòng đấu. Sau đó, không ai muốn giết ai nữa. Quản giáo cũng thường tổ chức chương trình nghệ thuật và hướng dẫn phạm nhân làm đồ thủ công mỹ nghệ để bán cho khách du lịch.