Thị trường tiền ảo vừa trải qua một tuần đầy sóng gió với nhiều đợt bán tháo khiến loạt tiền ảo giảm mạnh, trong đó có thời điểm Bitcoin mất tới nữa giá so với mức đỉnh gần 20.000 USD lập vào giữa tháng 12/2017.
Sàn Bitconnect 'sập', nhà đầu tư lo mất trắng
Bitconnect bị chỉ trích hoạt động theo mô hình Ponzi trước khi sụp đổ. Ảnh: YouTube. |
Ngày 17/1, sàn Bitconnect tại Mỹ thông báo ngừng giao dịch và hoạt động cho vay tiền ảo. BCC - đồng tiền ảo của sàn này phát hành - cũng "bay hơi" hơn 90% giá trị ngay sau đó.
Giá mỗi BCC đã giảm từ hơn 200 USD xuống còn hơn 20 USD chỉ trong 4 giờ đồng hồ, khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay và mất trắng.
Cú sốc Bitconnect gây ra "cơn địa chấn" mạnh tới cộng đồng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là những nhà đầu tư đang tham gia các hoạt động cho sàn vay với lãi suất cao tương tự như mô hình Bitconnect đã áp dụng.
Nhiều nhà đầu tư đang "chơi" loại hình này trên các sàn khác cũng vô cùng hoang mang. Trong đó, khoảng 50.000 nhà đầu tư Việt Nam có nguy cơ mất trắng.
Trước khi Bitconnect "sập", chính quyền 2 bang của Mỹ là Texas và North Carolina cũng đã có cảnh báo tới công dân bang về nguy cơ khi đầu tư trên sàn Bitconnect và chỉ đích danh sàn này đang hoạt động theo mô hình Ponzi, hay còn gọi là đa cấp biến tướng.
Liên tiếp các đợt bán tháo
Thị trường tiền ảo chìm trong sắc đỏ nhiều ngày trong tuần qua trước khi phục hồi nhẹ. Ảnh: Bitcoin Magazine. |
Đêm 16/1 theo giờ Việt Nam, đồng Bitcoin có lúc sụt xuống 9.969 USD trên sàn Coinbase - sàn giao dịch hàng đầu tại Mỹ với các tiền ảo Bitcoin, Ethereum, Litecoin và Bitcoin cash - trước khi quay trở lại trên 11.000 USD vào lúc 23h.
Các tiền ảo lớn khác cũng giảm mạnh. Đồng Ethereum giảm 30%, xuống dưới 1.000 USD, đồng Ripple cũng mất giá 46%, xuống dưới 1 USD.
Khoảng 23h ngày 16/1 theo giờ Việt Nam, đồng Etherum đã quay lại giá 1.000 USD. Trước đó chưa đầy nửa giờ, đồng tiền này giao dịch trên sàn Coinbase với giá gần 964 USD, tương đương mức giảm 26% trong vòng 24 giờ. Chiều hôm trước đó, Ethereum cũng sụt xuống mức 854 USD.
Sang ngày 17/1, nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi tiền ảo khiến sắc đỏ ngập trên thị trường với mức giảm phổ biến của các đồng tiền ảo là 20-30%, thậm chí có những đồng mất gần 40% giá trị. Theo dữ liệu từ Bloomberg, từ ngày 13/1, thị trường này bay hơi hơn 300 tỷ USD vốn hoá.
Trung Quốc cấm dịch vụ ngân hàng liên quan tiền ảo
Trung Quốc khẳng định thái độ không ủng hộ tiền ảo trong tuần qua. Ảnh: Coindesk. |
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) yêu cầu các ngân hàng thương mại nước này dừng tất cả dịch vụ có liên quan đến giao dịch tiền ảo, tờ South China Morning Post ngày 19/1 cho biết.
"Từ hôm nay, tất cả ngân hàng và chi nhánh phải tự kiểm tra và điều chỉnh. Các dịch vụ liên quan tới tiền ảo sẽ bị cấm tuyệt đối", tờ South China Morning Post dẫn thông tin trong tài liệu nội bộ của PBoC.
Động thái này một lần nữa cho thấy quan điểm cứng rắn không ủng hộ tiền ảo của Trung Quốc. Năm ngoái, nước này cũng tuyên bố cấm các sàn giao dịch tiền ảo và hoạt động huy động vốn bằng tiền ảo (ICO).
Chính quyền Bắc Kinh cũng đang cân nhắc cấm các hoạt động giao dịch tiền ảo còn lại và tiến tới đóng cửa hoạt động đào tiền ảo tại quốc gia này.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, phản ứng lại tuyên bố tuàn trước của Bộ trưởng Tư pháp nói rằng đang soạn thảo dự luật cấm giao dịch tiền ảo, tuần qua, trên website của phủ tổng thống, hơn 200.000 người đã ký vào một lá đơn đề nghị không đóng cửa các sàn tiền ảo. Những người này cho rằng tiền ảo là "giấc mơ hạnh phúc" của người dân Hàn Quốc.
Các động thái siết quản lý của Trung Quốc và Hàn Quốc được cho là nguyên nhân chính dẫn tới các đợt bán tháo mạnh của thị trường tiền ảo tuần vừa qua.