7 năm sau thảm họa Fukushima, Nhật vẫn lúng túng dọn dẹp hậu quả
Chủ nhật, 11/3/2018 15:48 (GMT+7)
15:48 11/3/2018
Nhật thất bại trong việc giải quyết 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ, tái định cư cho hơn 55.000 dân và đo mức phóng xạ ở 3 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng.
Đầu tháng 3/2018, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị chủ quản nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ sau thảm họa động đất, sóng thần vào năm 2011 tại Fukushima, đã đưa vào hoạt động bức tường băng xây dựng ngầm xung quanh khu vực nhiễm phóng xạ. Chi phí xây dựng và vận hành bức tường này lên đến 310 triệu USD.
Ảnh: AP.
Bức tường có độ sâu hơn 38 m, dài gần 1,6 km và được TEPCO cho là có khả năng ngăn lượng nước ngầm nhiễm phóng xạ bên dưới nhà máy thoát ra môi trường ngoài. Tuy nhiên theo tờ South China Morning Post, mỗi ngày vẫn có khoảng 100 tấn nước nhiễm xạ thoát qua khỏi bức tường. Ảnh: Reuters.
Lượng nước này được thu hồi và chứa trong các bồn lớn. Tính cả lượng nước nhiễm xạ thu hồi trước khi xây dựng bức tường, hiện đã có hơn 1.000 bồn chứa với tổng dung tích lên đến khoảng 1 triệu tấn. 7 năm sau vụ thảm họa, chính phủ Nhật vẫn chưa tìm ra cách giải quyết đối với lượng nước nhiễm xạ nêu trên.
Ảnh: Reuters.
Một phương án được đưa ra đó là khử xạ và hòa lượng nước đã được xử lý ra Thái Bình Dương. Phương án này bị ngư dân phản đối kịch liệt do việc khử xạ không thể loại bỏ hoàn toàn chất phóng xạ tritium, dù một số chuyên gia khẳng định chất này là vô hại ở lượng nhỏ. Ảnh: Reuters.
Tính đến nay, ước tính 55.000 cư dân Fukushima chưa được trở về nhà. Lượng phóng xạ từ vụ rò rỉ hạt nhân vẫn chưa được giải quyết triệt để và đã lấy đi sinh mạng của 50 người trong 2 năm trở lại đây. Ảnh: Reuters.
Bên cạnh đó, số người tự tử vì trầm cảm sau thảm họa vào năm 2011 đã lên đến con số 155 người và vẫn tiếp tục gia tăng. Theo tờ Washington Post, rất nhiều cư dân Fukushima quyết định chọn cái chết vì điều kiện sống nghèo nàn sau khi phải di tản. Ngoài ra, họ cũng chịu áp lực tâm lý khi bị người ngoài xa lánh vì nghi ngờ nhiễm phóng xạ. Ảnh: Reuters.
Hiện mức phóng xạ tại 3 trong số 6 lò hạt nhân của nhà máy Fukushima Daiichi vẫn cao quá sức chịu đựng của con người. Các robot thăm dò của TEPCO đã thất bại trong việc tiếp cận khu vực này nhằm đo đạc chính xác mức phóng xạ. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, một công ty tư nhân có trụ sở tại Anh đã chế tạo thành công máy bay điều khiển từ xa thâm nhập được vào một trong ba lò phản ứng. Thiết bị này bước đầu đã xác định được mức phóng xạ lần đầu tiên kể từ khi thảm họa xảy ra. Trong ảnh là tàn tích của lò phản ứng hạt nhân số 3. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó vào tháng 10/2017, công ty TEPCO đã được chính phủ Nhật Bản chấp thuận tái khởi động 2 lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki-Kariwa (tỉnh Niigata). Với việc nhà máy Kashiwazaki-Kariwa nằm gần biển và khu vực này cũng từng xảy ra động đất trong quá khứ, công ty TEPCO và chính phủ Nhật Bản trở thành tâm điểm cho rất nhiều chỉ trích vì không biết rút kinh nghiệm từ sự cố Fukushima trong quá khứ. Ảnh: AFP.
Trước đó vào năm 2002, TEPCO cũng từ chối yêu cầu của Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp (nay đã bị giải thể) về việc xây dựng một hệ thống mô phỏng an toàn sau khi xuất hiện báo cáo nhấn mạnh Fukushima có thể hứng chịu một thảm họa động đất, sóng thần lớn trong vòng 30 năm. Quả thật vào năm 2011, thảm họa kép động đất, sóng thần đã ập vào vùng bờ biển Fukushima, gây rò rỉ hạt nhân từ nhà máy Fukushima Daiichi. Ảnh: AP.
Nhiều hoạt động tưởng niệm nạn nhân thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 đã diễn ra hôm 11/3. 6 năm trôi qua, hậu quả thảm họa vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.
Sau thảm họa sóng thần (năm 2011) khiến nhà máy hạt nhân rò rỉ, nhiều khu vực của Fukushima đã có mức phóng xạ an toàn, nhưng không mấy người quay trở lại sống ở đây.
6 năm sau thảm họa hạt nhân, những người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng không những không thể trở về nhà mà còn phải sống với thành kiến của mọi người tại nơi ở mới.