Dưới đây là những khoản chi kỳ quặc của chính phủ Mỹ do trang The Richest thống kê.
1. Thuốc tăng cường sinh lực viagra (504.816 USD)
Theo hợp đồng của chính phủ Mỹ vào năm 2014, Bộ Quốc phòng nước này đã chi hơn nửa triệu USD để mua thuốc tăng cường sinh lực cho nam giới (viagra). Tất cả đều do Cardinal Health, một công ty phân phối dược phẩm có trụ sở ở Dublin, Ohio, sản xuất.
Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu phát viagra cho binh lính vào năm 1998, với giá 10 USD một viên. Đến nay, giá của mỗi viên đã tăng lên 25 USD. Chính sách quân sự chỉ cho phép mỗi bệnh nhân mua tối đa 6 viên một tháng và sẽ không cấp lại nếu làm mất thuốc.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đặt mua thuốc chữa rối loạn chức năng sinh lý thông dụng, bao gồm thuốc điều trị rối loạn cương dương nam giới Levitra (hóa đơn 3.505 USD), và thuốc chữa bệnh liệt dương Cialis (hóa đơn 14.540 USD). Những bản hợp đồng này đều được lưu lại trong hồ sơ ở mục “Hỗ trợ quân sự”.
2. Lượt like trên Facebook (630.000 USD)
Năm 2013, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã chi 630.000 USD để mua like (lượt thích) trên Facebook. Khoản chi này đã khiến lượng like tăng từ 100.000 lên 2 triệu trên trang Facebook bằng tiếng Anh của Cục và 450.000 trên các trang bằng tiếng nước ngoài khác.
Mặc dù có nhiều like như thế, nhưng cơ quan này vẫn không thể chạm tới đối tượng khán giả đích. Chỉ khoảng 2% số người theo dõi thực sự tham gia vào các hoạt động như thích, chia sẻ hay bình luận.
Năm 2012, Facebook đã thay đổi giao diện bảng tin của người dùng. Chiến dịch "câu like" đắt đỏ nói trên không còn có giá trị nhiều. Nói cách khác, nếu bạn trả tiền, trang của bạn sẽ xuất hiện nhiều hơn trên bảng tin của người dùng Facebook. Trang của Bộ Ngoại giao cũng không khác gì một trang dành cho người hâm mộ. Do đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phải liên tục trả tiền quảng cáo, để các nội dung của trang thể hiện trong bảng tin của những người đã thích trang này.
3. Video game chống béo phì (10 triệu USD)
Viện Y tế quốc gia đã đầu tư hơn 10 triệu USD để phát triển một video game. Nội dung của đoạn phim này nói về một thiếu niên buộc phải tìm cách trốn khỏi thị trấn, nơi mà nhìn đâu cũng thấy toàn người béo. Đây được coi là phương pháp đấu tranh chống béo phì.
Nhiệm vụ của người chơi là “Trốn thoát khỏi Diab”, một thành phố ảo, nơi mà mọi người chỉ được phép ăn đồ ăn sẵn. Công ty game Archimage, đợn vị chịu trách nhiệm phát triển trò chơi này, giải thích: “Câu chuyện xoay quanh 5 đứa trẻ phải rèn sức để có thể trốn thoát khỏi tên ác ma King Etes, kẻ thống trị to béo bắt tất cả các thần dân phải sử dụng đồ ăn ở những cây bán đồ tự động”.
Nhân vật chính, Deejay, phải dạy những người bạn bị béo phì của cậu cách ăn uống và các bài tập lành mạnh, để họ có thể cùng nhau trốn thoát khỏi thành phố, nơi đầy rẫy những tòa tháp cung cấp đồ ăn miễn phí, bao gồm bánh kem, khoai tây chiên, bánh mì bơ và burger Etes.
Trò chơi đã được thử nghiệm trên 100 trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 12. Kết quả cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng, 100 em này đã chịu ăn nhiều rau và hoa quả hơn, cụ thể là 0,67 khẩu phần. Nhưng mặt trái là chơi game không giúp tăng mức độ hoạt động thể chất của trẻ. Bởi vì những nhà nghiên cứu đã quên mất rằng, các game thủ vẫn phải ngồi trước màn hình máy trong nhiều giờ liền.
4. Trang web tiểu thuyết tình cảm (914.000 USD)
Theo một báo cáo trong cuốn Wastebook năm 2013, Quỹ Nhân văn quốc gia đã và đang tài trợ “Dự án Lãng mạn” trong suốt 3 năm vừa qua. Tổng kinh phí được rót vào dự án đến thời điểm này đã vượt quá con số 900.000 USD.
Thực chất đây là một trang web nhằm khai sáng cho người Mỹ về tiểu thuyết và âm nhạc lãng mạn, đồng thời đối xử công bằng với văn hóa pop. Dự án tập trung giải quyết những chủ đề gây tranh cãi, như: Team Edward hay Team Jacob? “Những người anh hùng như Edward lãng mạn hay thích kiểm soát?” (Edward và Jacob là nhân vật siêu nhiên trong series Chạng Vạng)
Văn học lãng mạn là nền móng của nghệ thuật Mỹ, đồng thời cũng là một phần không thể tách rời khỏi bản sắc dân tộc. Theo trang web chính thức của dự án, tiểu thuyết viễn tưởng lãng mạn thu về 1,37 tỷ USD doanh thu trong năm 2008. Và thể loại lãng mạn luôn nằm trong danh sách bán chạy của New York Times, USA Today và Publishers Weekly.
5. Bánh donut bí ngô (45.000 USD)
Những tín đồ của bánh donuts (một loại bánh rán) hẳn sẽ phải sốc khi biết rằng chính phủ Mỹ đã chi 45.000 USD nhằm quảng bá bánh donut bí ngô như một thực phẩm lành mạnh.
Trong phát biểu của gây thất vọng của mình, Thượng nghị sĩ Dan Coats (đảng Cộng hòa) cho biết, trong mười năm qua, Cục Dự trữ Liên bang đã lãng phí hơn 290 triệu USD tiền thuế cho một chương trình trợ cấp nông nghiệp, nhằm phát triển kế hoạch kinh doanh và tiếp thị sản phẩm nông nghiệp. Nghiêm trọng hơn, ông Coats cho biết, người hưởng trợ cấp được nhận tiền để tiếp thị bánh donut bí ngô, như là một loại thực phẩm lành mạnh.
Một số trường hợp sử dụng tiền trợ cấp không kém phần kỳ lạ, bao gồm tài trợ chế biến ô liu, phát triển và tiếp thị đồ uống có cồn, pho mát và thịt gà.
6. Những chú khỉ say xỉn (3,2 triệu USD)
Trong năm 2014, chính phủ Mỹ đã chi 3,2 triệu USD cho một nghiên cứu ép những chú khỉ uống rượu quá mức, để xác định những hiệu ứng lâu dài của rượu trên các mô cơ thể của chúng.
Dự án này được thực hiện bởi Đại học Khoa học và Y tế Oregon. Các nhà khoa học cho rằng, thí nghiệm này sẽ "thu hẹp khoảng cách" giữa các nghiên cứu tập trung vào các loài gặm nhấm và con người. Họ cũng nhấn mạnh rằng, dự án này sẽ cho phép các "tổ chức nghiên cứu về rượu có sự hiểu biết sâu sắc hơn về quá trình mắc các bệnh liên quan đến việc nghiện rượu".
7. Tôm chạy trên máy chạy bộ (500.000 USD-3 triệu USD)
Viện Nghiên cứu Khoa học quốc gia, cơ quan tài trợ cho thí nghiệm này, đã chi 500.000 USD đến 3 triệu USD. Qua nhiều năm kể từ khi thực hiện thí nghiệm, các nhà khoa học đã cố gắng nhằm giải thích ý nghĩa của việc thử nghiệm một chú tôm tập thể dục.
David Scholnick, giáo sư sinh học biển Đại học Thái Bình Dương tại Oregon đã bảo vệ nghiên cứu này và coi thường những chỉ trích hướng về mình. Ông khẳng định máy chạy bộ đã được tạo ra từ các bộ phận phụ tùng mà ông phải bỏ 47 USD tiền túi để lắp ráp. Các nhà khoa học khác thì cho biết, số tiền tài trợ nghiên cứu của liên bang được chi cho nhiều thí nghiệm khác nhau, và chiếc máy chạy bộ kia chỉ là một phần nhỏ trong số đó.
Các nhà khoa học giải thích rằng, nghiên cứu này nhằm kiểm tra xem loài tôm có thể chống đỡ sự nhiễm khuẩn như thế nào. "Mỗi muỗng cà phê nước biển có thể chứa hàng triệu vi khuẩn, không cần một bộ não siêu phàm cũng có thể hiểu rằng sức khỏe của các sinh vật biển và sự an toàn của hải sản chúng ta ăn có sự liên hệ chặt chẽ", ông nói.
Scholnick cố gắng bịt miệng những người phản đối mình, bằng cách bán máy chạy bộ với giá chỉ bằng 1/3 giá 3 triệu USD mà ai đó đồn thổi. Chúng ta không biết liệu ai mua không, nhưng dưới đây là video mô tả những gì chú tôm làm trong thí nghiệm.