1. Ajax (1994/95): 3-3-1-3
Năm 1995, HLV Louis Van Gaal có những thay đổi trong sơ đồ chiến thuật của Ajax và giúp đội bóng này đăng quang Champions League với đội hình phần lớn là cây nhà lá vườn. Ngoài ra đội hình lạ lẫm 3-3-1-3 cũng giúp Ajax bất bại trên đường lên ngôi vô địch Hà Lan. Thời đó, Frank De Boer, Danny Blind và Michael Rieziger đá trung vệ, phía trên là Frank Rijkaard. Edgar Davids, Clarence Seedorf đá tiền vệ trung tâm, Jari Litmanen chơi hộ công, hỗ trợ bộ ba tiền đạo Kluivert, Overmars và Finidi. |
2. Australia (2006): 3-6-1
Thêm một HLV người Hà Lan nữa phát kiến ra sơ đồ chiến thuật "điên rồ". Đó là Guus Hiddink, người từng dẫn dắt Australia thi đấu với sơ đồ 3-6-1 tại World Cup 2006. Có 6 cầu thủ thi đấu ở hàng tiền vệ, chia thành 2 lớp với 3 người mỗi lớp. Điều này cho phép đội bóng có được sự gắn kết và công thủ khá dễ dàng. 3 trận đấu vòng bảng năm đó, Australia nắm quyền kiểm soát trội hơn so với Nhật Bản (55%), Croatia (56%) và Italy (58%). Thậm chí đá với ông lớn Brazil, Australia cũng có tỷ lệ kiểm soát bóng với 47%. |
3. Barcelona (2009/10): 4-2-4
Sơ đồ chiến thuật 4-3-3 tại Barcelona được Frank Rijkaard sử dụng và truyền lại cho Pep Guardiola. Chiến lược gia người Tây Ban Nha đã làm nên giai đoạn thành công nhất lịch sử đội bóng với rất nhiều danh hiệu vô địch. Tuy nhiên, Pep cũng có giai đoạn cải biên 4-3-3 thành 4-2-4 để tận dụng những ngôi sao hàng đầu trong đội hình. Theo đó, Messi, Henry và Pedro luân phiên đóng vai tiền đạo chính trong sơ đồ 4 tiền đạo. Trong khi đó ở khu vực giữa sân Yaya Toure và Sergio Busquets "bao" trọn vẹn, đôi lúc Iniesta lùi xuống hỗ trợ. |
4. Tây Ban Nha (2012): 4-6-0
Tại EURO 2012, HLV Vicente Del Bosque giúp ĐT Tây Ban Nha lên ngôi vô địch bằng sơ đồ chiến thuật không tiền đạo. Thời điểm này, dù sở hữu những chân sút hàng đầu như Fernando Torres hay David Villa, song "Ngài râu kẽm" quyết định để Cesc Fabregas đá như một tiền đạo ảo và nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời của những chuyên gia làm bóng như David Silva, Andres Iniesta và Xavi. Sau này, HLV Guardiola cũng từng áp dụng chiến thuật tương tự tại Barca trong một thời ngắn. Sơ đồ này bị mai một trong thời gian gần đây. |
5. Bayern Munich (2013/14): 3-4-3
Pep Guardiola tiếp tục đặt nền móng cho một sơ đồ chiến thuật "điên rồ nữa". Đến tiếp quản một Bayern Munich đang trên đỉnh châu Âu, chiến lược gia người Tây Ban Nha phá bỏ toàn bộ hệ thống chiến thuật của người tiền nhiệm Jupp Heynckes để xây dựng hệ thống mới tại sân Allianz Arena. Philipp Lahm được giải thoát khỏi vị trí hậu vệ và đôn lên đá tiền vệ trụ cao hơn bộ đôi trung vệ Dante và Boateng. Trong khi 2 hậu vệ biên Alaba và Rafinha được bố trí đá như những tiền vệ. Với chiến thuật này, Bayern lên ngôi vô địch Bundesliga sớm 7 vòng đấu. |
6. Chile (2010): 3-3-1-3
HLV Marcelo Bielsa có sự phá cách trong sơ đồ chiến thuật cùng ĐT Chile tại World Cup 2010. Sự đổi thay của đại diện Nam Mỹ đã nhận được sự tán thưởng của giới chuyên môn cũng như NHM. Với số đông cầu thủ bên phần sân nhà, Chile khiến nhiều đội bóng gặp khó trong việc triển khai lối chơi. Trong khi trên hàng công, 4 cầu thủ luôn biết cách tạo đột biến và giúp đội nhà có tấm vé vào vòng knock-out trước khi ngẩng cao đầu rời giải với thất bại trước Brazil tại vòng 16 đội. |
7. Pháp (1984): 4-2-2-2
HLV Michel Hidalgo xây dựng lên một ĐT Pháp huyền thoại và đỉnh điểm là lên ngôi vô địch EURO 1984. Ông vẫn trung thành với sơ đồ 4 hậu vệ, song có bước đột phá trên hàng tiền vệ và hàng công. Với sự sáng tạo và cơ động của những huyền thoại như Jean Tigana, Michael Platini, ĐT Pháp trở nên khó lường với hàng công thi đấu theo trục dọc 2 người một. Tigana, Fernandez đá thấp nhất hàng tiền vệ, phía trên là Platini, Giresse hỗ trợ cho cặp tiền đạo Lacombe - Bellone. |