Mua thức ăn, khay cát, kiểm tra ban công. Còn điều gì bạn cần lưu ý khi nhà tăng số lượng thành viên?
Có thể xem nuôi thú cưng là một trong những bước ngoặt thay đổi cuộc sống thường nhật. Song song với việc chuẩn bị tâm lý, bạn nên sắp xếp lại căn nhà để tạo không gian an toàn, thoải mái nhất cho thành viên mới.
Zing gợi ý bạn các mẹo sửa soạn không gian sống phù hợp, tổng hợp từ các nguồn thông tin chăm sóc thú cưng cùng kinh nghiệm cá nhân của một số độc giả.
_____
Tìm hiểu về tập tính và cách chăm sóc
Động vật thường có đặc điểm và thói quen sống khác nhau.
Một số loài sẽ thích vận động, cần không gian trống; có loài sẽ cắn phá đồ đạc nhiều hơn; loài khác thích ở không gian mát mẻ.
Tìm hiểu cơ bản về đặc điểm hành vi, sở thích, sức khỏe của thú cưng sẽ giúp bạn ít bỡ ngỡ hơn trong giai đoạn làm quen. Đặc biệt khi bạn mới lần đầu nuôi.
Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến từ những người từng nuôi loài thú cưng tương tự để có cái nhìn khách quan.
_____
Xác định không gian sinh hoạt
Nhiều người cho phép vật nuôi tự do di chuyển khắp nơi trong nhà. Trong khi một số gia đình sẽ dùng thanh chắn để ngăn chó mèo lên lầu, vào phòng ngủ, ra ban công,...
Việc xác định trước không gian chính của thú cưng vừa giúp bạn đảm bảo an toàn cho chúng, vừa tránh tình huống khiến bạn khó chịu. Nếu bạn ở với người khác, vấn đề này nên được thảo luận từ sớm.
Chia sẻ với Zing, Mai Nguyễn (Q.7) nói: "Tôi yêu động vật nên cảm thấy không có vấn đề gì trong việc ngủ chung với chúng. Nhưng bạn cùng nhà với tôi thì cấm chó lên giường. Chúng tôi mất khá nhiều thời gian để dạy cún phòng nào được vào và phòng nào không".
_____
Thiết lập khu vực riêng của thú cưng
Ngay cả khi bạn muốn cho thú cưng sự tự do tối đa, bạn vẫn nên chuẩn bị sẵn cho chúng "phòng riêng" để quay về lúc cần nghỉ ngơi hoặc bình tĩnh lại.
Cụ thể, hãy cân nhắc đầu tư lồng với kích thước đủ rộng hoặc giường dành cho thú cưng.
Crate training (huấn luyện lồng) là quá trình giúp thú cưng chấp nhận chiếc lồng như một không gian của riêng chúng.
Khi thú cưng cảm thấy bất an hoặc khi bạn vắng nhà, chiếc lồng sẽ là nơi an toàn.
_____
Kiểm tra vị trí đồ đạc
Trước khi đón vật nuôi về nhà, hãy đảm bảo nội thất và các thiết bị trong nhà thân thiện với thú nuôi.
Theo lời khuyên của PetCoach, những loại cây trồng có hại cho vật cưng (trong trường hợp ăn phải) như cây lưỡi hổ, trầu bà, lô hội,... nên được đặt ngoài tầm với của chúng.
"Chó mèo lúc mới về nhà không thể phân biệt đâu là đồ chơi và đâu là đồ không được đụng đến. Do đó, đừng để bao rác, túi xách, giày dép ở những nơi dễ lấy", Gia Bảo (Q.Tân Phú), nói.
Ngoài ra, những vật dụng như nước lau sàn, đồ chơi hạt nhỏ, kẹo cao su, dây điện cũng nên hạn chế đặt gần thú cưng. Nhất là khi chó mèo nhà bạn còn nhỏ.
_____
Mua trước vật dụng cần thiết
Nếu bạn chuẩn bị khăn tắm, bàn chải cho một người bạn đến ở tạm vài ngày, thì thú cưng gắn bó với bạn trong thời gian dài cũng cần đồ dùng tương tự.
Trước ngày thú cưng đến, hãy sắm sẵn những món cơ bản nhất như thức ăn cho chó/mèo, khay đựng thức ăn, chuồng, đệm, vòng cổ, khay cát vệ sinh, theo My Move.
Với đồ chơi, bạn chỉ nên mua trước 1-2 món phổ biến và rẻ tiền như dây thừng, bóng, cá vải, sau đó quan sát sở thích của thú cưng rồi bổ sung.
_____
Đảm bảo cửa sổ, ban công an toàn
Trang My Move nói chủ nuôi nên kiểm tra và gia cố cửa chính, cửa sổ để hạn chế trường hợp mèo đi hoang hoặc bị bắt.
Với những ai ở nhà cao tầng, ban công là vị trí cần chú ý hơn cả. Động vật khi tập trung săn côn trùng thường không để ý đến xung quanh, dẫn đến khả năng ngã ban công.
"Cửa sổ và ban công nên có hàng rào. Vì nhà ở chung cư, tôi đã mua khung sắt về đóng. Lưu ý nên chọn khung có ô lưới nhỏ khoảng 5 cm để ngay cả mèo con, chó con cũng không thể vượt qua", Lê Huy (TP. Thủ Đức).
Hiện, chàng trai sinh năm 2000 đang nuôi một chó, một mèo.
_____
Sắp xếp thời gian ở nhà
Khoảng một tuần đầu, bạn nên dành nhiều thời gian giúp chúng làm quen với căn nhà và làm quen với bạn, HomeoAnimal đề xuất.
Đừng vội vàng huấn luyện, đưa chúng ra ngoài hay gặp gỡ nhiều người lạ.
Thay vào đó, hãy chậm rãi thiết lập thói quen sinh hoạt cho thú cưng bằng những lịch trình lặp đi lặp lại như cho ăn vào buổi sáng, tắm nắng vào buổi chiều mát,...
"Việc thú cưng ồn ào một vài đêm đầu tiên là điều bình thường, đặc biệt với chó và mèo con", PetCoach giải thích, "Hãy cho chúng không gian yên tĩnh với ổ, đệm ấm áp thay vì đem vào giường vuốt ve".