1. Sợ đến trường: Khi bị bạn bè bắt nạt, trường học sẽ trở thành nơi ám ảnh với trẻ. Nếu buổi sáng trẻ thường kiếm cớ nghỉ học hoặc đến trường trong lo lắng, cha mẹ cần chú ý con nhiều hơn. Bà Donna Clark-Love, chuyên gia về bắt nạt học đường ở Texas, Mỹ, khuyên cha mẹ cần đặc biệt quan sát con vào những ngày đầu tuần. Bà cho rằng trẻ có xu hướng cảm thấy an toàn khi được ở nhà vào ngày cuối tuần. Việc trở lại trường vào sáng thứ 2 và gặp lại những kẻ bắt nạt khiến các em cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Thậm chí, nhiều em bật khóc khi ai đó nhắc đến chuyện đi học. Ảnh: IStock. |
2. Thường xuyên đau đầu, đau bụng: Theo Reader's Digest, đau đầu, đau bụng là những biểu hiện thường thấy khi trẻ gặp căng thẳng, lo lắng vì bị bắt nạt. Đây cũng là những triệu chứng trẻ dễ "giả vờ" để lấy cớ nghỉ học. Bailey Lindgren, người làm việc tại Trung tâm Phòng chống Bắt nạt Quốc gia (Mỹ), gợi ý nếu trẻ thường xuyên phàn nàn bị đau đầu, đau bụng, cha mẹ nên gợi chuyện và hỏi lý do. Điều quan trọng là cha mẹ cần đặt câu hỏi mở, giúp trẻ cảm thấy thoải mái để chia sẻ. Ví dụ: "Gần đây con thường xuyên bị đau, con có thể nói cho bố mẹ nghe điều gì đang xảy ra, bố mẹ sẽ cùng con giải quyết". Ảnh: IStock. |
3. Thường xuyên mất ngủ: Những đứa trẻ bị bắt nạt thường mất ngủ hoặc tỉnh giấc giữa đêm vì các em hay nghĩ đến những chuyện đã xảy ra, hoặc lo sợ ngày mai đến trường phải đối diện với kẻ bắt nạt. Tình trạng mất ngủ này cũng dẫn đến một số vấn đề xấu như mất tập trung, mệt mỏi, dễ cáu gắt. Cha mẹ không nên coi nhẹ những dấu hiệu này vì ngôn ngữ cơ thể của trẻ đang nói rằng các em không ổn. Ảnh: IStock. |
4. Nghỉ chơi với bạn bè: Những thay đổi bất thường trong mối quan hệ bạn bè cũng là dấu hiệu của việc trẻ bị bắt nạt, đặc biệt ở trẻ vị thành niên. Ngoài ra, trẻ từ chối các cuộc hẹn bạn bè hoặc các hoạt động tập thể cũng là một dấu hiệu đáng lo ngại. Bà Donna Clark-Love nhận định tình trạng bắt nạt thường xảy ra ở các nhóm học sinh tuổi vị thành niên, thậm chí xảy ra trong những nhóm bạn chơi thân, khiến người khác khó nhận ra đó là hành vi bắt nạt. Ảnh: IStock. |
5. Ít tương tác với gia đình: Nếu trẻ trở nên lầm lì, ít nói, hoặc thường đi thẳng về phòng sau khi tan học, cha mẹ cần để ý con nhiều hơn. Ngoài ra, trẻ thường xuyên cãi nhau hoặc có hành vi chống lại anh chị em trong nhà cũng là dấu hiệu các em đang bị bắt nạt trong thời gian dài. Những đứa trẻ có biểu hiện này thường rất khó để nói ra tình trạng của mình, cha mẹ cần có cách tiếp cận phù hợp, tránh nóng vội và làm tổn thương con. Ảnh: Steve Debenport. |
6. Trên người có những vết bầm tím: Nếu trên người trẻ có những vết xước, bầm tím, hoặc quần áo, sách vở bị hỏng, rất có thể đó là dấu hiệu trẻ bị bắt nạt ở trường. Khi cha mẹ hỏi về vấn đề này, trẻ có xu hướng né tránh hoặc nói dối. Bạn cần đặt những câu hỏi mở để trẻ dễ mở lòng và nói ra vấn đề của mình. Ví dụ: "Hôm nay con đi học thế nào, con cảm thấy trường học có ổn không",... Ảnh: Craig Dingle. |
7. Xuất hiện hành vi, tâm lý nạn nhân: Bà Donna Clark-Love lưu ý rằng những đứa trẻ bị bắt nạt trong thời gian dài sẽ xuất hiện hành vi, tâm lý của nạn nhân như thường cúi đầu, hay giật mình hoặc phản ứng mạnh với mọi hoạt động của người khác. Ngoài ra, trẻ cũng không dám nói lên suy nghĩ của riêng mình. Nếu trẻ có dấu hiệu này, cha mẹ cần giúp các em lấy lại tự tin bằng cách tham gia các khóa học tự vệ, cùng con tâm sự, trò chuyện,... Ảnh: Craig Dingle. |