Với thông tin Apple có thể sẽ hoàn toàn từ bỏ jack cắm 3,5 mm ở iPhone 7, chúng ta lại một lần nữa được nhắc nhở rằng hãng công nghệ này hoàn toàn không có chút e dè trong việc từ bỏ các chuẩn công nghệ thông thường, bất kể ý tưởng đó nghe có điên rồ đến đâu đi nữa.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Apple đã giúp cho một số công nghệ nhanh chóng trở nên phổ biến trong mắt người dùng. Mặc dù hãng này hiếm khi phát minh ra một công nghệ hoàn toàn mới, nhưng họ có thể tái định vị và cải tiến các công nghệ sẵn có theo những cách rất thu hút người dùng. Sau cùng là khiến cho các đối thủ cạnh tranh phải nhanh chóng làm theo. Dưới đây là 7 ví dụ được trang BGR tổng hợp để minh chứng cho luận điểm này.
1. Multitouch (Cảm ứng đa điểm)
Công nghệ cảm ứng đa điểm là một ví dụ hoàn hảo để bắt đầu. Multitouch có thể không phải là một phát minh ma thuật được xuất phát từ các phòng thí nghiệm (R&D) của Apple, thậm chí hoàn toàn ngược lại. Công nghệ này đã tồn tại từ lâu trước iPhone và đã được biết đến từ tháng 2/2006 bởi Jeff Han tại hội nghị TED Talk. Việc Apple sở hữu multitouch là kết quả của vụ mua lại một công ty có tên FingerWorks vào 2005.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận phiên bản iPhone đầu tiên đã đưa multitouch lên một tầm cao mới. Tiếp bước iPhone, không lâu sau chúng ta đã bắt đầu thấy các smartphone có cảm ứng đa điểm tới từ các nhà sản xuất thiết bị cầm tay khác nhau.
Multitouch có thể không phải một tính năng được phát triển bởi Apple, nhưng những gì hãng này đã làm với iPhone đã thực sự biến nó trở thành đặc sản mang thương hiệu Quả Táo, và quan trọng hơn, đưa công nghệ này đến với công chúng.
2. Chuột máy tính
Con chuột máy tính là đại diện cho một đột phá công nghệ khác, không được phát minh bởi Apple, nhưng lại được biết đến rộng rãi nhờ một sản phẩm của hãng. Trong khoảng giữa thập niên 80, trở lại thời điểm khi hầu hết mọi người vẫn tương tác với máy tính thông qua các dòng lệnh, Apple đã góp phần thay đổi thế giới máy tính khi giới thiệu phiên bản Mac đầu tiên.
Được trang bị một giao diện đồ họa người dùng trực quan mang tính cách mạng, Apple đã phổ biến rộng rãi ý tưởng sử dụng một con chuột để tương tác với máy tính.
Điều thú vị là, lịch sử của con chuột hiện đại thực ra bắt đầu từ tận những năm 60, khi nó được phát minh bởi nhà khoa học Douglas Engelbart của Viện Nghiên cứu Stanford. Còn gì nữa? Mac không phải là chiếc máy tính đầu tiên có sử dụng chuột. Vinh dự này thuộc về chiếc máy trạm Xerox Star 1981. Mặc dù vậy, chỉ tới khi Apple công bố Mac vào năm 1984, chuột máy tính mới thực sự được mọi người biết đến.
3. Trackpad (pad cảm ứng) của laptop
Ngày nay, trackpad đã chở thành một tiêu chuẩn của bất kỳ chiếc laptop nào mà bạn biết. Nhưng trở lại thời kỳ đầu của thập niên 90, khi đó mọi chuyện hoàn toàn khác. Lúc đó, rất nhiều máy tính xách tay sử dụng một con lăn (trackball) cồng kềnh làm cơ chế nhập liệu chính.
Tuy nhiên, khi Apple cho ra mắt dòng máy tính xách tay PowerBook 500 vào tháng 5/1994, giới công nghệ đã hoàn toàn thay đổi. Chiếc máy của Apple đã đưa trackball vào dĩ vãng và thay nó bằng một tấm pad thanh lịch và tiện ích hơn nhiều.
4. Cảm ứng vân tay
Mặc dù công nghệ cảm ứng vân tay không còn quá xa lạ vào thời điểm 2012, nhưng phần lớn người dùng ít khi dùng nó cho tới khi Apple đưa TouchID vào chiếc iPhone 5s của mình. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các nhà sản xuất thiết bị cầm tay khác đã bắt đầu tích hợp công nghệ sinh trắc học vào các sản phẩm di động của mình.
Trên thực tế cảm ứng vân tay đã có trên laptop từ khá lâu, đặc biệt ở các dòng sản phẩm doanh nhân. Song trên di động thì đó là một thứ hoàn toàn khác. Và một lần nữa phải nhắc lại, Apple không hề tự mình nghĩ ra ý tưởng TouchID. Thay vào đó, hãng đã mang về những công nghệ cần thiết cho TouchID khi mua lại công ty bảo mật di động Authentec vào 2012.
Vì vậy mặc dù không hề phát minh ra công nghệ nhận biết dấu vân tay trên di động, chính Apple mới là đòn bẩy đưa công nghệ này đến với công chúng.
5. Giao diện đồ họa người dùng (Graphical User Interface - GUI)
Lịch sử của GUI nổi tiếng bắt nguồn từ Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto của Xerox vào những năm 1970. Và nó vẫn cứ ở đó cho tới khi Apple giới thiệu chiếc máy tính Lisa vào 1983, rồi nhanh chóng theo sau là chiếc Mac của 1984. Mặc dù công nghệ này đã tồn tại từ nhiều năm trước đó, nhưng nó chưa được biết đến cho tới khi được Apple tích hợp vào sản phẩm của hãng.
Mặc dù một số người phản đối cho rằng Apple đã "ăn cắp" khái niệm GUI từ Xerox, nhưng có thể liệt kê ra một số chi tiết đáng lưu ý. Thứ nhất, Apple đã được Xerox cấp phép cho rất nhiều tính năng trên GUI.
Thứ hai, một vài concept GUI hiện được coi là tiêu chuẩn đều được phát triển bởi các kỹ sư Apple trong quá trình nâng cấp phiên bản Mac đầu tiên. Vì vậy, thật khó để phủ nhận rằng GUI ở phiên bản Mac đầu tiên đã đại diện cho một khoảnh khắc đặc biệt và mang tính bước ngoặt trong lịch sử máy tính.
6. USB
Phiên bản Bondi Blue iMac đầu tiên là một sản phẩm táo bạo và tham vọng, được cho là một bước đi mạo hiểm của Apple. Không chỉ bởi iMac xuất hiện mà không có một ổ đĩa mềm (quan trọng vào thời điểm đó), mà bởi nó là máy tính đầu tiên có kèm cổng USB. Thậm chí khi đó, Apple đã bỏ mặc hoàn toàn các cổng dữ liệu truyền thống như ADB hay SCSI.
Mặc dù một số PC ở thời điểm đó đã có cổng USB. Tuy nhiên, một lần nữa, iMac mới là chiếc máy tính đầu tiên hoàn toàn phá vỡ tính tương thích ngược với các cổng cũ. Kết quả là, chiếc iMac đã khởi đầu cho sự chấp nhận rộng rãi của người dùng đối với USB. Và khi mà iMac bắt đầu được giao nhận, số lượng các thiết bị ngoại vi tương thích USB đã tăng lên đáng kể. Mặc khác, số lượng các máy tính hỗ trợ USB cũng bắt đầu tăng lên nhanh chóng.
7. 3D Touch
3D Touch là một trong những tiến bộ smartphone thú vị nhất mà chúng ta được thấy gần đây. Nhưng vì là một công nghệ còn rất mới, nên người dùng sẽ không thể hoàn toàn cảm nhận được hết sự tuyệt vời của 3D Touch cho tới khi các nhà phát triển bắt đầu khai thác nó. Mặc dù vậy, một số ứng dụng trên iOS đã đầu khai thác những tiềm năng của công nghệ này. Vì lẽ đó, có thể nhận định rằng không bao lâu nữa sẽ tới thời điểm màn hình 3D Touch xuất hiện ở các smartphone của các hãng khác.