Trong một nghiên cứu vào tháng 6/2023 đối với nam giới Bắc Mỹ, 68% người được hỏi cho biết họ bị áp lực phải trở thành "một người đàn ông chuẩn men". Theo ThS Phù Khải Hùng (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ), kết quả này không chỉ đúng với nam giới Bắc Mỹ mà còn phản ánh một vấn đề thường gặp tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
“Nguyên nhân của áp lực này là các định kiến tiêu cực về nam giới, hay người ta còn gọi là nam tính độc hại”, ThS Hùng nhấn mạnh. Để hạn chế vấn đề này, theo chuyên gia Đoàn Minh Chí (chuyên viên Hội đồng học sinh Trường WellSpring Sài Gòn), hai giải pháp quan trọng nhất là thúc đẩy đối thoại giữa các bên và nâng cao nhận thức về nhân quyền.
Ba biểu hiện của nam tính độc hại
Chia sẻ tại sự kiện “Nam giới: Áp lực từ bản dạng giới và Định kiến xã hội”, chuyên gia Đoàn Minh Chí tâm sự bản thân từng là nạn nhân của định kiến giới. Anh kể: “Gia đình mình có một đặc thù là để con cháu làm việc vặt trong nhà. Nhờ vậy, mình khá thành thạo các công việc được cho là thuộc về nữ giới, ví dụ như cắm hoa, nấu ăn, trang trí…
Do đó mà khi lên cấp ba, mình thường xung phong cắm hoa tặng thầy cô, trang trí lớp học. Kết quả, mình bị mọi người chỉ trích vì con trai mà lại đi làm việc của con gái. Thậm chí mọi người còn gán cho mình một cái nhãn là ‘không chuẩn men’”.
ThS Phù Khải Hùng xác định các tiêu chuẩn nam tính độc hại chính là nguyên nhân làm nam giới gặp áp lực tinh thần. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Phân tích từ câu chuyện của chuyên gia Đoàn Minh Chí, ThS Phù Khải Hùng xác định anh là một trong rất nhiều trường hợp nam giới bị “đóng khung” vào các định kiến. “Đây là một trong nhiều biểu hiện của nam tính độc hại. Khi một người đàn ông không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về chuẩn mực giới tính, họ sẽ bị bài trừ và chỉ trích gay gắt”, ThS Hùng nhận xét.
Theo ông, vấn đề nam tính độc hại thường được biểu hiện qua ba khía cạnh. Thứ nhất, xã hội sẽ yêu cầu người đàn ông mạnh mẽ về mặt thể chất. “Ví dụ tiêu biểu cho khía cạnh này là nam giới đi tập thể hình. Nhiều người quá ốm hoặc quá mập sẽ bị gán nhãn là xì ke, là không ‘chuẩn men’. Do đó, họ đi tập thể hình để đáp ứng kỳ vọng của xã hội về sự nam tính, mạnh mẽ về mặt thể chất”, nghiên cứu viên Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ phân tích.
Nhiều người đàn ông đi tập thể hình để đáp ứng kỳ vọng nam giới phải mạnh mẽ về mặt thể chất của xã hội. Ảnh: Fast Fitness. |
Thứ hai, nam giới được kỳ vọng phải giải quyết vấn đề bằng hành động, vũ lực, thay vì lời nói. Trong phạm vi gia đình, nam giới thường được gắn với những công việc đòi hỏi thể lực cao như xây nhà, sửa máy móc, khiêng vác vật nặng… “Từ bé, đàn ông đã được giáo dục là con trai không được chui vào xó bếp, không được làm những việc như thêu thùa, cắm hoa, nấu ăn…”, ThS Hùng chia sẻ.
Cuối cùng, theo các tiêu chuẩn của nam tính độc hại, nam giới không được phép bị “bẻ cong”. Nói cách khác, họ phải duy trì một xu hướng tính dục là nam giới dị tính suốt đời. Tuy nhiên, theo ThS Phù Khải Hùng, xu hướng tính dục trong thực tế không ổn định và có thể thay đổi theo thời gian.
“Lý do mà 68% nam giới cảm thấy áp lực khi phải làm đàn ông là do họ quá tin vào các chuẩn mực nam tính độc hại. Hễ ai bị thẩm thấu quá nhiều các chuẩn mực tiêu cực này thì người đó càng dễ gặp áp lực”, nhà nghiên cứu về giới và tình dục của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ nhấn mạnh.
“Bình đẳng giới phải gắn liền với quyền con người”
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia Đoàn Minh Chí nhận xét quá trình thúc đẩy bình đẳng giới ở xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.
Anh ví dụ một vấn đề điển hình: “Theo một khảo sát năm 2017 của Trường Đại học Hoa Sen, có đến 80% số người sử dụng xe buýt là nữ giới. Tuy nhiên, nhân sự quản lý, thiết kế cơ sở hạ tầng, bến bãi lại là nam giới và các chính sách liên quan đến giao thông công cộng cũng đa phần có lợi cho họ. Do đó mà nữ giới gặp bất lợi khi đi xe buýt trong thập niên 2010”.
Chị Lê Thị Hồng Hạnh là nữ tài xế xe buýt hiếm hoi ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Ảnh: Nhật Trường. |
Bổ sung vào câu chuyện, ThS Phù Khải Hùng nhắc đến hai khái niệm “tường kính” và “trần kính” trong các nghiên cứu về giới. Trong đó, “tường kính” nghĩa là rào cản vô hình, áp đặt sự phát triển nghề nghiệp của nữ giới vào một lĩnh vực cụ thể nào đó. Trong khi đó, “trần kính” là những rào cản, định kiến cho rằng nữ giới không thể nắm giữ những vị trí lãnh đạo cấp cao ở nơi làm việc.
“Có trường hợp công ty thà tuyển một nhân sự mới là nam rồi đào tạo họ lên vị trí lãnh đạo thay vì cho một nữ nhân viên có kinh nghiệm lâu năm lên chức. Bởi lẽ, các lãnh đạo cấp cao quan niệm rằng nữ giới còn vướng bận gia đình, con cái nên khó toàn tâm toàn ý cho công ty”, ThS Hùng chia sẻ.
Nhiều người quan niệm nam giới phải làm công việc liên quan đến kỹ thuật, xây dựng trong khi nữ giới nên phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo, theo chuyên gia Đoàn Minh Chí. Ảnh: Jobstreet. |
Để giải quyết định kiến giới, theo chuyên gia Đoàn Minh Chí, hai giải pháp hàng đầu là “đối thoại” và “thúc đẩy nhận thức về quyền con người”. “Chúng ta cần cho toàn xã hội hiểu được lợi ích của bình đẳng giới, nó không chỉ hỗ trợ nữ giới phát triển mà còn giải tỏa áp lực cho nam giới. Nếu không, các định kiến sẽ tồn tại mãi mãi”, anh nhấn mạnh.
“Mặt khác, bình đẳng giới thì phải gắn liền với quyền con người. Cốt lõi của vấn đề là làm cho mọi người đều tôn trọng các giá trị khác biệt đồng thời công nhận cống hiến của người khác trong xã hội thay vì dựa trên giới tính để đánh giá lẫn nhau”, anh kết lại buổi chia sẻ.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.