Sáng 6/4, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị đối với Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại thành phố Thủ Đức.
Với đặc điểm địa bàn rộng, biến động dân số cao sau quá trình sáp nhập 3 quận, TP Thủ Đức đang gặp khó khăn trong công tác lập danh sách cử tri và phần kinh phí phục vụ công tác hậu cần, tuyên truyền cho ngày bầu cử.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì buổi kiểm tra công tác bầu cử thành phố Thủ Đức. Ảnh: Quang Huy. |
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết việc lên danh sách cử tri là điểm khó đối với những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao. Ngoài ra, thành phố trực thuộc TP.HCM có nhiều nơi bị di dời, giải tỏa khiến công tác nắm thông tin về biến động cử tri chưa sát thực tế.
"Ngoài người dân thường trú, TP Thủ Đức có nhiều chuyên gia, lao động, sinh viên cần thực hiện quyền bầu cử. Đặc biệt, cả tài xế về cảng Cát Lái đúng ngày đó thì họ cũng là cử tri vãng lai, có thể tham gia bầu cử", ông Nguyễn Văn Hiếu nói đây là điểm khó của Thủ Đức trong kỳ bầu cử lần này.
Người đứng đầu Đảng bộ TP Thủ Đức chia sẻ thêm trong kỳ bầu cử, thành phố trực thuộc TP.HCM sẽ tổ chức bầu 3 cấp gồm đại biểu Quốc hội, HĐND TP.HCM và HĐND TP Thủ Đức. Song song với công tác bầu cử, việc tổ chức những buổi tiếp xúc cử tri cho ứng viên các cấp cũng tạo áp lực lớn lên nhân sự của địa phương.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ một số khó khăn trong chuẩn bị bầu cử. Ảnh: Quang Huy. |
Về vấn đề kinh phí phục vụ bầu cử, đại diện Ủy ban bầu cử phường Trường Thọ (quận Thủ Đức cũ) cho hay với đặc điểm địa bàn có nhiều trục đường lớn như Đặng Văn Bi, đường số 2, đường Song Hành, Xa lộ Hà Nội... việc trang trí các băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền cho ngày bầu cử cần nhiều kinh phí hơn so với các địa bàn khác.
"Với hơn 50.000 cử tri và 30 tổ bầu cử, phường Phước Long B đang gặp khó khăn về phần kinh phí thực hiện. Nếu phường có số cử tri đông có kinh phí bằng với phường có số cử tri thấp sẽ rất bất cập", đại diện Ủy ban bầu cử phường Phước Long B (quận 9 cũ) chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc về vấn đề kinh phí thực hiện bầu cử, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết thông tư hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác bầu cử các cấp đã có quy định rõ vấn đề này. UBND TP Thủ Đức và Phòng Nội vụ cần hướng dẫn, giải thích thêm cho các phường về thắc mắc trên.
"Trong kỳ bầu cử còn nhiều việc tác nghiệp khác. Các địa phương cần cân đối kinh phí cho từng thành viên bầu cử tùy năng lực, độ tuổi và phần việc đảm nhiệm để bố trí", Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho hay.
Thượng tá Lê Quang Đạo, Trưởng phòng An ninh đối nội - Công an TP.HCM, góp ý TP Thủ Đức là địa bàn phức tạp, chính quyền thành phố cần chú trọng đến việc đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình bầu cử.
"TP Thủ Đức cần lên phương án đảm bảo an ninh, trật tự, đặc biệt các điểm có lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM tham dự", đại diện Công an TP.HCM đề nghị.
Theo Công an thành phố Thủ Đức, 656 người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù nhưng được hưởng án treo sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong kỳ bầu cử tới. Trong đó, các trường hợp bị tạm giữ, tạm giam dự kiến tham gia bỏ phiếu tại Nhà tạm giữ Công an TP Thủ Đức, các trường hợp được hưởng án treo sẽ tham gia bỏ phiếu tại nơi cư trú.
Đến nay, TP Thủ Đức đã thành lập 360 tổ bầu cử, điểm bầu cử với tổng cộng 6.639 thành viên. 59/68 người tham gia ứng cử đã được lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.