Trong lúc những công nhân dồn toàn lực để hoàn thành hai bệnh viện dã chiến nhằm đối phó với virus corona tại Vũ Hán, hàng chục triệu người Trung Quốc cũng đổ dồn vào xem những nỗ lực của họ.
Cảnh livestream xây bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán thu hút hơn 65 triệu người xem. Ảnh: Nikkei. |
Theo Nikkei, đang có tới 65 triệu người theo dõi quá trình này trên ứng dụng Yangshipin của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV). Ứng dụng này đang truyền tới 4 góc máy trực tiếp quá trình xây dựng hai bệnh viện Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn. Những bệnh viện này dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 3/2 và 5/2, với tổng số 2.600 giường bệnh.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, hashtag truyền trực tiếp quá trình xây dựng nhận tới 230 triệu lượt truy cập. Dân mạng Trung Quốc cho mình là "những người chứng kiến trực tuyến", thậm chí còn đặt biệt danh cho những chiếc xe cẩu hay xe tải tại công trường.
Nắm bắt xu hướng này, đài truyền hình CCTV còn tạo ra một bảng bình chọn những cỗ máy được người dùng yêu thích trong chương trình. Tuy nhiên, bảng bình chọn này bị nhiều dân mạng chỉ trích là giải trí hóa một vấn đề nghiêm túc. Không lâu sau, bảng bình chọn đã bị gỡ bỏ.
Hai bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán được xây dựng theo mô hình bệnh viện Tiểu Sương Sơn tại Bắc Kinh, được dựng lên nhằm đối phó với dịch SARS năm 2003. Theo South China Morning Post, các bệnh viện tạm thời là một phần nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn dịch bệnh, các biện pháp bao gồm phong tỏa hàng chục thành phố ở Hồ Bắc, trong đó có Vũ Hán.
Hai bệnh viện dự kiến hoàn thành chỉ sau 10 ngày xây dựng, đáp ứng tổng 2.600 giường bệnh. Ảnh: AFP. |
Bệnh viện Tiểu Sương Sơn cũng đang được tân trang lại để đối phó với virus corona. Theo số liệu sáng ngày 31/1, số người chết vì virus corona Vũ Hán tại Trung Quốc đã lên đến 213. Tổng số ca nhiễm tới lúc này là 9.692.
Mô tả đây là "sự bùng phát dịch bệnh chưa từng có tiền lệ", WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) vì sự lây lan của chủng virus corona, hiện được gọi là 2019-nCoV hay virus Vũ Hán, bên ngoài Trung Quốc.
Trước đó, WHO đã từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp khi cho rằng còn thiếu bằng chứng lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc. Động thái này đã khiến tổ chức quốc tế về y tế bị chỉ trích.