Một khảo sát ở Trung Quốc chỉ ra rằng trong trường hợp mỗi năm, bạn về nhà 7 ngày dịp Tết Nguyên đán, dành nhiều nhất 11 giờ mỗi ngày bên cha mẹ. Nếu cha mẹ bây giờ 60 tuổi, giả sử họ sống đến 80 tuổi, chúng ta chỉ có thể ở bên họ 1.540 giờ. Con số này tương đương với 64 ngày.
Thậm chí, khoảng thời gian này có thể ngắn hơn, bởi vì cha mẹ bạn đang già đi và không ai dám nghĩ đến chuyện tương lai.
Một độc giả trên trang KKnews viết: "Tôi quê ở Hồ Nam, mỗi năm về nhà 2 lần, mỗi lần 4 ngày. Trừ đi khoảng thời gian xã giao với bạn bè, ăn ngủ, vui chơi, mỗi lần về thăm chỉ còn 1 ngày. Nếu cha mẹ tôi còn sống khoảng 20-30 năm nữa, thì tôi cũng chỉ ở bên họ 20-30 ngày mà thôi. Nghĩ đến tôi thấy đau lòng”.
Gia Lôi (30 tuổi, Thâm Quyến) cho hay cuối năm 2019, cha anh qua đời vì căn bệnh ung thư xương khi ông mới ngoài năm mươi tuổi.
"Chẳng ai có thể ngờ người cha tài giỏi, khỏe mạnh - người cha tuyệt vời của chúng tôi lại ra đi sớm như vậy. Tôi còn nhiều điều muốn làm cho ông nhưng bây giờ đã quá muộn. Tôi không còn cơ hội để thực hiện. Tôi thật sự nuối tiếc rất nhiều”.
Cha mẹ là người luôn hy sinh, cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Cách đây không lâu, trong chương trình do đài truyền hình Hồ Nam phát sóng, một nam MC đưa ra câu hỏi cho các bạn trẻ tham dự rằng “Bạn có nói chuyện điện thoại với cha mẹ mỗi ngày không?”.
Một khán giả cho biết: “Thời điểm đi học, một tuần tôi gọi cho cha mẹ 2 lần, còn đi làm thì một tháng một lần. Nếu không có việc gì đặc biệt quan trọng, tôi sẽ không chủ động gọi điện cho họ”.
Một khán giả khác cho biết nếu như gọi điện cho cha mẹ hàng ngày, anh ta không biết phải nói gì. Một số thì cảm thấy cha mẹ nói chuyện trên điện thoại quá cằn nhằn.
Một khảo sát tại Trung Quốc với người từ độ tuổi 25-50 cho thấy: 63% số người được hỏi gặp gỡ cha mẹ ít hơn ba lần một năm. Trung bình, những người này dành khoảng 78 giờ cho cha mẹ mỗi năm, tức là 3 ngày và 6 giờ.
Nhà văn Trung Quốc Tất Thục Mẫn, trong cuốn sách Hiếu tâm vô giới viết: "Tôi tin rằng mỗi người con đều mong có thể hiếu thảo với cha mẹ từ tận đáy lòng. Thật không may, do bận rộn, con người thường quên đi sự tàn khốc của thời gian, sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự mong manh của chính sự sống”.
Thời gian lặng lẽ trôi, chúng ta ngày một trưởng thành còn cha mẹ thì ngày càng già đi. Tình yêu thương cha mẹ dành cho chúng ta bao la như trời biển. Nhưng chúng ta thì sao? Phải chăng chúng ta còn quá vô tâm, còn thờ ơ, hờ hững với những người yêu thương ta nhất?
Chúng ta dường như ít quan tâm, ít nghĩ đến cảm xúc và suy nghĩ của cha mẹ. Chúng ta thường chỉ biết nhận lấy mà chẳng chịu cho đi, thường lãng quên ơn sâu nghĩa nặng của đấng sinh thành. Đôi khi, cách mà chúng ta đối xử với cha mẹ thật sự rất tệ…
Vì vậy, nếu bạn còn cha mẹ mà không thể ở bên họ, hãy cố gắng trò chuyện với họ qua điện thoại. Đừng báo bận khi cha mẹ bạn muốn chuyện trò.
Có một số điều mỗi người con nên nhớ.
Hạnh phúc của cha mẹ luôn là con cái
Với tất cả những người cha, người mẹ, điều hạnh phúc nhất là được sống cùng con cái. Chúng ta đừng nghĩ rằng mang về cho cha mẹ thật nhiều tiền, xây cho họ nhà cao, cửa rộng đã làm tròn bổn phận.
Bởi vì, đôi khi, điều đấng sinh thành mong muốn chỉ là những bữa cơm quây quần, được con cháu hỏi han, chăm sóc.
Cha mẹ là người luôn nhận lấy những khó khăn, cực nhọc dể dành cho con cái điều tốt đẹp nhất. Dù chúng ta có thành công hay thất bại, khi về nhà, cha mẹ luôn mở rộng vòng tay chào đón. Về nhà, sẽ không ai phán xét, không ai ghét bỏ, không ai đố kỵ, mà chỉ có tình yêu thương là duy nhất.
Hãy trở về nhà với cha mẹ khi có thể
Có bao giờ những người trẻ tự hỏi: “Đã bao lâu rồi mình không dành thời gian gần bên cha mẹ?".
Không có từ ngữ nào có thể kể hết tình cảm của đấng sinh thành dành cho con cái. Chăm bẵm từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, khi phải rời xa, cha mẹ là người luôn thương nhớ con cái. Mỗi chúng ta đều hiểu rằng cha mẹ sẽ rất cô đơn nếu không được ở cạnh con cháu.
Bởi vậy, dù bận rộn hay mệt mỏi, chúng ta đừng quên còn cha mẹ ở phía sau. Ngay từ bây giờ, mỗi người con hãy làm tròn chữ Hiếu để sau này không phải ân hận.