Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6.200 người học nghề sẽ đủ điều kiện làm việc ở nước ngoài

Với chương trình giáo dục nghề được đổi mới, 8.800 lao động sẽ được đào tạo trình độ cao về kỹ năng nghề và ngoại ngữ, hướng tới 6.200 người đủ điều kiện làm việc ở nước ngoài.

Đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế là một trong những mục tiêu quan trọng được Bộ Lao động Thương Binh và Xã và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề ra. Điều này giúp người lao động bắt kịp xu hướng phát triển nghề nghiệp chung của thế giới. Trong đó, kỹ năng nghề được chuẩn hóa theo ứng dụng công nghệ 4.0 và tiếng Anh là hai yếu tố quan trọng, học viên trường nghề cần được trang bị đầy đủ khi tốt nghiệp.

Theo chương trình “Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm an toàn lao động giai đoạn 2016-2020”, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo trình độ cao về kỹ năng, ngoại ngữ theo ngành nghề đặc thù cho 8.800 lao động, đưa khoảng 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn.

Tong cuc Giao duc nghe nghiep anh 1
Nhiều lao động Việt sẽ đủ điều kiện về kỹ năng nghề và ngoại ngữ để làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài.

Có hai đối tượng thuộc diện được dự án này hỗ trợ. Thứ nhất là người tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ nghề, ngoại ngữ theo yêu cầu của hợp đồng cung ứng giữa đơn vị xuất khẩu lao động Việt Nam với đối tác nước ngoài. Thứ hai là người tham gia chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA).

Trong đó, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng và người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp là đối tượng được ưu tiên. Dự án sẽ hỗ trợ người lao động một phần học phí theo quy định.

Để thực hiện mục tiêu trên, tổng cục đặt ra nhiều giải pháp để tiếp cận mô hình đào tạo quốc tế. Trong đó, nổi bật là các giải pháp về chuyển giao chương trình giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nâng cấp trang thiết thị.

Thực hiện đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2012-2015", các trường đã tiếp nhận chuyển giao đồng bộ 34 bộ chương trình của 34 nghề trọng điểm quốc tế: Từ Australia là 12 nghề và từ Ðức là 22 nghề.

Khoảng 2.000 học viên sẽ được nhận chuyển giao từ dự án này. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ được cấp 2 bằng, một bằng cao đẳng của Việt Nam và một bằng nghề quốc tế của Australia hoặc Ðức. Ngoài kỹ năng nghề được quốc tế công nhận, học viên sẽ đạt trình độ tiếng Anh từ B1 đến B2 theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu. Điều này giúp học viên dễ tìm việc làm tại khu vực ASEAN và quốc tế.

Tong cuc Giao duc nghe nghiep anh 2
34 nghề được tiếp nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ Australia và Đức.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đề án nhận chuyển giao toàn bộ công nghệ đào tạo của Australia và Đức, gồm chương trình, giáo trình, tài liệu, kế hoạch đào tạo, danh mục thiết bị; nội dung, cách thức kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng quốc tế…

Ngoài ra, chương trình “Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm an toàn lao động giai đoạn 2016-2020” còn đặt ra mục tiêu đưa 1.000 giáo viên bồi dưỡng ở nước ngoài với nghề nhận chuyển giao; đào tạo tiếng Anh cho 6.000 giáo viên dạy các nghề trọng điểm quốc tế và khu vực; tổ chức khóa học ngắn hạn nâng cao trình độ ngoại ngữ cho khoảng 300 cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, để chuẩn hóa chương trình giáo dục nghề theo công nghệ 4.0, tổng cục đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 50% trường nghề ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dạy và học nghề trọng điểm; ít nhất 60% chương trình, giáo trình giảng dạy được số hóa và lưu trữ bằng công nghệ tiên tiến.

Với những đổi mới này, tổng cục kỳ vọng, người lao động có thể dễ dàng tìm được việc làm tại các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, nhờ đó thu nhập và cuộc sống sẽ được cải thiện hơn. Độc giả tham khảo chi tiết về các chương trình của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại đây.

Giang Hoàng Lam

Bình luận

Bạn có thể quan tâm