Năng suất lao động của Việt Nam, tầm quan trọng của năng suất, làm thế nào để tăng năng suất, thoát bẫy thu nhập trung bình là những chủ đề lớn tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 được tổ chức sáng nay (11/1).
Ban tổ chức đã dành một phiên thảo luận riêng về năng suất lao động với sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín trong và ngoài nước trong đó có các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng như GS. Trần Văn Thọ, TS. Trần Đình Thiên, TS. Nguyễn Đình Cung... Ngoài ra có GS. Kenichi Ohno của Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS).
'6.000 ngày thần kỳ của Nhật Bản'
Một trong những bài phát biểu gây chú ý nhất tại diễn đàn đến từ GS. Trần Văn Thọ, đến từ Đại học Waseda, Tokyo, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. GS. Trần Văn Thọ phát biểu về năng suất lao động dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản, quốc gia được coi là có kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới về tăng năng suất chỉ trong vòng 20 năm.
Câu chuyện “6.000 ngày thần kỳ của Nhật Bản” được GS. Trần Văn Thọ dẫn ra như một bài học mà Việt Nam cần hướng tới. Theo đó, Nhật Bản đã có khoảng gần 20 năm, khoảng 6.000 ngày (1955-1973) có tốc độ phát triển GDP bình quân hàng năm khoảng 10%.
GS. Trần Văn Thọ, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Hiếu Công. |
“6.000 ngày thần kỳ” đã thay đổi hoàn toàn vị thế của nước Nhật trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng.
Điều đặc biệt, theo GS. Thọ, trước khi bắt đầu “6.000 ngày thần kỳ”, vị thế của Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam hiện tại. Vào thời điểm đó, dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động của Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam, nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn số lao động, năng suất lao động thấp.
Cách Nhật Bản tăng năng suất lao động để tạo bước phát triển thần kỳ cũng được GS. Thọ chia sẻ. Nhật Bản là một nước đi sau phương Tây nhưng đã tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, rút ngắn khoảng cách, từng bước công nghiệp hóa, nâng cao năng suất, rồi sau đó xuất khẩu lại công nghệ ra thế giới.
Nhật Bản cũng tái cơ cấu nguồn lực: Tập trung nguồn lực với những ngành nghề tạo ra năng suất cao, giá trị cao thay vì những ngành có giá trị thấp như nông nghiệp đồng thời tăng quy mô sản xuất của nhiều ngành nghề, tạo ra giá trị cao, năng suất cao cho hàng hóa.
Về nguồn lực, các chính sách đào tạo, nâng cao trình độ được tiến hành. Năng suất của từng người dân, ngành nghề từng bước được nâng cao.
Theo chuyên gia, lao động Việt Nam phần lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó kéo năng suất đi xuống. Ảnh: Việt Hùng. |
Năng suất Việt Nam đang ở đâu?
Theo GS. Trần Văn Thọ, năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến các nước trên thế giới. Từ trước đến nay Việt Nam chủ yếu tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu. Trong thời gian tới động lực chủ yếu cho tăng trưởng phải là tăng năng suất lao động.
GS. Thọ cũng lưu ý trước nay Việt Nam mới nói về việc thoát bẫy thu nhập trung bình một cách chung chung, chưa sát thực tế. Có 2 loại là bẫy thu nhập trung bình thấp và cao theo mỗi giai đoạn khác nhau. Bẫy thu nhập trung bình cao khi quốc gia hết lao động dư thừa, nguồn vốn không có khả năng tăng năng suất, cần tạo ra công nghệ cao.
Bẫy thu nhập trung bình thấp khi quốc gia dư thừa lao động nông nghiệp, kinh tế cá thể còn phổ biến. Do đó cần cải thiện thị trường vốn, lao động… Và Việt Nam có nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình thấp.
GS. Thọ cho rằng Việt Nam muốn tăng trưởng đột phá thì phải tăng nhanh năng suất lao động.
Việc đầu tiên cần tái phân bổ nguồn lực, chuyển dịch lao động dư thừa sang các khu vực có năng suất cao hơn. Theo đó, lao động dư thừa đang nằm nhiều trong nông nghiệp và kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình. Ông nhấn mạnh việc dư thừa này tạo dư địa để tăng năng suất, tái phân bổ nguồn lực.
Ngoài ra, ông cho rằng cần tăng tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân bằng cơ chế, chính sách, hỗ trợ, lớn mạnh, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, cũng cần khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo.
Chuyên gia cho rằng cần thu hút FDI một cách chọn lọc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong thu hút FDI, theo GS, cũng cần có tính chọn lọc các dự án tạo năng suất lao động cao, có tính lan tỏa đến nền kinh tế, tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để nâng cao năng suất, tiếp cận giá trị toàn cầu.
Cần coi công nghiệp hóa là một bước đột phát tăng năng suất, thu hút khu vực lao động nông nghiệp, kinh tế cá thể chuyển dịch. Theo ông, trình độ công nghiệp hóa của Việt Nam còn thấp so với thế giới. Trong khi đó lại xuất hiện tình trạng “giải công nghiệp hóa”, nghĩa là chưa phát triển mạnh đã có hướng suy giảm.
“Công nghiệp hóa, tăng quy mô sẽ tái cơ cấu nguồn lực. Hút nguồn lực có năng suất lao động thấp ở các khu vực khác chuyển sang. Ngoài ra có thể là tiền đề cho phát triển một số ngành dịch vụ có giá trị cao”, ông nói.
Cuối cùng ông nhấn mạnh Việt Nam có thể vượt bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu Chính phủ hành động và thực sự tạo được sự đột phá.
Đến người lái taxi cũng phải 'ngấm' chuyện tăng năng suất
Quan sát kinh tế Việt Nam nhiều năm, GS. Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS), cho rằng tăng năng suất của Việt Nam gần như không chuyển biến nhiều trong 10 năm qua. Ông nhấn mạnh Chính phủ cần hành động ngay để tạo đột phá trong tăng năng suất.
Theo ông Kenichi Ohno, Việt Nam cần có tầm nhìn cụ thể, chứ không thể mơ hồ trong mục tiêu hướng tới.
“Ngay trong năm 2018 Việt Nam có thể xây dựng một báo cáo về năng suất lao động. Việt Nam đã hội nhập mà chưa bao giờ có một báo cáo hay chỉ số về năng suất. Điều này là kỳ lạ”, ông nói.
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Hiếu Công. |
Báo cáo về năng suất sẽ giúp cho biết Việt Nam đang ở đâu và có những hành động cụ thể để tăng năng suất trong thời gian sắp tới.
“Cần thiết lập mục tiêu năng suất sau rất nhiều năm hội nhập, hiện đại hóa. Dưới con mắt của tôi, Việt Nam có thể tăng trưởng cao trên thế giới nhưng quá thấp so với tiềm năng”, ông nêu quan điểm.
Cũng theo ông, Việt Nam cần phải xây dựng ngay “chiến dịch về tư duy”. “Cần phải thay đổi tư duy nhận thức về việc tăng năng suất trong 3-5 năm tới để tất cả mọi người có thể ngấm được chính sách, để đến những người lái taxi cũng biết đến việc tăng năng suất”, ông nhấn mạnh.
Đồng tình với ông Kenichi Ohno, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương, cũng cho rằng cần đột phá về tư duy ngoài những đột phá khác như cơ sở hạ tầng, thể chế, giáo dục.
Ông nhấn mạnh cần tận dụng cách mạng khoa học 4.0 như một cách tăng năng suất, đột phá cho tăng trưởng của Việt Nam, ngoài ra còn có chiến lược phát triển công nghệ, khoa học công nghệ và khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo.
Chiến lược đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy nghề, Phát triển một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh chiến lược ở tầm quốc gia cũng cần có. Từ đó, Việt Nam sẽ từng bước đột phá về năng suất lao động.