Đây là kế hoạch thuộc chương trình hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ với Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (FDRA).
Tại hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại giày dép Việt Nam - Mỹ hậu Covid 19 ngày 28-30/5, 2 bên sẽ cập nhật tình hình thị trường giày dép Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời đánh giá triển vọng và cách thích ứng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng sẽ giới thiệu định hướng chính sách phát triển ngành và thúc đẩy giao thương với thị trường Mỹ.
Hội nghị giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực giày dép với thị trường Mỹ được kỳ vọng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sau dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Đông Hưng. |
Theo Cục Xúc tiến thương mại, đây là cơ hội để kết nối doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực giày dép, giúp hai bên hiểu rõ nhu cầu, năng lực của nhau và tiến tới thỏa thuận hợp tác. Riêng phía Mỹ có sự tham gia của 60 đơn vị nhập khẩu giày dép.
Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong đó, năm 2019 được xem là năm thành công khi kim ngạch đạt 18,3 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch 6,65 tỷ USD, tăng 14,2%.
Quý I, số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu giày dép số một với kim ngạch 1,56 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết chưa thể chốt được các hợp đồng đàm phán của quý II và III do lượng tiêu thụ tại Mỹ đang trên đà suy giảm. Không chỉ giảm đơn hàng, nhiều đối tác còn đột ngột dừng đơn hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.
Tuy vậy, theo dự báo, sau khi khống chế được dịch Covid-19, nhu cầu mặt hàng giày dép tại thị trường Mỹ sẽ tăng cao. Do đó, Cục Xúc tiến thương mại cho rằng các doanh nghiệp giày dép cần thúc đẩy xúc tiến thương mại sang Mỹ ngay từ bây giờ.
Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều hoạt động giao thương trực tuyến với Ấn Độ và Vân Nam, Chiết Giang, Trùng Khánh (Trung Quốc). Thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai xúc tiến thương mại truyền thống và trực tuyến với nhiều thị trường khác tại Trung Quốc và Singapore.