Trên thực tế, 60 phút Mở từng được ra mắt khán giả vào tháng 10/2015 trên kênh VTV6 và VTV1, với kết cấu 3 phần: Chủ đề mở, Trường quay mở và Khách mời mở. Trong 60 phút Mở, khách mời được bộc lộ, bày tỏ quan điểm cá nhân đồng thời phản bác ý kiến của phe đối diện.
60 phút Mở phát trên sóng VTV1 vào tối 27/5 do nhà báo Tạ Bích Loan dẫn bàn về một vấn đề xã hội đang được nhiều người quan tâm là "Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?".
Tuy mang chủ đề khá rộng, nhưng xuyên suốt thời lượng chương trình là cuộc tranh cãi dai dẳng không hồi kết giữa MC Phan Anh, nhà báo Hồng Thanh Quang, nhiếp ảnh gia Na Sơn, nhà báo Hoàng Minh Trí và chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà, xoay quanh việc MC Phan Anh chia sẻ một clip thí nghiệm cá chết trên facebook cá nhân.
Hiện tại, chương trình này đang trở thành đề tài gây tranh cãi trên mạng xã hội. Người thì đứng về phía MC Phan Anh và tán đồng những lý lẽ mà anh đưa ra trong chương trình. Người khác cho rằng lập luận của chuyên gia tâm lý và nhà báo là khá khoa học và đầy đủ, giúp người khác tỉnh táo hơn trước khi chia sẻ một thông tin nào đó trên mạng xã hội.
Nhiếp ảnh gia Na Sơn là người góp tiếng nói ủng hộ hiếm hoi đối với MC Phan Anh trong chương trình 60 Phút Mở. Ảnh: Facebook nhân vật |
60 phút: Huyền thoại của truyền hình Mỹ
60 phút Mở được cho là áp dụng format từ một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất nước Mỹ là 60 Minutes. 60 Minutes số đầu tiên được phát sóng từ năm 1968, dưới bàn tay dẫn dắt của nhà sản xuất gốc Do Thái Don Hewitt, với chủ trương phản ánh những tin tức liên quan đến các sự kiện, vấn đề nóng của xã hội, chính trị và kinh tế.
Chương trình này đã giành được rất nhiều giải thưởng (bao gồm 12 đề cử giải Emmy năm 2007) và được coi là một trong những chương trình truyền hình điều tra hay nhất của truyền hình Mỹ.
Năm 2002, 60 Minutes xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng 50 chương trình truyền hình hay nhất mọi thời đại của TV Guide. Báo New York Times còn gọi nó là “một trong những kênh tin tức được yêu thích nhất trên truyền hình Mỹ".
Chương trình làm theo dạng một tạp chí tin tức, tương tự như W5 của Canada được ra mắt 2 năm trước đó. Nó tiên phong trong việc đưa ra nhiều công đoạn và kỹ thuật trong báo chí điều tra, trong đó có việc biên soạn phỏng vấn, lắp camera kín, hay đến tận nhà ở và văn phòng làm việc của các đối tượng phỏng vấn.
Theo format ban đầu của chương trình, MC trở thành một nhà điều tra, lật ngược lại vấn đề, dùng thật nhiều lý lẽ và dẫn chứng để buộc đối tượng bị điều tra phải thừa nhận sai lầm.
Để thực hiện được điều trên, MC phải là người có kỹ năng phỏng vấn ở ngôi thứ nhất thật sự điêu luyện, nắm rõ vấn đề, đồng thời biết được toàn bộ chứng cứ và câu chuyện của người bị điều tra, để buộc họ thừa nhận sự việc theo đúng bản chất của nó.
Bên cạnh đó, để hoàn tất một chương trình hoàn chỉnh và thành công, buộc phải có một cuộc điều tra độc lập và sâu sắc về nhiều khía cạnh của vấn đề, và vấn đề được chọn thường là một sự thật khủng khiếp đã bị giấu nhẹm trong thời gian dài.
Những sự cố không ngờ
Thành công là thế, nhưng 60 Minutes không tránh khỏi nhiều sự cố trong quá trình thực hiện, khi cuộc đối thoại giữa MC chương trình - phóng viên Mike Wallace với nhân vật được phỏng vấn từ tranh luận trở thành một cuộc khẩu chiến tay đôi.
Nổi tiếng trong số đó là trường hợp của nhà lãnh đạo Hồi giáo Elijah Muhammad - Louis Farrakhan. Trong chương trình, Wallace chê bai Nigeria là đất nước tồi tệ nhất trên thế giới, khiến ông Farrakhan ngay lập tức phản pháo rằng Nigeria chưa bao bao giờ đem bom nguyên tử ném xuông Hiroshima hay tàn sát hàng triệu người dân Ấn Độ!
Một sự cố khác xảy ra vào ngày 23/1/1982, khi MC Wallace phỏng vấn tướng William Westmoreland, từng là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam.
Trong chương trình, MC Wallace đã đưa ra nhiều nhận định có ý buộc tội tướng Westmoreland về nhiều tội ác đã gây ra ở Việt Nam, khiến ông này đâm đơn kiện Wallace và hãng CBS tội phỉ báng. Vụ án kéo dài trong khoảng hai năm cho đến khi đạt được thỏa thuận trước phiên tòa xét xử.
Tuy nhiên những vấn đề của 60 Minutes gần như chỉ gói gọn xung quanh việc tranh cãi của MC và đối tượng lên sóng chứ không gây dư luận từ khán giả sau khi chương trình đã lên sóng như trường hợp của 60 phút Mở vừa qua.
MC Wallace - Linh hồn của chương trình 60 Minutes trên đài CBS. Ảnh: CBS |
MC: linh hồn của truyền hình điều tra
Bên cạnh đó, như đã đề cập, MC của 60 Minutes vào vai một nhà điều tra, đưa ra được nhiều chứng cứ và lập luận đanh thép để buộc nhân vật phải thừa nhận cáo buộc.
Đây là điều mà MC Wallace đã làm được rất hiệu quả, khiến ông trở thành một trong những MC thành công nhất nước Mỹ, và trở thành linh hồn của 60 Minutes.
Tuy nhiên, ông Wallace cũng không tránh khỏi sai lầm trong quá trình tác nghiệp. Năm 1981, ông buộc phải xin lỗi vì câu nói thể hiện sự phân biệt chủng tộc đối với người da đen và gốc Tây Ban Nha.
Năm 1991, Wallace cũng bị buộc tội “độc ác” và bị phản đối dữ dội sau khi buông lời nói xúc phạm ngôi sao Barbra Streisand. Ông cũng gây nên phản ứng dữ dội từ phía nhà làm phim Mel Brooks khi cho rằng ông này là một người có tư tưởng bài Do Thái.
Song, không thể phủ nhận tài năng của MC Wallace trong việc tạo nên sức hút của chương trình 60 Minutes. “Đơn giản là sẽ không có một nhà báo nào tài năng như ông ấy nữa. Câu chuyện mà ông nhắc đến gần như không còn quan trọng, bạn chỉ còn muốn biết ông ấy sẽ nói điều gì tiếp theo mà thôi”, Jeff Fager, chủ tịch đài truyền hình CBS cho biết.
Đối với định dạng chương trình đối thoại về những chủ đề nhạy cảm như 60 Minutes hay 60 phút Mở, việc gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều là khó tránh. Việc các khách mời tấn công nhau trực diện cũng là format của nhiều chương trình đối thoại nước ngoài, để tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút cho chương trình.
Tuy nhiên, ngoài cảm xúc của những người tham gia show, những người làm chương trình cần quan tâm đến cảm xúc của công chúng, vì không nên làm tổn thương đến cảm xúc của người xem chỉ để làm tăng rating của chương trình.
Có thể nói, về mặt truyền thông, chương trình 60 phút Mở đã hoàn thành khá tốt vai trò là một chương trình truyền hình thu hút được sự chú ý lớn từ công chúng, và thể hiện rõ từng vai trò của mỗi nhân vật.
Tuy vậy, nếu như theo format của 60 Minutes, thì nó thất bại ngay trong tiêu chí đặt ra từ ban đầu vì nội dung chương trình không tương thích với chủ đề, đồng thời không đạt được mục tiêu là khiến người bị điều tra thừa nhận tội lỗi.