1. Lúc ăn cơm: Mắng con trong bữa ăn là điều thường thấy tại nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình châu Á. Nghiên cứu về thói quen sống của trẻ em thành thị Trung Quốc, được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên Trung Quốc, cho thấy hơn một nửa số trẻ em tại quốc gia này từng bị cha mẹ mắng khi ăn cơm. Nhiều cha mẹ cho rằng khi cả nhà quây quần ăn cơm, việc trách mắng con sẽ có tác dụng tốt hơn. Tuy nhiên, điều này có thể phản tác dụng. Nếu bị mắng trong thời gian dài, trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý và mất đi cảm giác thèm ăn. Các em sẽ không còn hứng thú với những bữa cơm gia đình đầm ấm. Ảnh: The Irish Times. |
2. Trước khi ngủ: Trẻ khi ngủ cần có cảm giác thoải mái, yên tâm. Nếu gặp chấn động tâm lý hoặc những chuyện không vui, giấc ngủ của các em có thể bị xáo trộn. Đứa trẻ bị cha mẹ mắng trước khi ngủ sẽ luôn suy nghĩ về những lời nói đó, trong lòng luôn cảm thấy bất an, khó ngủ ngon. Thay vì trách mắng, chỉ trích con, cha mẹ nên đọc truyện, kể chuyện để con dễ vào giấc và ngủ ngon hơn. Ảnh: HelpGuide. |
3. Khi đứng trước mặt người lạ: Nhiều cha mẹ có thói quen mắng con mọi lúc, mọi nơi, thậm chí mắng con khi ở nơi công cộng hoặc trước mặt bạn bè của con. Năm 2020, một học sinh lớp 9 ở Trung Quốc nhảy lầu tự tử sau khi bị mẹ mắng, tát trước mặt bạn học, theo The Paper. Vụ việc này là bài học thức tỉnh những cha mẹ thường xuyên mắng con ở nơi đông người. Tại Nhật Bản, khi trẻ phạm lỗi, họ sẽ đưa con đến một góc khuất, kín đáo để nói chuyện, thay vì lớn tiếng quát mắng con trước mặt nhiều người, theo Japan Today. Cách làm này giúp tránh gây tổn thương lòng tự trọng của trẻ, việc dạy con cũng diễn ra thuận lợi hơn. Ảnh: Insider. |
4. Khi ốm: Khi bị ốm (cả thể chất lẫn tinh thần), đứa trẻ rất cần được ôm ấp, vỗ về. Cha mẹ không nên mắng con trong thời điểm này. Một bác sĩ tâm lý ở Bắc Kinh từng bắt gặp một đứa trẻ bị trầm cảm đi khám bệnh. Trong lúc chờ, em mở sách ra đọc. Bác sĩ khen em chăm chỉ, nhưng cha mẹ cậu bé cho rằng đứa con chỉ đang giả vờ. Bác sĩ cho biết dù tâm lý trẻ không bình thường, cha mẹ cũng không nên dùng cách nói mỉa mai để giao tiếp với con. "Nhiều cha mẹ không hiểu vì sao trẻ trầm cảm, không hiểu vì sao trẻ đòi chết. Cha mẹ là người yêu thương con, nhưng cũng có thể là người khiến trẻ tổn thương nhiều nhất", bác sĩ nói. Ảnh: Self. |
5. Khi trẻ biết nhận lỗi: Khi trẻ làm sai và biết nhận lỗi, những cha mẹ thông minh sẽ tha thứ và nhẹ nhàng nhắc con không được tái phạm. Ngược lại, nhiều cha mẹ lại "nhân cơ hội" để mắng con nhiều hơn. Cách làm này có thể kích động tâm lý trẻ, khiến các em nghĩ rằng nhận lỗi hay không đều không còn quan trọng, vì mọi cách làm đều sẽ bị chỉ trích, mắng mỏ. Vì thế, cha mẹ cần khoan dung, tha thứ khi trẻ biết nhận lỗi và sửa lỗi. Ảnh: Medium. |
6. Khi trẻ đang vui: Phạm Thành Kim, 33 tuổi, đã thất nghiệp hơn 10 năm nay. Cô cho biết nguyên nhân là từ nhỏ cô đã thiếu sự động viên, khen ngợi của cha mẹ, nên khi lớn nên, cô gái người Trung Quốc không thể giao tiếp bình thường. Từ khi học THCS, mỗi lần thiết kế được một món đồ mới, mẹ của Thành Kim lại mắng và cho rằng cô đang làm những trò vô bổ. Khi trẻ đang vui, việc bị cha mẹ mắng sẽ trở thành nỗi tổn thương và ám ảnh khó xóa bỏ. Nếu không thể khen ngợi, cha mẹ cũng không nên chỉ trích khi con đang vui vẻ. Ảnh: Advantage4Parents. |