6 phát minh làm nên thời đại là cuốn sách nổi tiếng của Steven Johnson - một tác giả của nhiều đầu sách khoa học công nghệ. Cuốn sách tập trung kể về lịch sử của những phát minh. Sáu chủ đề được đưa ra là: thủy tinh, làm lạnh, âm thanh, làm sạch, thời gian, ánh sáng.
Đó là một lịch sử đáng để kể lại cho hậu thế, một phần bởi nó cho phép chúng ta nhìn lại thế giới mà bấy lâu ta vẫn mặc nhiên thừa nhận bằng con mắt khác.
Cuốn sách 6 phát minh làm nên thời đại phát hành tại Việt Nam. |
Trong thế giới phát triển như vũ bão ngày nay, chúng ta thường không dừng lại để nhận ra điều kỳ diệu của việc uống nước máy từ vòi mà không phải lo lắng rằng 48 giờ sau có thể chết vì bệnh tả. Nhờ có điều hòa, nhiều người có thể sống thoải mái trong các điều kiện khí hậu mà chỉ mới 50 năm trước còn là bất khả chịu đựng.
Bao quanh chúng ta và trợ giúp chúng ta là hàng vạn món đồ được phù phép bởi ý tưởng và sáng tạo của rất nhiều người đi trước: nhà phát minh, người đam mê, nhà cải cách…
Họ đã giải quyết từng bước các vấn đề như ánh sáng nhân tạo hay nước sạch để ngày nay chúng ta có thể yên tâm, thoải mái tận hưởng các xa xỉ phẩm này, thậm chí chúng ta còn không nghĩ chúng là đồ xa xỉ.
Cuốn sách nhắc nhớ người đọc chịu ơn những con người ấy cũng nhiều như lòng tri ân mà chúng ta dành cho các bậc quân vương, thống lĩnh lẫy lừng hay yếu nhân trong lịch sử.
Điểm đặc biệt của cuốn sách này chính là cách kể chuyện của tác giả Steven Johnson. Cuốn sách dành một phần viết về những chuỗi hiệu ứng kỳ lạ: “hiệu ứng chim ruồi”. Một phát minh, cụm phát minh trong lĩnh vực nào đó cuối cùng lại gây ra biến đổi ở địa hạt hoàn toàn khác.
Cuốn sách cho thấy các ý tưởng, phát minh khoa học cũng tạo "hiệu ứng chim ruồi". |
Câu chuyện về các ý tưởng và phát minh cũng diễn ra như vậy.
Chiếc máy in của Johannes Gutenberg làm bùng nổ nhu cầu mua kính mắt, bởi thói quen mới là đọc sách đã khiến đại bộ phận cư dân châu Âu chợt nhận ra họ bị viễn thị.
Thị trường kính mắt lại khuyến khích con người sản xuất và thử nghiệm nhiều loại thấu kính, từ đó dẫn đến phát minh về kính hiển vi, thứ chẳng bao lâu sau lại giúp chúng ta nhận ra rằng cơ thể con người được tạo nên từ các vi tế bào.
Hẳn bạn đọc không thấy mối liên hệ nào giữa công nghệ in và việc mở rộng tầm nhìn thị giác của con người tới cấp độ tế bào, cũng như bạn không nghĩ rằng quá trình tiến hóa của phấn hoa lại có thể thay đổi cấu trúc đôi cánh chim ruồi. Nhưng đó là cách sự thay đổi diễn ra.
Có những câu chuyện nhà phát minh không nhận ra phạm vi thực sự khám phá của mình, như Édouard-Léon Scott de Martinville, người phát minh ra máy ký âm năm 1850 nhưng không có thiết bị phát lại. Ông tin rằng, ngày nào đó hậu thế sẽ giải mật chúng như cách đọc nốt nhạc.
Máy quét sóng siêu âm được phát triển dựa trên thiết bị tìm kiếm tàu đắm Titanic. Nhiều năm sau, công nghệ lại kết hợp với chính sách một con của Trung Quốc để tạo thành sự mất cân bằng giới tính khốc liệt trong xã hội trọng nam.
Tác giả Steven Johnson với lối tư duy sắc sảo, cách trình bày cuốn hút. |
Tác giả Johnson với dòng suy nghĩ khó đoán định khiến người đọc bị cuốn theo mãnh liệt. Để giải thích lý do tại sao một số ý tưởng đã đảo lộn thế giới, tác giả đã vận dụng nhiều môn học: hóa học, lịch sử xã hội, địa lý, thậm chí cả khoa học về hệ sinh thái...
Trang San Francisco Chronicle nhận định: “Độc giả của 6 phát minh làm nên thời đại không thể quên sự tài hoa của nhân loại”.
Steven Johnson là tác giả của bảy cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất New York Times về chủ đề lịch sử ý tưởng. Ông là nhà đồng sáng lập kiêm Tổng biên tập của FEED, trang báo mạng về công nghệ, khoa học và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là nhà báo khoa học của các tờ New York Times, Wall Street Journal, Nation…
Tạp chí Newsweek đã đưa Steven Johnson vào danh sách “50 người có ảnh hưởng nhất trên Internet”. Năm 2010, ông còn được tờ Prospect bình chọn vào “Top Ten Brain of Digital Future” (10 bộ óc vĩ đại của tương lai kỹ thuật số).