Túi tiền không đáy của các ông chủ tập đoàn Becamex
Chủ tịch Nguyễn Minh Sơn của CLB Bình Dương. Ảnh: thethaovanhoa |
Ấn tượng lớn nhất, lâu bền nhất về CLB bóng đá Becamex Bình Dương khoảng chục năm qua gói gọn trong một chữ “Tiền”. Có lẽ ngay chính các ông chủ của tập đoàn Becamex cũng không thể nhớ nổi họ đã “đốt” bao nhiêu vì bóng đá, bởi nó quá nhiều.
Lãnh đội của một CLB tại V.League có lần đã ngồi nhẩm đếm các khoản chi của Bình Dương cho một mùa bao gồm từ phí chuyển nhượng năm nào cũng khoảng một tá cầu thủ, đến quỹ lương, rồi di chuyển, ăn ở hạng sang… Con số có thể khiến nhiều người cảm thấy sốc, khoảng 100 tỷ/mùa.
Tiền là phạm trù không phải nghĩ khi Bình Dương ký hợp đồng với một ngôi sao nào đó mà họ muốn. Tiền là khái niệm nền tảng để tạo ra các khái niệm niệm khác ở đội bóng được ví là “đại gia” này. Một ví dụ của nó là từ năm này sang năm khác, đội hình của Bình Dương lúc nào cũng thừa ngôi sao và đầy tính cạnh tranh.
Tiền cũng là thứ mà các cầu thủ Bình Dương không và chưa bao giờ phải lăn tăn vì nó đến rất đúng hẹn trong tài khoản của họ, thay vì sự chậm trễ như nhiều CLB khác. Ở V.League cũng từng có những ông chủ, những CLB lấy tiền làm nền tảng. Nhưng để chi bền bỉ, trường kỳ, mùa sau cao hơn mùa trước thì chỉ có thể là “Chelsea Việt Nam”.
Tài năng của HLV Lê Thụy Hải
Với Bình Dương, HLV Lê Thụy Hải có ý nghĩa như Mourinho với Chelsea. |
Kể từ sau thời điểm đăng quang năm 2008 với chính nhà cầm quân người Hà Đông (Hà Nội), Bình Dương đã mời về cả tá HLV tây có, ta có, từ Mai Đức Chung cho đến Formosinho từng làm trợ lý cho Mourinho, từ Dương Ngọc Hùng, Đặng Trần Chỉnh đến Cho Yoon Hwan… nhưng rút cuộc vẫn không ai làm tốt hơn được HLV Lê Thụy Hải.
Ngoài tài năng sắc sảo về chuyên môn thì điều làm nên thương hiệu của “người đặc biệt” Lê Thụy Hải còn là khả năng kiềm tỏa cái tôi của các ngôi sao để dung hòa vào tập thể, là khả năng truyền lửa bên ngoài đường piste để mang đến sự tự tin cho học trò ở trong sân, là sự sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu thất bại, không đổ vấy lên cầu thủ khiến họ nể phục…
Người ta có thể yêu hay ghét ông Hải “lơ” nhưng luôn phải thừa nhận rằng ông là người rất cá tính và rất “đàn anh” trong mọi mối quan hệ, kể cả là quan hệ với các ông chủ.
Dàn cầu thủ đồng đều và có chiều sâu
Abass cũng có những lúc vắng mặt vì chấn thương nhưng Bình Dương thì vẫn chiến thắng. |
Không phải đến mùa giải 2014, đội hình của Bình Dương mới được đánh giá cao. Gần như năm nào, đội bóng đại gia phương Nam cũng sở hữu những ngôi sao sáng nhất nhì V.League trong đội hình. Có thể kể ra những ví dụ như Lee Nguyễn hay Leandro trước đây.
Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên khái niệm “không thể đụng đến” biến mất ở đội bóng đất Thủ. Bình Dương ở mùa giải 2014 là đội bóng không còn các công thần, lực lượng rất đồng đều, họ không có ngôi sao nào nổi bật hẳn lên và luôn sẵn sàng các phương án thay thế từ ghế dự bị.
Với việc đưa về nhiều cầu thủ trẻ trung như bộ ba Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Văn Bình từ SLNA, một nét khác biệt trong lối chơi của Bình Dương mùa này là sự nhiệt tình, điều họ không có ở những mùa trước khi trông đợi chủ yếu vào các cựu binh.
Đối thủ tự bắn vào chân mình
Văn Quyết cùng các đồng đội ở Hà Nội T&T đã hụt hơi vào đúng thời điểm có ý nghĩa quyết định. |
Bình Dương từng tụt xuống cuối bảng xếp hạng hồi đầu mùa. Đó là lý do họ cuống cuồng mời HLV Lê Thụy Hải về làm việc. Và trong phần lớn mùa giải, “Chelsea Việt Nam” cũng không được đánh giá là ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch.
Nhưng vào đúng quãng nước rút có ý nghĩa quyết định, trong khi Bình Dương thể hiện phong độ cực kỳ thuyết phục thì Hà Nội T&T lại có dấu hiệu hụt hơi với những trận hòa và thua rất khó hiểu. Còn những ứng viên khác như Thanh Hóa thì đã tung cờ trắng từ đầu lượt về, Đà Nẵng thiếu tham vọng, còn SLNA vừa đá vừa toan tính.
Sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên
Sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên đã tiếp thêm sức mạnh cho Bình Dương. |
Tuy không đạt đến độ hoành tráng như các chiến dịch cổ động của fan SLNA, nhưng sân Gò Đậu lúc nào cũng có rất đông khán giả đến ủng hộ thày trò HLV Lê Thụy Hải. Đấy là một lý do khiến sân nhà của tân vô địch V.League từng được chọn làm địa điểm tổ chức trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Myanmar.
Trận đấu có ý nghĩa quyết định ngôi vô địch của Bình Dương trên sân Long An đã chứng kiến rất nhiều cổ động viên của “Chelsea Việt Nam” có mặt cổ vũ. Thiệt thòi lớn của Hà Nội T&T so với nhiều đối thủ đua vô địch cùng họ nhiều năm qua là đội bóng thủ đô không có được sự tiếp sức mạnh mẽ từ 4 phía khán đài.
Không bị ảnh hưởng bởi World Cup
Bình Dương (áo xanh) vẫn thể hiện sức mạnh và phong độ cao sau kỳ World Cup. |
Năm 2010, Hà Nội T&T đăng quang một phần cũng bởi Bình Dương bất ngờ sa sút thảm hại sau World Cup. Trước đó, đội bóng đất Thủ cùng với Đà Nẵng mới là những đội bóng dẫn đầu giải và được đánh giá là những ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch.
Năm 2014, kịch bản đổi chiều. Hà Nội T&T mới là đội sa sút sau World Cup, còn Bình Dương vẫn giữ nguyên khí thế hừng hực trên đường đua.