1. Bố thường xuyên lớn tiếng với mẹ: Trong mắt trẻ, bố luôn là biểu tượng của sức mạnh và sự che chở. Với tư cách là "người bảo hộ của gia đình", các ông bố cần tạo cảm giác an toàn, tin cậy cho con. Đặc biệt, bố cần thể hiện tình cảm với mẹ, không nên lớn tiếng, cãi vã trước mặt con. Nếu bố thường xuyên lớn tiếng hoặc có hành vi bạo lực, trẻ sẽ sợ và dễ bị kích động. Hình ảnh người cha trong mắt chúng cũng dần trở nên xấu xí. Các ông bố cần giữ quan hệ gần gũi với vợ, hỗ trợ vợ trong việc nuôi dạy con và chăm sóc gia đình. Khi trẻ chứng kiến những hành động đó, các em sẽ cảm nhận được tình yêu thương và biết cách quan tâm, chăm sóc người khác. Ảnh: Factinate. |
2. Ông bố "vô hình": Nhiều gia đình châu Á có tư tưởng "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", các ông bố sẽ giao hết nhiệm vụ dạy con cho mẹ. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học giáo dục khuyên các ông bố cần góp sức trong việc dạy con, đặc biệt là trước khi trẻ đủ 12 tuổi. Trẻ con suy nghĩ đơn giản, chúng luôn cho rằng được bố mẹ dành thời gian chăm sóc đồng nghĩa với việc chúng được yêu thương. Nếu bố luôn vắng mặt, trẻ sẽ nghĩ rằng bố không thương, không quan tâm chúng. Các bố cần dành ra ít nhất 2 lần mỗi tuần để trò chuyện, vui chơi cùng con, để trẻ luôn cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của bố. Ảnh: iStock. |
3. Ông bố hay thất hứa: Bố luôn là hình mẫu lý tưởng cho con học tập, noi theo. Mỗi hành động, lời nói của bố đều được trẻ ghi nhớ. Nếu bố thường xuyên nói dối, thất hứa, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng, mất niềm tin ở bố, thậm chí học theo những hành động đó. Nếu không thể thực hiện lời hứa với con, bố không nên "hứa cho vui", càng không nên lấy cớ bận rộn để thoái thác trách nhiệm. Ảnh: Verywell Family. |
4. Ông bố hay gắt gỏng: Con cái luôn là tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Nếu bố thường xuyên gắt gỏng, hay chửi tục, trẻ sẽ học theo những thói xấu đó. Ví dụ, nếu bố hay đập đồ khi tức giận, trẻ sẽ làm cách tương tự khi gặp chuyện không vừa ý. Một trường hợp khác khi trẻ sống với những ông bố hay gắt gỏng, chính là trẻ sẽ trở nên rụt rè, nhút nhát và luôn cảm thấy sợ hãi khi đối diện với bố. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ có thể hình thành bóng ma tâm lý và ám ảnh suốt đời. Khi ở với con, các bố cần kiềm chế cảm xúc, học cách kiên nhẫn để giải quyết vấn đề và truyền năng lượng tích cực cho con. Ảnh: iStock. |
5. Ông bố "nghiện" điện thoại: Nhiều ông bố khi về nhà không giao tiếp, chơi đùa cùng con, chỉ chăm chăm nhìn vào điện thoại. Nếu bố chơi điện thoại trước mặt con thường xuyên, trẻ sẽ bắt chước. Khả năng tự kiểm soát của trẻ chưa cao, nếu chơi điện thoại quá nhiều, thị lực và khả năng tư duy, giao tiếp sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể việc bố thường xuyên chơi điện thoại khiến quan hệ bố - con khó cải thiện, trẻ sẽ cảm thấy bố coi trọng điện thoại hơn con cái. Ảnh: Verywell Mind. |
6. Kiểm soát con quá mức: Nhiều ông bố luôn có suy nghĩ con còn nhỏ và không biết làm gì, họ luôn kiểm soát và không cho phép con rời khỏi tầm mắt. Cách nuôi dạy con như vậy có thể khiến trẻ mất đi cơ hội thể hiện bản thân, các em sẽ trở nên nhút nhát, tự ti. Các ông bố cần học cách buông bỏ và để con có không gian tự phát triển, đồng thời chấp nhận con có khuyết điểm, thế mạnh riêng. Khi được tự do thể hiện, các con sẽ được thỏa sức phô diễn tài năng và khai phá những khả năng tiềm ẩn. Ảnh: Huffpost. |