Dưới đây là một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao bạn cần lưu ý:
Zika
Tháng 12/2915, Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế đưa cảnh báo về virus gây teo não Zika. Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh do virus Zika được phát hiện từ năm 1947 và mới đây bùng phát lại.
Virus này có thể về Việt Nam vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, bệnh do muỗi Aedes truyền virus Zika. Đây là loại muỗi gây nên sốt xuất huyết đang lưu hành tại nước ta với số người mắc lên tới vài chục ngàn.
Thứ hai, virus Zika được ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh ở Thái Lan. Đây là nước láng giềng cộng thêm sự giao lưu du lịch, lao động nên có thể mang theo virus này trở về.
Lực lượng chức năng phun thuốc diệt muỗi tại một hộ gia đình ở quận Carabayllo, thủ đô Lima của Peru. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Do đó, Bộ Y tế Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với WHO theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra. Khi nhiễm, người bệnh có biểu hiện cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài. Đi cùng với đó là các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ sung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi; chảy máu tạng phủ...
Đầu năm 2016, không chỉ tăng mạnh về số lượng, nghiêm trọng hơn, nhiều địa phương đã ghi nhận các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết vì người dân tự chữa trị tại nhà. Đây đều là ca sốt xuất huyết rất nặng với những biểu hiện: sốt, suy gan, suy tim, rối loạn, đông máu, xuất huyết. Nhiều gia đình chủ quan, tự mua thuốc uống ở nhà, đến khi bệnh nhân bị sốt nặng mới đưa tới bệnh viện thì đã quá muộn.
Các bác sĩ cảnh báo, khi thấy bệnh nhân cảnh báo khi thấy bệnh nhân xuất huyết, chân tay lạnh, đau bụng và nôn nhiều, cần đưa ngay tới bệnh viện để điều trị. Nếu được theo dõi, nghỉ ngơi, điều trị đúng, phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ khỏi và không có biến chứng.
Thủy đậu
Thủy đậu là bệnh có khả năng lây lan thành dịch cao và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Trong khi đó, 90% người bị nhiễm bệnh là trẻ em từ 2 đến 7 tuổi - lứa tuổi sức đề kháng chưa hoàn thiện, dễ bị lây nhiễm bệnh.
Đối với những trẻ đã đến trường, khả năng lây nhiễm tập thể qua tiếp xúc rất cao. Người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
Thủy đậu là bệnh có khả năng lây lan thành dịch cao . |
Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày.
Cúm gia cầm
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, trong năm 2015 và đầu 2016, các chủng virus cúm gia cầm gia tăng về số lượng ổ dịch và số quốc gia ghi nhận. Ở nước ta, tình hình dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành phố với 62 ổ dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi 2 chủng virus: cúm A(H5N1), cúm A(H5N6).
Khu vực miền Bắc - Bắc Trung bộ chủ yếu lưu hành chủng virus cúm A(H5N6). Chủng virus cúm A(H5N1) chủ yếu lưu hành ở khu vực phía Nam. Trong tháng 1, theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum ghi nhận và công bố các ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên trong năm 2016.
Vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội đầu năm 2016, sự gia tăng về giao lưu, đi lại của người dân giữa các quốc gia, khu vực và nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm gây nên nguy cơ xâm nhập các chủng virus cúm gia cầm vào nước ta và lây truyền từ gia cầm sang người.
Mers
Mers là bệnh về viêm đường hô hấp cấp, do virus thuộc nhóm Coronavirus (CoV) gây nên. Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, từ tháng 4/2012 đến 5/2015, có 1.172 trường hợp (trong đó có 479 trường hợp tử vong) được báo cáo bởi các cơ quan y tế trên thế giới,
Thời điểm gần Tết nguyên đán, mối lo về dịch Mers gia tăng khi công dân Việt Nam đi công tác, học tập, lao động trở về từ vùng có dịch hay công dân từ các quốc gia đi qua vùng có dịch vào Việt Nam… khá đông. Đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu không được kiểm soát tốt.
Liên cầu lợn
Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng, hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong.
Trong dịp lễ Tết, nhu cầu về thịt lợn, các thực phẩm chế biến từ thịt lợn, tiết canh, nội tạng... tăng mạnh. Do chưa có vắc xin phòng bệnh, người dân cần lưu ý và chủ động bảo vệ an toàn cho bản thân:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ và phải tiêu huỷ lợn bệnh, chết theo đúng quy định.
- Khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn không đảm bảo vệ sinh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.