Trong cuốn “Cách trò chuyện với trẻ em để xây dựng động lực, giải quyết áp lực và ngôi nhà hạnh phúc”, hai nhà giáo dục, tâm lý học William Stixrud và Ned Johnson cho hay phụ huynh luôn muốn trao đổi thân thiện, gần gũi với con, song, một số câu nói vô tình sẽ phá vỡ những cuộc trò chuyện. CNBC Maket It đã tổng hợp ý kiến từ 3 vị chuyên gia Richard Culatta (CEO Hiệp hội Công nghệ Quốc tế trong Giáo dục - ISTE), William Stixrud, Ned Johnson và đưa ra những câu nói cha mẹ khôn ngoan không nên sử dụng khi giao tiếp với con cái, nhất là khi muốn rèn cho chúng tính tự lập. |
1. “Nếu không làm việc chăm chỉ, con sẽ hối hận cả đời”: Hai tác giả William Stixrud và Ned Johnson khẳng định khơi dậy nỗi sợ hãi là một trong những cách kém hiệu quả nhất để kích thích động lực bên trong của con trẻ. Thậm chí, nó còn gây áp lực bất lợi cho con. Các con sẽ cảm thấy căng thẳng, dần dẫn đến né tránh những lời khuyên từ cha mẹ. |
Ngoài ra, người lớn đang đưa ra một viễn cảnh khá xa nằm ngoài tầm hiểu biết của các con. Vì vậy, câu nói này được hai vị chuyên gia đánh giá là vô nghĩa, dễ phản tác dụng. Thay vào đó, cha mẹ khôn ngoan nên khuyến khích con. Các tác giả đưa ví dụ: “Con chưa làm phép tính nhân ba chữ số được nhưng con sẽ học được nhanh thôi. Nhìn này, con đã biết nhân hai chữ số thành thạo rồi cơ đấy". |
Chúng ta cũng có thể cho trẻ thấy việc đang làm không dễ dàng nhưng nếu tiếp tục tập luyện, con sẽ chinh phục được và tự tin đối mặt với các thử thách tương lai. “Cha tin con sẽ làm tốt” - đây là lời gợi ý mà chuyên gia đưa ra. |
2. “Đừng lo, có cha/mẹ đây rồi”: Càng lớn, trẻ càng muốn vẫy vùng tự do. Phụ huynh không thể luôn ở bên con mọi lúc hay theo dõi nhất cử nhất động của trẻ. Nếu con luôn nghĩ cha mẹ sẽ giải quyết thay mọi việc, chúng sẽ có xu hướng cư xử liều lĩnh hơn, thậm chí thiếu trách nhiệm với hành động đang, sẽ làm. |
Phụ huynh cũng nên để trẻ được phép mắc sai lầm. Bởi chúng ta không thể bảo vệ con mãi trong lồng kính, hãy để trẻ khám phá thế giới xung quanh, học cách đứng dậy sau vấp ngã. Vai trò của cha mẹ là định hướng, phân tích đúng sai, đưa cách giải quyết hợp lý thay vì trấn an mọi việc đã có phụ huynh lo. |
Đặc biệt ở tuổi mới lớn, các con sẽ tò mò về thế giới, nếu càng cấm đoán, con sẽ càng tìm cách “vượt rào”. Nhưng điều này cũng không có nghĩa bạn nên im lặng hoặc mặc kệ để trẻ tự hành xử. Chúng ta cũng cần có những lúc cứng rắn nói không, đặc biệt phân tích về rủi ro, trách nhiệm có thể xuất hiện. |
3. “Con là đứa vô dụng”: Có thể trẻ không làm được điều khiến bạn vừa ý, hoặc chúng thường xuyên làm hỏng đồ vật, việc vặt trong nhà. Nhưng cha mẹ đừng vội vàng đuổi con ra và dùng những lời lẽ mang tính phán xét, miệt thị. |
Trẻ sẽ cảm thấy tổn thương, dần dần tự ti, mặc cảm vào bản thân và cho rằng mình là người kém cỏi. Câu nói này cũng khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa hơn. Chúng không muốn chia sẻ, càng không muốn cố gắng để thay đổi vì “đằng nào trong mắt cha, mẹ, mình cũng không làm gì nên hồn”. |
4. “Cấm được cãi”: Nhiều phụ huynh cho rằng con không được cãi cha mẹ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định câu nói này chỉ khiến trẻ thêm ức chế, bực bội vì không được tôn trọng, lắng nghe. |
Thay vì dùng những lời lẽ bực bội, buộc tội, chúng ta nên dành thời gian lắng nghe vấn đề con đang gặp phải, cho trẻ cơ hội phản biện và phân tích đúng sai. Nếu bạn luôn độc đoán, con sẽ không còn tin tưởng mình nữa. |
5. “Việc con làm không thể chấp nhận được, con sẽ bị cấm làm…”: Việc áp đặt hình phạt có thể giúp chúng ta cảm thấy kiểm soát được hành động của con. Song, nghiên cứu từ TS Alan E. Kazdin, Đại học Yale, Mỹ, cho thấy phạt con một cách khắt khe, cực đoan dễ khiến mối quan hệ của phụ huynh và trẻ ngày càng tồi tệ. |
Hình phạt sẽ không khiến con thay đổi hành vi, thậm chí chỉ khiến chúng thêm ức chế, tức giận và không muốn giao tiếp với cha mẹ. Cha mẹ càng đe dọa, trẻ càng nói nối và che giấu vấn đề đang gặp phải. Theo hai nhà tâm lý học William Stixrud và Ned Johnson, thay vì dùng thái độ tiêu cực, hình phạt cực đoan, chúng ta nên tâm sự, chia sẻ mình rất buồn khi con làm sai, hiểu lý do con làm vậy và thảo luận các hậu quả có thể xảy ra. |
6. “Suốt ngày dán mắt vào điện thoại”: Câu nói này ngày càng phổ biến, thậm chí trở thành câu cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh khi trẻ sử dụng, thậm chí nghiện smartphone. Theo ông Richard Culatta, việc trẻ dùng điện thoại quá nhiều là do cha mẹ xao nhãng và không can thiệp sớm. Trách con nghiện thiết bị điện tử nhưng chính phụ huynh cũng thường xuyên bỏ mặc con với máy tính bảng, điện thoại, vùi đầu vào công việc. |
Vì vậy, ông Richard Culatta khuyên phụ huynh không nên nói suông, đổ lỗi toàn bộ cho trẻ, hãy hành động ngay khi thấy con đang nghiện điện thoại. Chúng ta có thể hỏi về những trò chơi con đang đam mê, kéo trẻ ra khỏi màn hình bằng nhiều hoạt động làm việc nhà, nấu ăn, đọc sách, vui chơi cùng nhau. |