Làm việc tại TP.HCM, Đức Minh (31 tuổi, Hà Nội) lo lắng về tình hình chống bão lũ của người thân tại miền Bắc. Khi nhiều tỉnh thành tại miền Bắc chìm sâu trong biển nước, sóng điện thoại và internet đều chập chờn, không dễ để liên lạc với bạn bè và người nhà.
Mặc dù đã tìm nhiều cáchnhắn tin cho bạn ở thành phố Thái Nguyên mấy ngày không thấy phản hồi nên rất lo lắng. Đức Minh cho biết: “Cách đây vài hôm, thành phố Thái Nguyên chìm trong biển nước, nhiều khu vực phải sử dụng thuyền mới tiếp cận được. Hai ngày sau bạn tôi mới nhắn tin lại và cập nhật trạng thái trên Zalo là ‘an toàn', tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.
Sống tại Hà Nội nhưng quê ở Phú Thọ, Dạ Quỳnh (34 tuổi) cũng thường xuyên chia sẻ trạng thái trên Zalo để cả nhà ở quê yên tâm. Từ khi tính năng Zalo SOS được triển khai, Dạ Quỳnh có thêm kênh thông tin để cập nhật trạng thái cũng như các số hotline để liên lạc khi cần thiết.
“Hiện nay, mình dùng Zalo thường xuyên hàng ngày để trao đổi công việc, trò chuyện với bạn bè, người thân. Thời gian online Zalo có thể nói là khá lớn. Mấy ngày qua, bạn bè ở TP.HCM, Huế hay nước ngoài cũng đều nhắn tin hỏi thăm vì lo lắng tình hình mưa bão ở Hà Nội, Phú Thọ. Nên ngay khi thấy có thông báo Zalo đề xuất cập nhật trạng thái là mình thao tác ngay”, Dạ Quỳnh chia sẻ.
Zalo bật tính năng SOS hỗ trợ khẩn cấp người dân bị ảnh hưởng bởi siêu bão |
Nhằm hỗ trợ người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi, Zalo đã mở tính năng Zalo SOS từ ngày 7/9.
Ngay trên cửa sổ tin nhắn, người dùng sẽ thấy tính năng Zalo SOS. Tại đây, người dùng có hai lựa chọn “Chia sẻ tình trạng" và “Yêu cầu hỗ trợ".
Với tính năng “Chia sẻ tình trạng", người dân ở các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão lũ có thể đăng trạng thái với hai lựa chọn “Tôi an toàn" và “Tôi gặp khó khăn" cùng việc chia sẻ tình hình cụ thể.
Số liệu thống kê đến ngày 10/9 ghi nhận 586.000 người đăng trạng thái an toàn.
Tính đến ngày 10/9, đã có 586.000 người cập nhật trạng thái an toàn bằng tính năng Zalo SOS |
Với tính năng “Yêu cầu hỗ trợ", người dùng có thể thực hiện hai thao tác "Kết nối cứu trợ" và "Liên hệ khẩn cấp” trực tiếp trên Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam". Đây là Mini app của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phát hành trên Zalo để hỗ trợ người dân Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai.
Tính năng “Kết nối cứu trợ” giúp người dân kêu gọi cứu trợ trong tình huống khẩn cấp. Tính năng “Liên hệ khẩn cấp” cung cấp danh sách các đường dây nóng tại những địa phương chịu ảnh hưởng bởi siêu bão.
Trước tình hình phức tạp của mưa lũ, thống kê cho thấy đến hết ngày 10/09, đã có 72.000 người kết nối cứu trợ và 36.400 người liên hệ khẩn cấp.
Hiện tại, tính năng Zalo SOS được mở cho người dân tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên.
Ngày 11/9, theo báo cáo của Đài Khí tượng và Thủy văn, mực nước sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang đã lên trên mức báo động 3 (mức cực kỳ nguy hiểm). Ảnh: Vũ Văn Khải |
Tính tới thời điểm hiện tại, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai cùng nhiều bộ ban ngành các địa phương khu vực phía Bắc như Sở Thông tin Truyền thông TP. Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang, Chính Quyền Điện Tử Tỉnh Quảng Ninh đã gửi đi 143 triệu tin nhắn qua Zalo OA (Official Account), nhằm cập nhật cho người dân những thông tin mới nhất về tình hình ảnh hưởng của siêu bão, cũng như đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn an toàn.