Chiều 18/6, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị công bố bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng khẳng định tình hình sạt lở ở ĐBSCL diễn biến ngày càng nghiêm trọng, do tác động của biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng dân số...
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh thông tin cảnh báo sớm giúp chính quyền địa phương có biện pháp đối phó với những vùng có nguy cơ sạt lở đặc biệt cao, đảm bảo an toàn tính mạng và cuộc sống của người dân.
Một đoạn sông Hậu bị sạt lở tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang. Ảnh: Minh Anh. |
Ông Tằng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai khẳng định trước năm 2010, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL vẫn xảy ra, song chưa nghiêm trọng.
Tuy nhiên, từ năm 2010, sau khi Trung Quốc hoàn thành các công trình thuỷ điện, hồ chứa thì sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp.
Báo cáo tại hội nghị, ông Chính cho biết khu vực ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở trên chiều dài gần 800 km, trong đó có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm.
Cũng theo vị này, số lượng lớn các hồ chứa tác động tiêu cực tới các bờ sông, bờ biển. Trên thượng lưu sông Mekong có 19 hồ chứa lớn nằm trong quy hoạch, trong đó chủ yếu là của Trung Quốc với 6 hồ. Bên cạnh đó, ông Chính khẳng định việc gia tăng dân số tương đối lớn là sức ép với các công trình, nhà ở ven sông, ven biển.
Bản đồ các điểm sạt lở ở khu vực ĐBSCL. Nguồn: Tổng cục Phòng chống thiên tai. |
“Trước đây, lượng phù sa trên từ sông Mekong đổ về ĐCSCL khoảng 73 triệu m3/năm, năm 2012 chỉ còn 42 triệu m3. Dự báo khi 19 dự án hồ chứa được hoàn thành thì lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 10-15 triệu m3”, ông chia sẻ.
Trước thực trạng trên, ông Chính dự báo vào cuối thế kỷ 21, khi nước biển dâng 1 m, ĐBSCL sẽ có nguy cơ bị ngập 39%.