Theo số liệu cập nhật sáng 24/6 của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 23/6 đạt 828,8 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 384,2 triệu kWh, miền Trung khoảng 80,9 triệu kWh, miền Nam khoảng 363,1 triệu kWh. Công suất đỉnh hệ thống điện vào lúc 15h đạt 39.757 MW.
Trong ngày 23/6, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 180,6 triệu kWh (miền Bắc là 62 triệu kWh). Hiện, nguồn thủy điện đã khả quan hơn, lượng nước về một số hồ tiếp tục tăng nhẹ.
Theo báo cáo cập nhật mới nhất, các hồ thủy điện đã vượt mực nước chết góp phần cải thiện tình hình cấp điện tại miền Bắc. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đánh giá lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện vẫn thấp, dự báo lượng nước về các hồ trong thời gian tới chưa cao.
Các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.
Tính đến ngày 23/6, vẫn còn một số hồ xấp xỉ mực nước chết như Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3. Một số thủy điện phát điện cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ, Đồng Nai 3.
Mực nước tại các hồ thủy điện tại miền Bắc đến ngày 23/6 (Số liệu: Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp) | |
Hồ thủy điện | Mực nước hồ/mực nước chết |
Lai Châu | 284,33 m/265 m |
Sơn La | 180,06 m/175 m |
Hòa Bình | 101,65 m/80 m (yêu cầu mực nước tối thiểu là 81,9 m) |
Thác Bà | 46,74 m/46 m (yêu cầu tối thiểu là 46,5 m) |
Tuyên Quang | 97,87 m/90 m (yêu cầu tối thiểu là 90,7 m) |
Bản Chát | 440,05 m/431 m |
Đối với nguồn nhiệt điện than miền Bắc, ngày hôm qua, tổng sản lượng huy động từ nhiệt điện than huy động 443,7 triệu kWh (miền Bắc 275,1 triệu kWh); tuabin khí huy động 91,2 triệu kWh; điện gió là 16 triệu kWh, điện mặt trời Farm huy động 51,9 triệu kWh. Đặc biệt nguồn nhiệt điện than đã không còn tổ máy ngừng sự cố ngắn ngày. Nguồn nhiên liệu than cho sản xuất điện được đảm bảo.
Về dự án điện tái tạo chuyển tiếp, cập nhật đến ngày 23/6 của EVN cho thấy đã có 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.851 MW gửi hồ sơ đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
11 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 545,72 MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 22/6, đạt khoảng 59,47 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Ngoài ra, đã có 59 dự án (tổng công suất 3.211 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá. Trong đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 51 dự án; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 36 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Như vậy, hiện vẫn còn 15 dự án với tổng công suất hơn 882 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...