Chiều 2/10, phát biểu khi chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin khái quát nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng cùng ngày.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh chúng ta đã đi được 3/4 quãng đường của năm 2021 với nhiều tác động tiêu cực của đợt dịch lần thứ 4.
Chỉ có lựa chọn tối ưu, không có lựa chọn hoàn hảo
Thảo luận về công tác phòng chống dịch, ông Sơn cho biết các địa phương thống nhất sau khi kiện toàn, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã khẩn trương nắm bắt tình hình, đưa ra nhiều biện pháp chưa từng có tiền lệ để chống dịch. Đến nay, tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn trên phạm vi toàn quốc. Ở nơi tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, số ca mắc và tử vong đang giảm.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh chúng ta đã có đủ cơ sở để chuyển hướng thích ứng an toàn với dịch bệnh. Người phát ngôn Chính phủ dẫn lời Thủ tướng cho hay trong giai đoạn hiện nay, chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có lựa chọn hoàn hảo.
Với giải pháp cách ly hiện nay, Chính phủ thống nhất phải cách ly diện hẹp nhất; tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan; điều trị phải có phân loại, chăm sóc y tế từ sớm, từ xa…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Ảnh: Nguyên Phúc. |
Thủ tướng cũng vận động người dân không di chuyển tự phát, trường hợp cần thiết về phải tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn, có hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội…
Về tình hình kinh tế xã hội, người phát ngôn Chính phủ cho biết do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng GDP quý III giảm sâu nhưng nền kinh tế có nhiều điểm sáng, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, tình hình sản xuất kinh doanh quý IV lạc quan.
Ông Sơn cho biết thu ngân sách 8 tháng đến nay đạt hơn 80%. Nhiệm vụ những tháng cuối năm, theo ông Sơn, là rất nặng nề nên cần quán triệt mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại, lưu thông, du lịch…
Ưu tiên vaccine cho Hà Nội, TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai
Trả lời câu hỏi về kế hoạch phân bổ vaccine cho Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng không chỉ Hà Nội mà với tất cả địa phương, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch tiêm vaccine. Trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã đề cập kế hoạch tiêm cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, kế hoạch tiêm mũi 2 để đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất.
Đến nay, các địa phương đã có kế hoạch gửi về Bộ Y tế để bộ đưa ra một khung phân bổ vaccine theo từng tuần, từng tháng nhưng vaccine về rất khiêm tốn. Khi vaccine về, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, ưu tiên cho Hà Nội, TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
“Hà Nội đã được đưa vào diện ưu tiên phân bổ vaccine nên ngay khi vaccine về, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho các nơi được ưu tiên một cách khẩn trương để các địa phương có độ bao phủ vaccine rộng”, ông Tuyên nói.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, khoảng 54 triệu liều vaccine về Việt Nam. Ảnh: X.Đ. |
Theo kế hoạch, dự kiến năm nay và nửa đầu năm 2022, Việt Nam tiếp cận khoảng 150 triệu liều vaccine. Nhưng do giữa cung và cầu trên thế giới chưa đáp ứng yêu cầu nên lượng vaccine về hạn chế. Dự kiến từ nay đến cuối năm, lượng vaccine về khoảng 54 triệu liều. Bộ Y tế sẽ phân bổ từng tuần theo từng loại vaccine cho địa phương, căn cứ vào diễn biến dịch ở địa phương.
Về hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng và Hội đồng vaccine quốc gia nghiên cứu, bước đầu thống nhất căn cứ từng loại vaccine để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi. Việc này đang được xin ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn một lần nữa để ban hành trong thời gian sớm nhất.
Không đóng cửa cả nhà máy nếu phát hiện có F0
Trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh phải vừa chống dịch vừa mở cửa phát triển kinh tế, đảm bảo các yếu tố an toàn. Nhắc đến dự thảo hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận còn nhiều ý kiến băn khoăn, ví dụ khi một doanh nghiệp có một trường hợp F0 ở phân xưởng thì sẽ xử lý thế nào.
Trường hợp này, ông cho biết Bộ Y tế hướng dẫn không đóng cửa cả nhà máy mà khoanh vùng phân xưởng đó, đưa F0 đi điều trị, đưa F1 đi cách ly, phun khử khuẩn để đưa lực lượng mới vào sản xuất sau 24h.
Hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch bệnh sẽ không yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa khi có F0. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thông tin về kế hoạch đi lại của người dân sau khi các địa phương mở cửa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh mục tiêu tổ chức vận tải tốt, duy trì hoạt động vận tải vừa đảm bảo kinh tế xã hội cũng như an toàn phòng chống dịch.
Theo ông Đông, từ tháng 8, Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn vận tải theo 5 phương thức và cho đến nay, lưu thông hàng hóa không gặp vấn đề gì lớn. Riêng về vận tải hành khách, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay trên cơ sở điều kiện phòng chống dịch, để khôi phục lại hoạt động vận tải sau một thời gian tạm dừng, Bộ đã xây dựng hướng dẫn mới và ban hành hôm 30/9 cho 5 lĩnh vực vận tải.
Hướng dẫn này lấy ý kiến của tất cả địa phương, bộ ngành liên quan và đặc biệt trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch, Bộ GTVT đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tổ chức vận tải phải kiểm soát, tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Quan điểm của Bộ là khôi phục hoạt động vận tải phù hợp với từng cấp độ phòng chống dịch”, ông Đông nói.
Yêu cầu công khai giá kit xét nghiệm hàng tuần
Tại họp báo, Zing đặt câu hỏi: Doanh nghiệp và người dân hiện rất lo lắng về chi phí xét nghiệm Covid-19, đặc biệt là giá xét nghiệm nhanh. Nhiều địa phương đã cho phép doanh nghiệp tự test nCoV cho người lao động, nhưng bản thân doanh nghiệp lại không thể mua được hàng với giá rẻ, thị trường chỉ một số ít người bán với giá khá cao.
Bộ Y tế có biện pháp nào để giảm chi phí xét nghiệm cho người dân và doanh nghiệp? Có nên đưa mặt hàng này vào bình ổn giá, cho phép nhiều thành phần kinh tế có thể nhập về và phân phối được không?
Quang cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: Nguyên Phúc. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đã có nhiều hướng dẫn để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ mua kit xét nghiệm cho người dân và người lao động. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc đối tượng nào được ưu tiên, có văn bản hướng dẫn gộp mẫu để tiết kiệm chi phí.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế yêu cầu đơn vị cung ứng đảm bảo tính công khai minh bạch. Hiện tại, bộ đã cấp phép lưu hành cho 97 loại test Covid-19, trong đó 35 loại bằng phương pháp PCR, 39 loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, phục vụ doanh nghiệp và địa phương.
Bộ Y tế yêu cầu cập nhật giá công khai hàng tuần, tạo điều kiện cho đơn vị đăng ký và cạnh tranh lành mạnh. Bộ cũng đã ban hành các văn bản đề nghị xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch Covid-19.
“Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở y tế và thanh tra kiểm tra mua sắm, trang thiết bị, cơ sở dịch vụ xét nghiệm. Bộ Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra đang đi kiểm tra các tỉnh để xem xét chấn chỉnh hành vi nâng giá”, ông Tuyên nói.
Hơn 18 triệu người được hỗ trợ với gần 15.000 tỷ đồng
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, báo cáo nêu rõ do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, GDP quý III giảm 6,17%, kéo GDP 9 tháng năm 2021 đạt mức tăng 1,42% so với cùng kỳ.
Sản xuất khu vực nông nghiệp vẫn là điểm sáng, tăng trưởng dương, giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực, thực phẩm được đảm bảo.
An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm trong điều kiện dịch bệnh; hơn 18 triệu người được hỗ trợ với gần 15.000 tỷ đồng; ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí khoảng 38.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng xuất cấp 151.000 tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trong cuộc họp thường ký tháng 9 diễn ra sáng 2/10, Chính phủ đã thảo luận biện pháp thích ứng an toàn với Covid-19. Ảnh: TTXVN. |
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc đến việc sau khi TP.HCM và một số tỉnh phía Nam thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, có hiện tượng nhiều người dân từ TP.HCM, Bình Dương di chuyển tự phát về quê. Do đó, Thủ tướng kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TP.HCM và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu người dân thực sự có mong muốn về quê, các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa người dân đảm bảo an toàn, đi lại thuận lợi và tránh gây bức xúc cho người dân.
Thủ tướng quán triệt thực hiện hiệu quả nguyên tắc 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với dịch bệnh; chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới.