Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

52 năm mới có mưa tuyết vào tháng 12

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cho biết từ 1961 đến nay mới có hiện tượng tuyết rơi giữa tháng 12.

- Thưa ông, những ngày qua đã có tuyết rơi ở vùng Sa Pa (Lào Cai) và một số khu vực miền núi phía Bắc. Ông nhận định thế nào về hiện tượng thời tiết này và đâu là nguyên nhân?

- Các đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới Việt Nam theo dạng từng đợt từ 3-5 ngày. Vào những tháng chính đông (tháng 12, 1, 2) có thể có 2 ngày/đợt.

Không khí lạnh có hai dạng: không khí lạnh tăng cường và gió mùa đông bắc. Với gtăng cường là đợt lạnh đã có sẵn giờ bổ sung thêm, gây ra gió mạnh. Còn gió mùa đông bắc là không khí lạnh tràn xuống khi phía trước là vùng khí đã nóng, ẩm. Tới khi không khí lạnh tràn về và gây ra thời tiết xấu, xáo trộn nhiệt độ và nhiệt độ thay đổi đột ngột.

Tuyết trắng ở Sa Pa. Ảnh: Hoàng Thành.

Kèm theo hình thái này thì ở khí quyển tầng cao trên 3.000 m, thỉnh thoảng và ít gặp có các dòng siết đới gió tây trên cao. Khoảng 10 ngày đến nửa tháng lại có dòng siết như vậy.

Nếu không khí lạnh kết hợp với dòng siết sẽ gây mưa lạnh, mưa rào , giông, tuyết, rét đậm rét hại mà chúng ta hay gọi là rét ẩm, gây buốt tay rất khó chịu.

Mưa đá hay xuất hiện vào mùa xuân, mưa tuyết xuất hiện vào mùa đông chính vụ. Chúng tôi, sau khi xem xét lại số liệu thì tuyết rơi ở Việt Nam là rất hiếm gặp, 1-2 năm mới có 1 lần. Trước đó, tháng 3/2011, có 1 trận như vậy và bây giờ có một trận.

Cộng với tuyết rơi vừa rồi ở phía Tây Bắc Bộ có mưa lớn, lượng mưa 2 ngày tại Điện Biên là 200mm. Tại Yên Bái, mực nước tại Sông Hồng đo được xấp xỉ báo động 1. 5.000 m3 nước đổ về hồ Hòa Bình trong 1 giây lại trong mùa khô là hiện tượng chưa từng xảy ra trong những năm qua đã làm cho nhiệt độ giảm xuống nhanh, mạnh.

Thứ 7, nhiệt độ không khí 16-17 độ C ban ngày tại Hà Nội thì hôm qua 15/12 chỉ còn 15,3 độ C và tới hôm nay thì xuống mức 12 độ.

Kiểu lạnh này hay gặp 3-4 lần trong 3 tháng chính đông, nhưng mưa tuyết thì rất ít và chỉ xuất hiện ở vùng núi cao, không phải năm nào cũng có. Sáng nay, chúng tôi còn ghi nhận tại Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Bát Xát (Lào Cai) cũng đã có tuyết rơi. Từ 1961 tới giờ mới có hiện tượng tuyết rơi giữa tháng 12.

Còn nếu tình thái thời tiết trên mà xảy ra vào tháng 3,4 thì sẽ xảy ra ngược lại với mưa tuyết mưa đá, giông, tố lốc. Đây thực sự là hiện tượng rất hiếm gặp và việc dự báo là hết sức khó khăn. Dự báo nhiệt độ xuống mức rét đậm chúng tôi có thể dự báo được nhưng dự báo tuyết rơi ở đâu đấy thì chưa thể, chỉ có thể quan sát sau khi xảy ra.

Du khách thích thú với hiện tượng thiên nhiên này. Ảnh: Hoàng Thành.

-  Thời tiết trong mấy ngày tới sẽ diễn biến như thế nào thưa ông? Liệu tuyết có tiếp tục rơi tại các tỉnh phía Bắc nữa không?

- Mưa đang kết thúc, phía Tây Bắc Bộ mưa đã kết thúc, giảm đáng kể, phía Đông Bắc Bộ ngày hôm nay vẫn còn nhiều mây nên sẽ có mưa nốt trong đêm nay. Sang ngày mai, nhiệt độ sẽ tăng một cách đáng kể, mây giảm, trời hửng nắng, tất nhiên chưa thể tăng nhanh, nay 12-13 độ thì lên 15-17 độ. Miền núi vẫn duy trì rét đậm, rét hại.

Xa hơn, chưa thấy đợt không khí lạnh mạnh bổ sung nào nên tình hình tuần này ít đến quang mây, ngày nắng hanh, đêm còn có giá rét. Đây cũng là điều hết sức quan trọng. Tuần này, biên độ giao động nhiệt độ rất lớn, ban đêm nhiệt độ giảm rất sâu. Tuần này cần đề phòng băng giá, sướng muối.

Lý do tại sao chúng tôi dự báo năm nay rét đậm xuất hiện muộn. Ngày hôm qua Hà Nội rét đậm, 16/12 rét hại, ngày mai có thể lên mức xấp xỉ rét đậm. Như vậy, rét đậm này chưa được tính vào là một đợt vì chưa đủ 3 ngày trở lên. Do vậy, đợt rét này chưa chính thức gọi là rét đậm, rét hại đầu tiên. Vào cuối tháng 12, khả năng lập lại một đợt rét như này nữa là ít có khả năng.

- Tuyết rơi có phải là tình hình đáng lo ngại do biến đổi khí hậu gây ra hay không thưa ông? Ông nhận định như thế nào về các hình thái thời tiết cực đoan?

- Đây là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng trước đây chưa bao giờ gặp giờ gặp nhiều hơn, nóng thì rất nóng, lạnh thì rất lạnh. Năm 2011 tuyết vào tháng 3 đã là hiếm khi xảy ra rồi.

Tuyết là hiện tượng kỳ thú nhưng cũng có thể nguy hiểm. Dưới 13 độ đã gọi là rét hại, tuyết lại dưới 0 độ, nếu tuyết phủ lâu ngày cây cối sẽ bị cháy lá. Còn nếu tuyết rơi diễn ra nhanh thì lại mang lại độ ẩm cho đất đai, thành có lợi. Nếu có tuyết mà trâu bò thả ngoài rừng thì sẽ bị chết rét. Năm 2008, hàng vạn trâu bò đã bị rét trong đợt rét kỷ lục 38 ngày.

Thời tiết cực đoan, cảm nhận được là mùa bão đã bị giãn ra. Trước đây chỉ tập trung vào tháng 5 – 11, nhưng giờ thì tháng Giêng đã có bão. Hiện tượng thứ hai là bão mạnh và siêu bão cũng gia tăng, vừa rồi là cơn bão Haiyan được ghi nhận là mạnh nhất trong lịch sử.

Cực đoan cũng phải hiểu theo hai hướng là rất rét và rất nóng. Mùa hè thì nóng kỷ lục, mùa đông lại rét kỷ lục.

Khuynh hướng hay gặp ở Việt Nam là sự biến động số lượng các cơn bão. Năm ngoái duy nhất 1 cơn đổ bộ vào Phú Yên, lại gây hậu quả hạn hán kéo dài. Năm lại thì quá nhiều lũ lụt.

Một hiện tượng nữa là tính quy luật, ngày xưa thời tiết có tính quy luật nhưng giờ lại bị phá vỡ. Mưa ngâu năm có năm không, hoặc chính mùa mưa thì không có nhưng lượng mưa lại tăng trước mùa mưa và sau mùa mưa.

Bên cạnh đó, giông tố lốc, mưa đá…nhiều hơn nên rất khó dự báo. Không biết được sang năm sẽ như thế nào.

Đêm Noel, Hà Nội trời rét

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa- hạn dài, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay:

"Từ giờ đến Noel thời tiết không có nhiều biến động lớn. Đêm Noel 24/12, Hà Nội trời rét, nhiệt độ từ 9 – 11 độ ban đêm, ban ngày có thể 17 – 19 độ C, hanh khô, độ ẩm thấp. Khu vực các tỉnh miền Trung, phía bắc như Thanh Hóa, Nghệ An thời tiết gần giống Hà Nội.

Mưa nhỏ có khả năng xảy ra từ Trung Trung Bộ, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Tây Nguyên và Nam bộ đêm Noel thời tiết tốt, hiện tại là mùa khô nên chủ yếu là thời tiết khô, se lạnh về đêm và sáng. Nam bộ thời tiết mát mẻ về ban đêm, 21 – 32 độ C.

Tết Dương lịch, khoảng ngày 30 – 31 sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường và không mạnh lắm, chỉ gây mưa nhẹ ở bắc bộ, lan dần và trở vào Trung Bộ.

Ngày mồng 1 trời rét, nhiệt độ thấp nhất khoảng 9 – 11 độ, cao nhất 16 – 18 độ. Tuy nhiên, vùng núi có khả năng rét đậm trong tết Dương lịch.

Theo dự báo mùa, từ này đến Tết Nguyên đán, nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Có lẽ trong tháng 1 có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại, cần đề phòng, có thể kéo dài từ 5 – 7 ngày, thậm chí có nơi đến 10 ngày. Thông tin dự báo thời tiết Tết Âm lịch, chúng tôi sẽ có chi tiết trước Tết 5 – 7 ngày".

Kiên Trung

Bạn có thể quan tâm