Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

5 thách thức để Việt Nam thoát bẫy 'thu nhập trung bình thấp'

Con đường của Việt Nam để trở thành một nền kinh tế hiện đại, công nghiệp chỉ mới bắt đầu và những thành tựu trong quá khứ không còn đảm bảo một tương lai thành công nữa.

bai toan tang truong viet nam anh 1

5 thách thức để Việt Nam thoát bẫy 'thu nhập trung bình thấp'

Con đường của Việt Nam để trở thành một nền kinh tế hiện đại, công nghiệp chỉ mới bắt đầu và những thành tựu trong quá khứ không còn đảm bảo một tương lai thành công nữa.

bai toan tang truong viet nam anh 2

 

bai toan tang truong viet nam anh 3

Ousmane Dione

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Ousmane Dione có 20 năm kinh nghiệm về các chương trình môi trường, nước và đô thị tại châu Phi, Nam Á, Mỹ Latin, Đông Á và Thái Bình Dương. Trước khi gia nhập WB, ông là giảng viên tại Đại học Lyon 3 tại Pháp, chuyên ngành cơ khí nước và hướng dẫn sinh viên các công trình liên quan đến hạ tầng và việc quản lý tài nguyên nước

Hai mươi lăm năm trước, vào tháng 11/1993, cuộc họp Nhóm tư vấn cho Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên tại Paris. Kể từ đó, các đối tác phát triển đã đồng hành cùng Việt Nam không chỉ bằng hỗ trợ tài chính mà còn thông qua các kiến thức để đối phó với các thách thức phát triển. Trong 30 năm qua, nền kinh tế đã tăng trưởng trung bình gần 7%/năm.

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 5 lần. Việt Nam của ngày hôm nay đã trở thành nền kinh tế đang lên với thu nhập trung bình thấp và một thế lực về xuất khẩu. Tăng trưởng đã diễn ra bao trùm với tỷ lệ nghèo giảm xuống dưới 7%, so với hơn 60% của những năm cuối thập niên 1980. 

Tăng trưởng chú trọng vào chất lượng và tính bền vững

Nhưng con đường của Việt Nam để trở thành nền kinh tế hiện đại, công nghiệp chỉ mới bắt đầu và những thành tựu trong quá khứ không còn đảm bảo thành công cho tương lai.

Trong nước, Việt Nam phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc, bao gồm dân số già hóa nhanh chóng, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư yếu, cùng như tác hại mà môi trường phải hứng chịu ngày càng tăng do quá trình tăng trưởng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ cần phải xoay sở trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, nơi mà những thay đổi của mô hình thương mại và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa là cơ hội đang định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới.

Trong khi chúng ta đang chuẩn bị chuyển sang chu kỳ Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (SEDS) và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội (SEDP) tiếp theo, điều quan trọng là phải nhìn lại những điểm con tồn tại của chương trình cải cách hiện nay và thúc đẩy hơn nữa tiềm năng tăng trưởng của đất nước, không chỉ về mặt số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng. Đây là điều cần thiết để Việt Nam thực hiện thành công khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Trên cơ sở đó, tôi đề xuất một vài ưu tiên chính như sau.

Thứ nhất, cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân cần phải được đẩy mạnh mẽ, để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý. Song song với đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước nên tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, thông qua Ủy ban quản lý vốn nhà nước mới thành lập, đồng thời thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn, đặc biệt là những khoản đầu tư thương mại.

Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, cũng như chú ý khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước - từ đó giúp khối tư nhân trong nước có thể gia nhập hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu.

Ưu tiên những hạ tầng "xương sống"

Thứ hai, mặc dù hiện tại còn nhiều hạn chế về tài chính, cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn có ý nghĩa rất quan trọng cho sự tăng trưởng trong tương lai. Một lần nữa, cần quan tâm không chỉ số lượng, mà là vấn đề chất lượng. Mặc dù ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng trọng yếu của quốc gia như Đường cao tốc Bắc - Nam, Đường sắt cao tốc, Sân bay Long Thành và các cảng biển quan trọng, đầu tư cho các dự án riêng lẻ như thế này cần được nằm trong chiến lược tổng thể về kết nối vận tải đa phương thức.

Đứng trước những khó khăn về tài chính, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam. Cho dù một khuôn khổ hợp tác công tư (PPP) vững chắc có thể giúp giải quyết vấn đề này, cải cách cơ cấu mạnh mẽ trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng, như sản xuất điện, có thể giúp thiết lập thị trường cạnh tranh cho dịch vụ cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Thứ ba, chúng ta không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Như vậy, đầu tư vào vốn nhân lực sẽ đòi hỏi một phương pháp tiếp cận theo toàn bộ chu kỳ với những nỗ lực phối hợp hiệu quả để cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, đặc biệt là ngay từ thời thơ ấu, giáo dục suốt đời và đào tạo kỹ năng.

Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong giáo dục phổ thông, nhưng cần nắm bắt những kiến thức mới và kỹ năng của thế kỷ 21 để tăng năng suất lao động. Điều này đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng và sự phù hợp của giáo dục đại học và dạy nghề. Ngoài ra, việc xây dựng một khuôn khổ thể chế và cơ chế khuyến khích hiệu quả để đổi mới – lấy các công ty tư nhân làm trung tâm – cũng có tác động lớn đến sự phát triển trong tương lai.

Thứ tư, sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Có thể thấy rõ điều này với sự suy thoái đất và xói mòn đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí ngày càng tăng nhanh, làm suy thoái nguồn nước, phá rừng và gây áp lực lên đa dạng sinh học. Tốc độ phát thải khí nhà kính đang vượt qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, thể hiện chủ yếu ở sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc sản xuất điện từ đốt nhiên liệu chứa hàm lượng các bon cao.

Theo Chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường do Đại học Yale xây dựng để xếp hạng 180 quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 132. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn. Hoạt động quản lý tài sản tự nhiên của Việt Nam và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và du lịch.

Những thể chế nhà nước có năng lực và hiệu quả

Cuối cùng - và có lẽ quan trọng nhất là để thực hiện 4 nội dung ưu tiên này, về khu vực tư nhân, cơ sở hạ tầng, vốn nhân lực và tăng trưởng xanh, sẽ cần những thể chế của nhà nước có năng lực và hiệu quả.

Chúng ta đều biết thể chế thị trường hiệu quả, tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản của sự phát triển. Hơn nữa, khi Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, những thách thức phát triển sẽ ngày càng phức tạp và mang tính đa ngành hơn nữa. Do đó, sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban ngành cũng như giữa các cơ quan trung ương và địa phương hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết.

Việt Nam cũng sẽ phải huy động và sử dụng những nguồn lực khan hiếm của mình một cách hiệu quả để tài trợ cho một chương trình phát triển đầy tham vọng. Tăng cường huy động vốn từ nguồn thu trong nước, bổ sung bằng những nỗ lực nâng cao hiệu quả chi tiêu và năng lực quản lý nợ, đóng vai trò quan trọng để đảm bảo có thể đạt được mục tiêu phát triển mà không tăng nợ đến mức không bền vững.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, nguồn vốn ODA hiện có sẽ phải được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn để bổ sung nguồn vốn đầu tư công trong nước và tận dụng được những lợi ích phi thương mại, bí quyết kinh doanh và đầu tư tư nhân.

Một loạt các cuộc họp thành công của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Diễn đàn Đối tác phát triển và Diễn đàn phát triển Việt Nam trong 25 năm qua đã gieo mầm cho các sự kiện của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam mới được khởi xướng, bắt đầu từ hôm nay. Với sự chủ động hoàn toàn của chính phủ, diễn đàn này tập trung tìm kiếm những tầm nhìn mới và những động lực tăng trưởng mới trong một kỷ nguyên phát triển mới.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn sắp tới 2021-2030 và các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội kèm theo sẽ là nền tảng để chính phủ xác định những tầm nhìn này và duy trì sự tăng trưởng cao và có chất lượng. Những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ để trở thành người hỗ trợ cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế toàn diện của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới thực sự truyền cảm hứng cho tôi.

Các đối tác phát triển sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Việt Nam, để mang đến những hoạt động hỗ trợ có hiệu quả - bao gồm kiến thức, kinh nghiệm và thông lệ quốc tế tốt nhất.

bai toan tang truong viet nam anh 4

#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.

Ousmane Dione

Illustration: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm