LG G2 (2013): Tiếp nối thành công của thế hệ đầu tiên ra mắt trước đó một năm, LG G2 nổi bật với cụm nút nguồn, chỉnh âm lượng đặt ở mặt lưng. Theo Android Authority, nút chỉnh âm lượng trên mặt lưng vẫn được duy trì đến năm 2015 trước khi trở lại vị trí truyền thống. LG G2 trang bị màn hình 5,2 inch Full HD, cấu hình cao cấp vào thời điểm đó với chip xử lý Snapdragon 800, RAM 2 GB, pin 3.000 mAh, camera sau 13 MP hỗ trợ quay phim 1080p@60 fps. Ảnh: CNET. |
LG G3 (2014) được xem là đối thủ xứng tầm của Samsung Galaxy S5, Google Nexus 6 hay HTC One M8 với nhiều công nghệ ấn tượng như hệ thống lấy nét bằng laser, màn hình độ phân giải Quad HD. LG G3 cũng trang bị Knock Code cho phép gõ vào màn hình theo vị trí được thiết lập sẵn để mở khóa. Tính năng này được mang lên nhiều smartphone ra mắt sau đó của LG. Ảnh: The Verge. |
LG G4 (2015) tập trung vào khả năng chụp ảnh với camera sau 16 MP, cảm biến đo nhiệt độ màu giúp chỉnh màu sắc, cân bằng trắng tự động. Máy cũng có chế độ chụp ảnh ban đêm để cạnh tranh với Samsung Galaxy S6, bên cạnh một số điểm nổi bật như khe thẻ nhớ microSD, nắp pin tháo rời và tùy chọn mặt lưng bọc da. Tuy nhiên, G4 bị người dùng phàn nàn vì lỗi treo logo khi khởi động (bootloop), sự cố từng khiến LG đối mặt vụ kiện tập thể vào năm 2017. Ảnh: Android Authority. |
LG V20 (2016): Trong khi LG G5 không thành công như kỳ vọng, mẫu V20 được ra mắt cuối năm 2016 được nhiều người ưa thích với màn hình phụ ở góc phải để hiện thông báo và nút điều khiển. V20 là điện thoại đầu tiên của LG trang bị bộ xử lý Quad DAC cho chất lượng âm thanh cao hơn, cũng là một trong những smartphone cuối cùng của hãng có nắp pin tháo rời. Đáng tiếc khi sự cố treo logo vẫn xuất hiện trên V20 khiến người dùng không hài lòng. Ảnh: Android Authority. |
LG G6 (2017): Thất bại của LG G5 là lời cảnh báo rằng smartphone LG đang xuống dốc. Đầu năm 2017, LG G6 được ra mắt để khắc phục những điểm yếu của G5. Đây là smartphone mở đầu xu hướng màn hình dài với tỷ lệ 18:9, bên cạnh camera góc siêu rộng nâng cấp từ G5. Cụm phím chỉnh âm lượng trên G6 được dời sang cạnh trái, nút nguồn vẫn nằm ở mặt lưng để tích hợp cảm biến vân tay. Điểm trừ của sản phẩm chip xử lý Snapdragon 821 thay vì 835 cao cấp nhất thời điểm ấy. Samsung được cho đã đặt hàng gần hết lượng chip mạnh nhất dành cho dòng Galaxy S8, nhưng Qualcomm đã bác bỏ tin đồn. Ảnh: Android Authority. |
LG V60 (2020): Đây là một trong những smartphone cuối cùng của LG trước khi từ bỏ mảng kinh doanh di động. Máy trang bị chip xử lý Snapdragon 865, pin dung lượng lớn 5.000 mAh, sạc không dây và chuẩn kháng nước/bụi IP68. V60 cũng nổi bật với 3 camera sau, bộ xử lý âm thanh Quad DAC va cổng tai nghe 3,5 mm. Điểm trừ của sản phẩm là không hỗ trợ sạc nhanh công suất cao, màn hình tần số quét chỉ 60 Hz. Ảnh: Android Authority. |