Robot Tosy
Năm 2010, những chú robot Tosy của Việt Nam đã gây bất ngờ tại triển lãm Automatica diễn ra tại Đức. Thông minh và linh hoạt nhưng Tosy có giá 5.500 USD, rẻ hơn gấp 5 lần so với robot cùng loại của các nước phát triển. Vì lý do này, Tosy đã khiến 7 đối tác đến từ Nhật, Mỹ, Đức, Ba Lan... đề nghị hợp tác làm nhà phân phối.
Tosy sở hữu nhiều mẫu robot có thể nhảy theo điệu nhạc hoặc "biến hình" thành loa phát nhạc di động. Ảnh: Tosy. |
Tosy là tên gọi của dòng robot đồ chơi công nghệ cao, do Công ty Robot Tosy của doanh nhân trẻ Hồ Vĩnh Hoàng (sinh năm 1981) phát triển. Tosy có khá nhiều mẫu mã, với nhiều tính năng giải trí khác nhau. Ngay trong năm 2010, Tosy đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu sản phẩm đến các nước lớn.
Năm 2012, công ty Tosy tiếp tục giới thiệu đến triển lãm CES tại Mỹ mẫu robot biết nhún nhảy theo điệu nhạc mang tên mRobo. Đáng ngạc nhiên hơn, mRobo đã xuất hiện cùng nam ca sĩ Justin Bieber, và hình ảnh này ngay lập tức được đăng tải hàng loạt trên các đầu báo lớn của Mỹ như CNN, CNET, The Washington Post, The USA Today...
Hiện tại, công ty Tosy vẫn là nguồn cung cấp robot và các đồ chơi công nghệ cao cho các thị trường ngoài nước.
Game hành động lịch sử 7554
Cùng thời điểm với Tosy, 7554 là một cái tên được nhắc đến nhiều trong làng game Việt Nam vì là sản phẩm được làm hoàn toàn bởi Emobi Games, một nhóm sản xuất người Việt, từ đồ họa, cốt truyện cho đến xây dựng lối chơi.
Đầu tư nhiều công sức và tiền bạc, nhưng 7554 vẫn thất bại về doanh số. Ảnh: Emobi. |
7554 thuộc thể loại hành động nhập vai mô phỏng chiến thắng Điện Biên Phủ. Tựa game này có lối chơi giống với Call Of Duty, nhưng độ khó được nhiều game thủ đánh giá cao hơn so với sản phẩm đến từ Mỹ.
Được phát hành vào năm 2012, 7554 chỉ bán được hơn 4.000 đĩa, thu về vỏn vẹn 1 tỷ đồng, trong khi chi phí làm game lên đến 17 tỷ. Nhiều ý kiến cho rằng, 7554 thất bại do chưa được phân phối rộng rãi, thể loại kén người chơi và do ý thức về bản quyền của game thủ trong nước còn kém.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt, chính những game thủ Việt đã mang 7554 phiên bản dùng thử lên các diễn đàn crack game của Trung Quốc "nhờ" bẻ khóa, sau đó phát tán tràn lan trên Internet. 7554 chính thức thất bại, dù bản thân sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng.
Ứng dụng tin nhắn thoại miễn phí Zalo
Tính đến hiện tại, với 30 triệu người dùng thường xuyên, Zalo là ứng dụng nhắn tin miễn phí đứng đầu hai bảng xếp hạng App Store và Google Play Store tại Việt Nam, bỏ xa các đối thủ "ngoại" như Viber, Line, Kakao Talk.
Sự phát triển thần tốc của Zalo sau 3 năm ra đời. Ảnh: Zalo. |
Ra đời từ tháng 8/2012 với xuất phát điểm là một ứng dụng có giao diện rập khuôn theo thiết kế của web, đã có lúc Zalo bản thử nghiệm đứng trước bờ vực thất bại vì không được người dùng đón nhận. Tuy nhiên, những người làm nên Zalo đã thực hiện một sự thay đổi tạo ra bước ngoặt. Ba tháng sau khi phiên bản "đời đầu" được thử nghiệm, Zalo phiên bản mới với giao diện tối ưu cho người dùng di động đã xuất hiện và nhanh chóng "nhảy vọt" lên top bảng xếp hạng ứng dụng di động tại Việt Nam.
Đến hiện tại, Zalo vẫn tiếp tục duy trì lợi thế về tốc độ và sự ổn định. Người dùng có thể gửi tin nhắn tức thời dù dùng mạng 2G, 2,5G, 3G hay Wi-Fi..., đồng thời sử dụng thêm các tính năng giải trí khác.
Câu chuyện thành công của Zalo được giới công nghệ trong nước xem như một "câu chuyện cổ tích", được viết lên bởi những người trẻ, lãng mạn, muốn xây dựng nên các sản phẩm công nghệ cao được đông đảo người dùng đón nhận.
Trò chơi Flappy Bird
Flappy Bird là game di động gây sốt toàn cầu trong năm 2014, do Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên ở Hà Nội phát triển. Flappy Bird từng được xem là một hiện tượng trên toàn thế giới. Mức độ nổi tiếng của nó thậm chí được đem so sánh với Gangnam Style của chàng ca sĩ Hàn Quốc PSY.
Flappy Bird là sản phẩm Việt duy nhất trở thành hiện tượng toàn cầu. Ảnh: Flickr. |
25/5/2013 là ngày Flappy Bird bắt đầu được phát hành trên App Store. Tuy nhiên, phải mất 7 tháng, "chú chim mặt ngu" mới được nhiều người dùng di động biết đến. Tính đến tháng 12/2013, Flappy Bird còn chưa nằm trong top 1.000 game phổ biến nhất tại Mỹ, nhưng chỉ một tháng sau đó, nó lập tức dẫn đầu hàng loạt các bảng xếp hạng tại Mỹ, Canada, Australia và Nhật.
Tuy nhiên, ngay khi cơn sốt Flappy Bird lên đến đỉnh điểm, Nguyễn Hà Đông đã gỡ bỏ trò chơi này khỏi hai gian ứng dụng của iOS và Android. Hiện tại, sau khi sở hữu số tiền khổng lồ từ Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông vẫn tiếp tục phát triển những dự án game của riêng mình.
Bphone
Bphone là hiện tượng mới của làng công nghệ Việt. Ngay từ lúc phôi thai ý tưởng, rò rỉ hình ảnh sản phẩm cho đến ngày ra mắt, chiếc smartphone Bkav vẫn gây ra nhiều tranh cãi, được ủng hộ nhiều và cũng hứng chịu không ít "gạch đá" từ dư luận.
Bphone là sản phẩm công nghệ "made in Vietnam" ồn ào nhất sau Flappy Bird. Ảnh: Lê Hiếu. |
Trong buổi ra mắt, Bphone đã thể hiện khá ấn tượng với thiết kế phẳng, khung kim loại, màn hình tốt, cấu hình cao và một hệ điều hành được tùy biến khá kỳ công. Tuy nhiên, giá bán và hình thức bán hàng qua mạng của sản phẩm này vẫn chưa nhận được nhiều sự đồng thuận từ người dùng.
Đến ngày 2/6, người dùng trong nước mới có thể đặt hàng mua Bphone. Thành công về mặt doanh số của sản phẩm này vẫn còn là ẩn số.