5 nguyên tắc đảm bảo trật tự an ninh châu Á - TBD
Duy trì hòa bình và ổn định tại châu Á là thách thức không nhỏ trong vài thập kỷ tới, khi trật tự 1 cực (cơ bản dựa trên sức mạnh Mỹ) có dấu hiệu chuyển sang một trật tự mới (với sự nổi lên của Trung Quốc).
Việc các cường quốc tập trung nguồn lực vào châu Á - Thái Bình Dương làm thay đổi trật tự an ninh khu vực. |
Theo nhà nghiên cứu Jochen Prantl của ĐH Quốc gia Singarpore, với tham vọng mở rộng quyền lực mạnh mẽ, Trung Quốc không còn chấp nhận trật tự do Mỹ lãnh đạo.
Tuy nhiên, vai trò và quyền lực Mỹ bám rễ sâu tại châu Á – Thái Bình Dương và sẽ không dễ dàng bị giảm đi hoặc bị tước đoạt bất chấp quá trình tái cấu trúc quyền lực toàn cầu.
Mỹ đang điều chỉnh lại chiến lược quân sự quốc phòng nhằm thích ứng với các tình hình mới thông qua điều chỉnh và tập trung các nguồn lực vào châu Á - Thái Bình Dương. Quá trình tái cân bằng này của Mỹ làm nảy sinh một số vấn đề đáng chú ý dưới đây:
Đầu tiên là, quá trình tái cân bằng, trấn an các đồng minh khu vực của Mỹ rằng họ có thể tiếp tục dựa vào ưu thế và ô an ninh của Mỹ.
Thứ 2, các nước châu Á dường như không hài lòng với viễn cảnh về một trật tự khu vực mới do Trung Quốc lãnh đạo.
Thứ 3, quá trình tái cân bằng của Mỹ cùng với tham vọng của Trung Quốc đẩy châu Á-Thái Bình Dương vào tình trạng rất phức tạp, không phải là một cấu trúc cũng chưa phải trật tự.
Hiện khu vực vẫn tìm kiếm nhận thức và tầm nhìn để một mặt, thích ứng với các mối quan hệ giữa những cường quốc lớn; mặt khác, thích ứng với những quan hệ giữa các cường quốc với các quốc gia yếu hơn.
Theo ông Jochen Prantl, có 5 nguyên tắc then chốt có thể hình thành nên cấu trúc an ninh khu vực mới.
Thứ nhất, một trật tự an ninh hiệu quả đòi hỏi sự thỏa hiệp về mặt chính trị giữa các lực lượng liên quan dựa trên cơ sở “luật chơi”. Những luật lệ này sẽ giúp dự báo cơ cấu tổ chức khu vực và tăng cường mức độ tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo đáng tin cậy. Trật tự an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần phải dựa trên sự thỏa hiệp giữa các cường quốc, tập trung vào quan hệ Mỹ-Trung, với sự nhất trí (ngầm) của các cường quốc khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Thứ 2, hình thức tổ chức phải đi kèm với chức năng và trách nhiệm do các cường quốc thỏa hiệp với nhau. Tuy nhiên, các thể chế sẽ không có khả năng định hình quan hệ giữa các quyền lực chủ chốt của châu Á. Những ai ủng hộ trật tự ASEAN là trung tâm cần vạch ra chiến lược để giải quyết mối quan hệ với các cường quốc lớn trong kỷ nguyên ưu thế vượt trội của Mỹ đang bị thách thức.
Thứ 3, chủ nghĩa đa cực, đa phương áp đảo chủ nghĩa đơn cực. Trong quá trình tái xây dựng trật tự an ninh, không bao giờ có chuyện “một chiến lược phù hợp với tất cả”. Giải quyết vấn đề nhờ cơ cấu tập thể cần tận dụng tốt các biện pháp tiếp cận chính thức và phi chính thức đối với chủ nghĩa đa phương. Những biện pháp tiếp cần này không loại trừ lẫn nhau. Cần phải tạo ra sự phối hợp tốt giữa các nhóm và các tổ chức quốc tế chính thức.
Thứ 4, tranh luận là phần thiết yếu của cơ cấu tập thể. Quản lý an ninh hiệu quả đòi hỏi một chiến lược thúc đẩy tranh luận. Chiến lược này cần phải đủ mạnh mẽ để các kết luận của cơ cấu tập thể được chấp nhận rộng rãi và được thực thi hiệu quả.
Cuối cùng, quyền lực cần đi đôi với sự tin cậy. Trong bối cảnh bản chất của quá trình tái xây dựng trật tự an ninh khu vực và thế giới là không ổn định và liên tục bị thách thức, độ tin cậy của các nước nắm giữ sức mạnh và quân sự là hết sức quan trọng. Tính tin cậy gắn chặt với tính hợp pháp và công bằng, tạo thành cơ sở cho thỏa hiệp giữa các cường quốc.
Dù quyền lực Mỹ là "thâm căn cố đế" ở châu Á - Thái Bình Dương, sự thay đổi quyền lực toàn cầu và sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc đang thay đổi trật tự khu vực. Do đó, một sự nhận thức chung về các nguyên tắc cơ bản về trật tự an ninh mới cho khu vực sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định cho châu Á khi những thay đổi toàn cầu diễn ra.
Phương Đăng
Theo Infonet.vn