Kimberly Kay Hoang đang giảng dạy tại ĐH Chicago. |
Được sự đồng ý của cô Kimberly Kay Hoang, tác giả quyển "Mua bán dục vọng: quyền năng tại Châu Á, suy tàn tại Châu Âu và hình thức tiền tệ ngầm của nghề mại dâm toàn cầu", Zing.vn trích dịch một số nội dung từ quyển sách để giới thiệu rõ hơn về hành trình 5 năm hoá thân, xâm nhập và nghiên cứu về thế giới mại dâm ngầm ở TP HCM của cô:
Một đêm mùa hè oi ả năm 2006, tôi bước vào quán bar gần khách sạn mình đang ở. Nơi này chủ yếu phục vụ khách du lịch "Tây ba lô". Cách tiếp cận của tôi khi đó rất đơn giản: bước vào quán, giải thích mối quan tâm nghiên cứu, và hy vọng các cô gái sẽ kể với tôi về kinh nghiệm của họ. Một phụ nữ nước ngoài là chủ của quán bar đã từ chối tôi, đây là điều không ngạc nhiên.
Đem câu chuyện này kể với một nhân viên pha chế tên Duy, cậu ấy thuyết phục rằng tôi cần mở rộng phạm vi nghiên cứu từ việc đầu tiên là tìm hiểu những địa điểm khác nhau trong thế giới mại dâm ngầm rộng lớn ở TP HCM.
"Đây chỉ là một quán thôi, còn rất nhiều bar và phục vụ nhiều đối tượng đàn ông khác nhau", Duy nói. Cậu không biết những người làm việc tại những quán bar khác, nên khuyên tôi hãy hỏi một trong những anh xe ôm chờ bên ngoài các khách sạn cao cấp ở trung tâm Sài Gòn.
Anh xe ôm dẫn dắt
Nghe theo lời chỉ dẫn, tôi đi tìm kiếm và cuối cùng cũng gặp một anh xe ôm tên Anh Bao. Khi đó, tôi đề nghị trả 20 USD (khoảng 400.000 VND khi đó) để anh chở tôi đến các tụ điểm trong thế giới mại dâm mà anh biết.
Bất ngờ về đề nghị của tôi, cũng như tò mò về lý do mà một nữ Việt kiều lại lang thang một mình vào đêm hôm khuya khoắt, Anh Bao chở tôi đi khắp thành phố, kể tôi nghe về những phân khúc khác nhau trong giới mại dâm ở TP HCM.
Chúng tôi đi qua nhiều con phố và công viên, rồi Anh Bao chỉ cho tôi những tụ điểm du lịch mà khách Tây tụ tập đông. Các con đường này rất nhiều đơn vị tổ chức tour du lịch, nhà hàng, quán ăn lề đường, trẻ em bán hoa và nến, còn các cô gái đứng ngoài quán bar và liên tục mời gọi "Vào đây nào".
"Gái quán bar giúp những vị đại gia người Việt có thể đảm bảo các thoả thuận làm ăn trong một bối cảnh thân mật,...giá trị của những cô tiếp viên không chỉ nằm ở vẻ đẹp mà còn ở khả năng ứng phó, lời nói nhằm xoa dịu căng thẳng giữa cánh đàn ông." - trích "Dealing in Desire"
Sau đó, chúng tôi đi đến khu của những quán bar cao cấp, ánh đèn LED nhấp nháy, âm nhạc sôi động. Dòng xe taxi nối đuôi nhau thả khách Việt kiều đến những bar này.
Vừa chở tôi, Anh Bao vừa chỉ tay về những cô gái từ quán bar đi ra mà anh quen biết, họ vừa đi vừa ôm lấy những người đàn ông Việt kiều. Bao nói anh quen các cô trong những lần đậu xe bên ngoài quán bar, rồi chở các cô về nhà với giá cả phải chăng, nếu đêm hôm đó họ không "đi khách".
Sau gần 3 tiếng đi lòng vòng thành phố, tôi ghi chép những tư liệu và gần như khái quát được cho chủ đề nghiên cứu của mình. Anh Bao là một người kể chuyện duyên dáng. Khi chúng tôi dừng ở mỗi nơi, anh kể những chuyện tình ái xảy ra trong thế giới mại dâm gay cấn đến nỗi tôi thỉnh thoảng phá cười.
Tiến sĩ Kimberly Kay Hoang chia sẻ về quá trình nghiên cứu thế giới mại dâm ở TP HCM tại Trung tâm Hoa Kỳ. Ảnh: AC |
Mục đích của tôi không chỉ là “lướt” qua bề mặt và thực hiện vài cuộc phỏng vấn với các cô gái mại dâm và khách hàng của họ. Tôi muốn đào thật sâu có thể để hiểu về ngành này từ quan điêm của các cô gái và khách hàng.
Để đạt được điều này, tôi quyết định dấn thân vào mỗi thị trường bằng cách làm việc như tiếp viên quán bar hoặc nhân viên pha chế, xây dựng lòng tin dần dần với các cô gái và khách hàng.
Để nghiên cứu về thế giới mại dâm ngầm ở TP HCM, tôi tiến hành xâm nhập trong 24 tháng, theo 2 giai đoạn 2006 - 2007 và 2009 - 2010.
4 quán bar, 14 tiếng/ngày
Giai đoạn đầu, tôi dành 7 tháng nghiên cứu thực địa tại 3 thị trường phục vụ các đối tượng là đàn ông Việt kiều, Tây ba lô, và những người đàn ông địa phương nghèo.
Giai đoạn 2, tôi dành 15 tháng làm việc như tiếp viên hoặc nhân viên pha chế để quan sát kỹ hơn mối quan hệ giữa chủ quán, “má mì”, cảnh sát, khách hàng và các cô gái trong quán bar.
Lúc này, tôi nghiên cứu thêm 2 thị trường mới là những đại gia người Việt và các đối tác làm ăn châu Á của họ; và người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam.
Tôi đã làm việc tại 4 quán bar khác nhau nhằm có điều kiện tiếp xúc với đa dạng khách hàng. Đó là các quán bar chuyên phục vụ những đại gia người Việt và đối tác; chuyên “chăm sóc” đàn ông Việt kiều; một quán bar phục vụ khách là người phương Tây làm việc ở Việt Nam; và một quán hướng đến đối tượng Tây ba lô.
Trước khi đủ độ tin tưởng lẫn nhau để thực hiện những cuộc phỏng vấn sâu, tôi phải làm thân với các cô gái. Tại những quán bar từ trung lưu trở lên, tôi vào vai tiếp viên và nhân viên pha chế.
Tôi phục vụ đồ uống cho khách, cùng ngồi uống với họ, hát karaoke; thậm chí xếp vào hàng để những người đàn ông chọn ra các cô gái mà họ muốn ngồi cùng bàn.
Tại 3 quán trên, tôi thường làm việc 12 đến 14 giờ mỗi ngày, và trọn 7 ngày trong tuần. Mỗi sáng, tôi thường ghi chép tỉ mỉ những điều quan sát được trước khi vào quán làm việc. Sau 9 tháng liên tục đòi hỏi phải uống rượu thâu đêm với khách, tôi quyết định giảm tần suất hoạt động.
"Đối với những doanh nhân Việt Nam và châu Á, những tiếp viên quán bar là không gian giúp họ thể hiện bản lĩnh đàn ông của việc giải trí và tiêu pha. Tại đây, họ có thể tiến hành những vụ thương lượng quan trọng những phi vụ đầu tư. Ở quán bar, những cô tiếp viên đóng vai như người môi giới không chính thức của dòng vốn xã hội, tạo ra “sân khấu” để những đại gia Việt khẳng định với đối tác về sức hấp dẫn khi đầu tư vào Việt Nam." - Trích "Dealing in Desire"
Ở quán bar bình dân chuyên phục vụ Tây ba lô, tôi chỉ đến “hiện trường” 4 ngày mỗi tuần, và đóng vai trò quan sát viên hơn là hoà nhập thực sự vào công việc ở đây.
Nhìn chung, trong cả 4 quán mà tôi làm việc, 2 tuần đầu tiên là để học hỏi văn hoá và những luật lệ ngầm tại các nơi này; phải nhớ kỹ tên của các cô gái đồng nghiệp và những vị khách quen; ghi chú những điều quan sát được mỗi đêm.
Một khi tôi đã quen dần với từng nơi, tôi bắt đầu trò chuyện với các cô gái để khai thác thông tin. Những cuộc phỏng vấn diễn ra ở “hậu trường”, trong giờ thấp điểm khi chúng tôi chờ khách.
Bên trong một quán bar mà cô Kimberly Kay Hoang từng xâm nhập để làm việc. Ảnh: NVCC |
Giúp giới đại gia trong các phi vụ thương lượng
Gái quán bar giúp những vị đại gia người Việt có thể đảm bảo các thoả thuận làm ăn trong một bối cảnh thân mật, không câu nệ và rất đậm chất châu Á; nơi họ có thể xây dựng những mối quan hệ cá nhân nhằm giảm thiểu những rủi ro tài chính.
Do vậy, một thị trường mại dâm cao cấp xuất hiện chuyên phục vụ tầng lớp khách hàng cao cấp nhất. Lúc này, giá trị của những cô tiếp viên không chỉ nằm ở vẻ đẹp mà còn ở khả năng ứng phó, lời nói nhằm xoa dịu căng thẳng giữa cánh đàn ông, biết điều chỉnh cách ứng xử phù hợp với từng hoàn cảnh thoả thuận.
Đối với những doanh nhân Việt Nam và châu Á, những tiếp viên quán bar là không gian giúp họ thể hiện bản lĩnh đàn ông của việc giải trí và tiêu pha. Tại đây, họ có thể tiến hành những vụ thương lượng quan trọng những phi vụ đầu tư.
Ở quán bar, những cô tiếp viên đóng vai như người môi giới không chính thức của dòng vốn xã hội, tạo ra “sân khấu” để những đại gia Việt khẳng định với đối tác về sức hấp dẫn khi đầu tư vào Việt Nam.
Tôi bán dâm không?
Có một câu hỏi khiến tôi suy nghĩ rất nhiều: “Tôi có tham gia vào hoạt động mại dâm không?”. Nếu trả lời “không", tôi sẽ làm giảm sự chính thống của những công trình mà các học giả nữ quyền đi trước đã thực hiện, như Wendy Chapkis đã thực sự có hành vi mại dâm nhằm thúc đẩy nghiên cứu về phụ nữ và lao động.
Tự đẩy mình ra xa mại dâm cũng sẽ làm kiềm chế những nhà nghiên cứu thế hệ sau của tôi, khi họ có thể chọn những hoạt động tình dục là một cách có lợi cho việc nghiên cứu.
Hơn nữa, câu hỏi “tôi có hoặc không có tham gia vào những hoạt động mại dâm” hoàn toàn đã bỏ qua những trải nghiệm của người phụ nữ, đánh giá thấp những khía cạnh lao động tinh thần và thể chất khác mà các tiếp viên đã thực hiện ngoài việc “ăn bánh trả tiền”.
Tôi cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng đó là sự thiếu tôn trọng với các chủ thể được nghiên cứu, nếu tôi tuyên bố rằng tôi có bán dâm hay không, vì nó cũng ngụ ý những tác động về mặt đạo đức đi cùng với phát ngôn này.
Bản thân tôi không cho rằng bán dâm là hành động đáng xấu hổ.
Trích "Dealing in Desire"
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tôi trả lời “có”? Trong khi tôi chưa từng tham gia vào những nhóm nghiên cứu dân tộc học “cao bồi” về các vấn đề ma tuý, băng đảng tội phạm hay bạo lực; thì những đánh giá về công trình của tôi thường rơi vào các hạng mục này.
Từ “cao bồi” là một cách dùng suồng sã giữa những nhà xã hội học để chỉ các nghiên cứu viên tìm hiểu về những vấn đề nguy hiểm, hay các nhóm dân số nghèo khó tiếp cận; và họ tạo điều kiện cho người đọc theo dõi sát sao cuộc hành trình, qua việc kể chi tiết những nỗ lực anh hùng để thâm nhập vào những hiện trường nguy hiểm.
Từ "cao bồi" cũng thể hiện một sự chia rẽ không chính thống về giới giữa những nhà khoa học nam và nữ giới, và còn ám chỉ cách mà giới học thuật xem trọng những nhà nghiên cứu nam trong khi tiếp tục xem nhẹ các nhà nghiên cứu nữ, khi cả 2 cùng tìm hiểu về những nền kinh tế phi chính thức.
Đàn ông là những nhà nghiên cứu anh hùng, trong khi phụ nữ trở thành đối tượng bị tình dục hoá trong cả hiện trường lẫn trong học thuật. Do vậy, nếu trả lời “có”, tôi tự tạo ra rủi ro mình bị rơi vòng xoáy này; trong khi đồng thời đẩy bản thân và đối tượng nghiên cứu ra xa.
Cho nên, tôi đã lựa chọn không trả lời câu hỏi “Tôi có hành vi mại dâm không”. Câu trả lời của tôi cho câu hỏi này là một loạt câu hỏi phản biện: Từ khi nào mà việc phải bán dâm vốn là một câu hỏi riêng tư với nhau bỗng trở thành câu hỏi hợp lý để đưa ra chất vấn? Và tại sao câu hỏi này hoặc những câu hỏi tương tự lại dùng để giám sát những nhóm nghiên cứu cụ thể?
Kỳ tới: Thế giới bí mật của đại gia Việt trong quán bar hạng sang
Kimberly Kay Hoang đang giảng dạy tại ĐH Chicago. Cô là chuyên gia về xã hội học có tiếng về các vấn đề giới, toàn cầu hóa, kinh tế xã hội học.
Cô có bằng thạc sĩ xã hội học tại ĐH Stanford và bằng tiến sĩ tại ĐH California Berkeley. Nghiên cứu nhập vai của cô tại TP HCM từng được giải thưởng của Hiệp hội Xã Hội học Mỹ (ASA) vào năm 2012.
Nghiên cứu của cô được ASA đánh giá "độc đáo" khi tiếp cận được nhiều góc độ khác nhau của lĩnh vực này. ASA cũng đánh giá nghiên cứu của cô đã "thúc đẩy nhiều phương pháp nghiên cứu xã hội học truyền thống để tiếp cận các vấn đề về toàn cầu hóa" và tạo ra cách hiểu mới với các vấn đề phức tạp của mối quan hệ sản xuất và tái sản xuất trên thị trường toàn cầu.