Ngày 8/3/2014, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines rời Kuala Lumpur đến Bắc Kinh và không bao giờ hạ cánh.
Kể từ đó, cuộc tìm kiếm dưới biển tốn kém nhất trong lịch sử đã không thể phát hiện được chiếc máy bay. Các nhà chức trách cũng không thể hiểu được vì sao 40 phút sau khi cất cánh, MH370 chuyển hướng và bay về phía nam Ấn Độ Dương với 239 người trên máy bay.
Một thân nhân của hành khách trên chuyến bay MH370 viết lên tấm bảng trong sự kiện tưởng niệm 5 năm máy bay mất tích. Ảnh: AFP/Getty. |
Nhiều giả thuyết về lý do máy bay biến mất và nơi có thể tìm thấy nó đã được đưa ra. Một số giả thuyết được thay đổi, số khác bị loại bỏ và những giả thuyết mới vẫn xuất hiện trong khi hàng loạt cuộc tìm kiếm không thể kết thúc một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không.
Năm 2014: Bay hướng phía bắc
Không lâu sau vụ việc, giả thuyết ban đầu cho rằng MH370 đã đi lên phía bắc tới trung tâm châu Á, thay vì xuống vùng biển phía nam.
Theo Guardian, giả thuyết này ban đầu có một số cơ sở thực tế dựa trên các cách theo dõi khác nhau đối với MH370.
MH370 bắt đầu "biến mất" khi tắt máy tiếp sóng và mất dấu khỏi radar theo dõi chuyến bay dân sự sau 40 phút bay. Tuy nhiên, các nhà điều tra vẫn có thể theo dõi nó trên radar quân sự để biết được vị trí chính xác về mặt vật lý.
Vị trí trước khi mất tích của MH370. Đồ họa: CNN. |
Thông qua radar, chúng ta biết MH370 ban đầu đi theo tuyến đường đông bắc đến Bắc Kinh, sau đó quay đầu và bay về phía tây nam, rồi quay lại, đi về hướng tây bắc, hướng về Ấn Độ. Tuy nhiên, sau đó, vùng phủ sóng radar bị mất dấu.
Các nhà điều tra phải sử dụng dữ liệu vệ tinh cho phần còn lại trong hành trình của MH370. Dữ liệu vệ tinh không thể xác định chính xác vị trí máy bay nhưng đặt nó trong phạm vi tạo thành một vòng tròn, với vệ tinh ở trung tâm.
Dữ liệu vệ tinh cho thấy MH370 di chuyển ngày càng xa khỏi vệ tinh nhưng không biết liệu nó có di chuyển về phía nam tới vùng biển gần Australia hay di chuyển về phía bắc và vào nội địa châu Á không.
Tuy nhiên, ý tưởng máy bay hạ cánh ở phía bắc này đã được công ty sở hữu vệ tinh Inmarsat loại trừ và tiếp tục bị bác bỏ vào năm 2015 sau khi các mảnh vỡ được phát hiện ngoài khơi châu Phi.
Năm 2015: "Thiếu oxy đồng loạt" và va chạm gần Tây Australia
Năm 2015, các mảnh vỡ được xác nhận là từ MH370 bị cuốn trôi trên một loạt bãi biển khắp phía đông châu Phi.
Điều này không chỉ xác nhận máy bay không còn nguyên vẹn mà mô hình các dòng hải lưu còn cho thấy MH370 đã bị rơi ở phía nam Ấn Độ Dương gần Tây Australia và các dòng hải lưu đã vận chuyển các mảnh vỡ đến châu Phi một năm sau đó.
Các nhà điều tra cho biết MH370 không thể bị rơi ở châu Phi vì dữ liệu vệ tinh chỉ phù hợp với hành trình về phía đông nam đến phía nam Ấn Độ Dương.
Mảnh vỡ cánh máy bay của Malaysia Airlines được tìm thấy ở đảo Pemba, Tanzania. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, các nhà chức trách và các chuyên gia suy đoán rằng có thể hỏa hoạn, tai nạn hoặc trục trặc đã xảy ra trên máy bay khiến nó phải chuyển hướng để hạ cánh khẩn cấp.
Điều này dẫn đến giả thuyết rằng vụ tai nạn đã gây ra "tình trạng thiếu oxy đồng loạt" khiến phi hành đoàn và hành khách bất tỉnh trước khi họ có thể hạ cánh. Khi họ mất ý thức, chiếc máy bay tiếp tục tự lái trên Ấn Độ Dương cho đến khi hết nhiên liệu.
Cho đến nay, giả thuyết thiếu oxy với kết luận rằng cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah bất tỉnh ở cuối hành trình vẫn là giả thuyết chính thức của chính phủ Malaysia và Cục An toàn Giao thông Australia (ATSB).
Năm 2016: Hành trình có chủ ý
Năm 2016, các nhà điều tra Mỹ và ATSB phát hiện thiết bị mô phỏng điều kiện bay cá nhân trong nhà của cơ trưởng Zaharie đã được sử dụng để phác thảo tuyến đường tới phía nam Ấn Độ Dương, tương tự tuyến đường được cho là của MH370 vào ngày định mệnh.
Tuy nhiên, ATSB ngay lập tức phủ nhận rằng đây là bằng chứng cho thấy Zaharie chuyển hướng máy bay có chủ đích hoặc là một phần của vụ giết người tự sát theo kế hoạch.
Một máy bay quân sự và tàu hải quân Australia tham gia vào các hoạt động tìm kiếm vào ngày 4/4/2014. Ảnh: AFP. |
Người ta chưa bao giờ xác nhận liệu Zaharie có vạch ra lộ trình hay không hay liệu có ai khác đã làm như vậy. Gia đình anh cũng cho biết anh rất yêu cuộc sống, có một hồ sơ bay không tì vết và sẽ không bao giờ cố tình đâm máy bay.
Trong khi đó, chính phủ Malaysia tiếp tục bác bỏ giả thuyết phi công cực đoan, củng cố giả thuyết Zaharie đã bất tỉnh và là nạn nhân của một vụ tai nạn.
Năm 2017: Vùng ưu tiên 25.000 km2
Năm 2017, ATSB công bố báo cáo toàn diện nhất về bí ẩn MH370. Cơ quan của chính phủ Australia đã tìm kiếm từ năm 2014 và bao phủ khu vực rộng 120.000 km2.
Báo cáo cuối cùng của ATSB cho biết việc tìm kiếm máy bay đã thất bại nhưng đưa ra hai giả thuyết.
Đầu tiên là giả thuyết phi công mất ý thức với bằng chứng mới được ATSB cung cấp. Họ nói rằng chiếc máy bay đã rơi xuống nước ở "độ rơi cao và tăng dần" , có nghĩa là nó rơi tự do và phi công đã bất tỉnh.
Giả thuyết thứ hai là khu vực mới khá nhỏ được gọi là "vùng ưu tiên", ở phía bắc khu vực tìm kiếm ban đầu, được cho là địa điểm cuối cùng của MH370.
Mặc dù ATSB chưa thực sự tìm kiếm "vùng ưu tiên" nhưng họ cho biết việc phân tích lại bằng chứng có nghĩa là họ tin tưởng hơn bao giờ hết rằng MH370 nằm ở đó và kêu gọi những đội tìm kiếm trong tương lai thăm dò khu vực này.
Năm 2018: Phi công tỉnh táo "hạ cánh máy bay xuống nước"
Năm 2018, việc tìm kiếm trong "vùng ưu tiên" rộng 25.000 km2 được tiến hành mà không có kết quả.
Công ty Ocean Infinity của Mỹ đã tìm kiếm khu vực này trong nhiều tháng với hợp đồng "không tìm ra, không tính tiền" với chính phủ Malaysia. Dù hy vọng ban đầu rất cao nhưng họ không tìm thấy gì. Họ đã tiến xa hơn về phía bắc, rồi thậm chí xa hơn nhưng đều không thành công.
Thất bại của cuộc tìm kiếm năm 2018 đã làm dấy lên nghi ngờ về các lập luận từ trước đến nay.
"Khu vực ưu tiên" dựa trên giả định rằng khi MH370 hết nhiên liệu, Zaharie đã bất tỉnh và máy bay lao thẳng xuống biển. Do đó, khu vực tìm kiếm được xác định rất gần với nơi hết nhiên liệu.
Tuy nhiên, việc không tìm thấy MH370 gần điểm cạn kiệt nhiên liệu đã khiến một số người cho rằng máy bay không rơi tự do. Cựu phi công Simon Hardy và những người khác cho rằng Zaharie đã tỉnh táo và điều khiển chiếc máy bay lượn dài hoặc "hạ cánh xuống mặt nước" ngay khi nó hết nhiên liệu.
Nếu MH370 lướt đi, nó có thể đã đi xa hơn 200 km so với giả định. Điều này giải thích tại sao không cuộc tìm kiếm nào có thể tìm thấy nó.
Trong chương trình "60 phút" của Australia, các cựu phi công cho biết Zaharie có thể đã cố tình hạ máy bay để làm hành khách và phi hành đoàn bất tỉnh, sử dụng nguồn cung oxy cá nhân của mình để tỉnh táo, sau đó lại tạo áp lực cho chiếc máy bay để vờ như kế hoạch bị gián đoạn.
Trong một lần xuất hiện trước thượng viện Australia, Peter Foley, quan chức hàng đầu của ATSB, đã bác bỏ điều này. Ông cho biết Zaharie, người đã "53 tuổi và thừa cân" sẽ bị bất tỉnh nếu thử điều này và bất kỳ nỗ lực nào để làm bất tỉnh phi hành đoàn cũng sẽ khiến anh bị bệnh giảm áp.
Ông cho biết chiếc máy bay cũng không thể "hạ cánh xuống nước" vì dữ liệu của ATBS từ năm 2017 chứng minh nó ở "độ rơi cao và tăng dần" trong những giây phút cuối cùng.
Năm 2019: Vẫn không có thêm manh mối
Tại lễ kỷ niệm 5 năm mất tích MH370, với tổng cộng 200.000 km2 được truy tìm mà không có kết quả, vẫn không có bằng chứng thuyết phục về nơi máy bay bị rơi và thậm chí còn ít bằng chứng hơn về nguyên nhân gây ra vụ việc.
Báo cáo được tiết lộ gần đây nhất của chính phủ Malaysia về cơ bản không có gì mới. Được công bố từ năm 2018, báo cáo ban đầu được đề xuất là "báo cáo cuối cùng" cho đến khi sự thiếu thông tin của nó cùng sự phẫn nộ của các gia đình khiến chính phủ phải quay lại vấn đề này.
Cũng trong năm 2018, Hiến binh Vận tải Hàng không, một nhánh của lực lượng cảnh sát Pháp, tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra về cách thu thập dữ liệu vệ tinh. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và chưa có cập nhật nào.
Năm 2019, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke cho biết ông sẵn sàng bắt đầu lại cuộc tìm kiếm nếu nhận được đề nghị tốt và Ocean Infinity, đơn vị tiến hành cuộc tìm kiếm năm 2018, cho biết họ sẵn sàng bắt đầu lại.