Trong phần thi chung kết chiều 16/5, Phương Anh tỏ ra quá mạnh với màn bứt tốc ở khoảng 130 m còn lại. Cô gái sinh năm 1997 dễ dàng cán đích đầu tiên mà không gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt nào.
Lần thứ 3 dự SEA Games mới giành HCV. Ảnh: Thuận Thắng. |
Vượt ám ảnh chấn thương để giành HCV
Thông số 2 phút 08 giây 74 chưa phải là tốt nhất của Phương Anh, nhưng giúp cô giành tấm HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp.
Ngay khi về đích, Phương Anh đã òa khóc trong niềm vui sướng. "Tôi là vận động viên gặp nhiều chấn thương. Thành tích tập luyện của tôi có thể đã vượt HCV ở những kỳ trước nhưng không may cho tôi. Kỳ này, tôi và cô đã phối hợp tốt hơn, tránh chấn thương trước khi thi đấu. Tôi vui vì cuối cùng đã thực hiện được lời hứa với cô".
Người cô mà Phương Anh nhắc đến là huấn luyện viên Nguyễn Thị Bắc. Cô Bắc đã gắn bó cùng Phương Anh từ năm 2014 và trải qua nhiều thăng trầm. Trao đổi với Zing, HLV Bắc cho biết Phương Anh vẫn bị chấn thương trước thềm SEA Games 31. Hai cô trò phải lên lịch tập luyện, phải kết hợp đến bệnh viện để châm cứu, massage.
"Nhờ sự chăm sóc từ bác sĩ của đội và của đoàn, Phương Anh mới đỡ được phần nào. Dù có khó khăn như thế nào, Phương Anh luôn cố gắng để giữ lời hứa với tôi sau 2 kỳ gặp chấn thương", HLV Bắc cho biết.
Phương Anh không còn quá xa lạ đường chạy 800 m ở SEA Games. Tuy nhiên, 2 lần cô tham dự trước đều chỉ nhận HCB. Trên đất Malaysia 2017, Phương Anh thất bại trước đàn chị Vũ Thị Ly, còn trên đất Philippines 2019, thua trước Đinh Thị Bích.
Điều càng khiến nhiều người ngạc nhiên hơn là Phương Anh đã 4 năm liên tiếp vô địch quốc gia cự ly này, nhưng mỗi lần chuẩn bị cho SEA Games, cô nàng đều dính chấn thương một cách khó hiểu.
Giọt nước mắt hạnh phúc của Phương Anh. Ảnh: Thuận Thắng. |
Chuyển nội dung để cạnh tranh SEA Games
Sau khi chứng kiến học trò cưng giành HCV SEA Games, HLV Bắc cũng rơi lệ. Gắn bó cùng Phương Anh suốt 8 năm, 2 cô trò cuối cùng cũng có niềm vui chiến thắng.
Phương Anh đi lên từ đội vận động viên năng khiếu của Hà Nội, rồi sau đó được lên tuyển. Tuy nhiên, không phải từ đầu Phương Anh là dân chạy của các cự ly 800 m và 1.500 m.
"Phương Anh lúc đầu là vận động viên 400 m và 400 m rào, từng giành HCB trẻ châu Á 2016 tại TP.HCM. Tuy nhiên lúc đó, 2 cô trò phải tìm cửa lách ra vì Huyền và Lan đang rất mạnh. Nếu không tìm cửa lách, Phương Anh khó có thể có suất đi SEA Games so với hai chị", HLV Bắc tiết lộ.
"Những ngày đầu tập luyện ở nội dung mới, Phương Anh ngày nào cũng khóc khi ra sân. Tôi phải tăng từng km một chứ không dám tăng nhiều trong giáo án, bởi vì chuyển từ cự ly trung bình ngắn sang cự ly trung bình dài rất vất vả, phải rèn luyện sức bền rất nhiều. Cuối cùng, Phương Anh đã làm được. Hai kỳ lỡ hẹn trước cũng rất tiếc rồi", HLV Bắc xúc động nói.
800 m có thể coi là cửa giành vàng duy nhất của Phương Anh tại SEA Games, bởi các nội dung 400 m vẫn còn sự hiện diện của Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan, những ngôi sao hàng đầu. Trong khi đó, ở nội dung 1.500 m, Nguyễn Thị Oanh tỏ ra vô đối. Tại SEA Games 31, Phương Anh cũng tham dự 1.500 m và giành HCB, kém thành tích của Oanh tới 12 giây.
Chấn thương vẫn đeo bám Phương Anh trong kỳ SEA Games 31, nhưng không quá nặng. Nhà vô địch SEA Games tiết lộ khi chạy được 300 m đã biết chắc mình giành HCV, bởi vẫn còn sung sức. Để làm được điều đó, Phương Anh tranh thủ buổi trưa đi chữa trị bệnh thoát vị đĩa đệm, để kịp 15h về tập luyện.
Vượt mọi khó khăn, cùng niềm đam mê đường chạy, dù bị gia đình ngăn cấm lúc đầu, Phương Anh - cô gái cá tính của điền kinh Việt Nam - đã hái được quả ngọt ở tuổi 25 tại đấu trường khu vực.