Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 khó khăn khi chuyển thể tiểu thuyết lên màn ảnh

Một cuốn tiểu thuyết ăn khách chưa chắc đã gặt hái thành công trên màn bạc. Các nhà sản xuất luôn phải tính toán kỹ lưỡng với mỗi tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn chương.

Độ dài của phim: Kịch bản của mỗi bộ phim thường chỉ dài 120 trang, với mỗi trang tương ứng cho một phút trên màn ảnh. Trong khi đó, các cuốn tiểu thuyết lại dày hơn như vậy rất nhiều. Ở thời điểm hiện tại, nếu phim có thời lượng dài quá mức, các nhà rạp hẳn sẽ phàn nàn bởi suất chiếu trong mỗi ngày bị giảm đi. Có một thực tế rằng chẳng có mấy phim kéo dài từ ba tiếng trở lên ở ngoài rạp vào lúc này. Khi Harry Potter được đưa lên màn ảnh, nhiều fan của nguyên tác phàn nàn rằng phim đã lược bỏ đi quá nhiều chi tiết.

Nhưng hãy nhớ rằng, đội ngũ biên kịch đã làm hết sức có thể. Công việc của họ thường được so sánh là “tìm cách nhét 6 chú voi trên một chiếc xe tải nhỏ”. Chuyện một số cuốn tiểu thuyết bị bẻ đôi trên màn ảnh, như Harry Potter and the Deathly Hallows hay The Hunger Games: Mockingjay, trước tiên là nhắm tới lợi nhuận, nhưng một phần cũng bởi nguyên tác văn học là quá dài.

Chỉ được chọn những gì tinh tế nhất: Để có thể hoàn thành nhiệm vụ chuyển thể, đội ngũ biên kịch buộc phải tìm ra những gì súc tích nhất, mang tinh thần của toàn bộ tác phẩm văn học. Chẳng thế mà có nhiều cuốn tiểu thuyết thường bị coi là “không thể chuyển thành phim”. Đôi lúc, khó khăn có thể đến từ chính nội dung truyện. Chẳng hạn như Jean-Pierre Jeunet từ bỏ Life of Pi bởi “tất cả các cảnh quay đều cần tới kỹ xảo. Có con hổ, đứa trẻ, đại dương - ba yếu tố kinh khủng nhất cho một bộ phim”. May mắn là Lý An sau này đã thành công và nhận một tượng vàng Oscar cho cá nhân ông với Cuộc đời của Pi. 

Một ví dụ thành công khác cho những lựa chọn tinh tế là The Shawshank Redemption. Những ai đã đọc truyện và theo dõi bộ phim hẳn thấy có rất nhiều sự khác biệt trong đường dây cốt truyện, cũng như nhiều chi tiết bị lược bỏ. Song, không ai có thể cất tiếng chê bai tác phẩm điện ảnh của Frank Darabont.

Chọn ra giọng kể thích hợp: Rất nhiều cuốn tiểu thuyết được kể theo ngôi thứ nhất. Nhưng nếu lạm dụng giọng tự sự (voiceover) trên màn ảnh, đó sẽ là một thảm họa. Một nguyên tắc vàng khi viết kịch bản chính là, “Cho khán giả thấy, thay vì kể lể”, và tác phẩm chuyển thể từ nguyên tác văn học cũng phải tuân theo điều đó. Để cho người xem “thấy”, đội ngũ sản xuất cần chọn lựa những gương mặt có biểu cảm tốt, sở hữu khả năng kể chuyện qua thần sắc, phong thái và hành động. Jennifer Lawrence trong vai nữ nhi Katniss Everdeen của The Hunger Games là một ví dụ điển hình cho điều đó.

Ngược lại, Kristen Stewart của loạt The Twilight Saga lại bị coi là một thất bại. Gương mặt khô cứng, ít biểu cảm của cô không thể giúp lột tả trọn vẹn tâm lý phức tạp bên trong nhân vật Bella Swan.

Thận trọng khi chọn diễn viên: Bất cứ nhà sản xuất nào cũng muốn chọn ngôi sao cho dự án của họ. Nhưng chuyện casting cho phim chuyển thể từ sách thường vấp phải không ít khó khăn. Cộng đồng fan của nguyên tác văn học rất hay đưa ra ý kiến phản đối trước một quyết định nào đó. Chẳng hạn như Robert Pattinson từng nhận đến cả “thuyền thư” phản đối khi được chọn làm chàng ma cà rồng Edward Cullen. Vivien Leigh thì bị truyền thông nước Mỹ mỉa mai khi đội ngũ sản xuất chọn cô làm Scarlet O’Hara trong Gone with the Wind - Cuốn theo chiều gió.

Nếu diễn viên thành công, đội ngũ casting sẽ được ca ngợi là có quyết định táo bạo. Nhưng nếu phim thất bại, hầu hết mọi tội lỗi được trút lên đầu họ. Chẳng hạn như The Human Stain (2003), bộ phim xoay quanh câu chuyện tình ái giữa một giáo sư có nguồn gốc nửa Do Thái, nửa Mỹ gốc Phi, với một nữ phục vụ mù chữ luộm thuộm. Chẳng hiểu sao nhà sản xuất lại chọn Anthony Hopkins và Nicole Kidman cho hai vai diễn đó.

Cộng tác với nhà văn: Khi một cuốn tiểu thuyết tìm được đường lên màn ảnh, dự án hẳn phải có sự ủng hộ từ tác giả nguyên tác. Sẽ càng tuyệt vời nếu bản thân người ấy tham gia quá trình xây dựng kịch bản, bởi người hâm mộ có thể tạm an tâm rằng tinh thần và những gì tinh tế nhất của tiểu thuyết sắp sửa được chọn đưa lên màn ảnh. Năm ngoái, nữ văn sĩ Gillian Flynn trực tiếp thực hiện kịch bản cho bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của bà là Gone Girl. Đây chính là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất năm 2014.

Nhưng sự can thiệp quá sâu của tác giả nguyên tác đôi lúc lại trở thành cơn ác mộng. Mới đây nhất, khán giả biết rằng giữa nhà văn E.L. James và nữ đạo diễn Sam-Taylor Johnson xảy ra tranh cãi nảy lửa trong suốt quá trình đưa cuốn tiểu thuyết phòng the Fifty Shades of Grey - 50 sắc thái lên màn ảnh. Hậu quả là nhà làm phim quyết định rời khỏi thương hiệu và không thực hiện phần tiếp theo.

Việt Phương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm