5 dự án nghìn tỷ ở Hà Nội thi công 'rùa bò'
Tại Hà Nội, 5 dự án thi công rùa bò, chậm tiến độ gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế - xã hội có thể kể đến là...
1. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Sau hơn 3 năm triển khai, tuyến đường cao tốc có quy mô lớn nối Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư gần 25.500 tỷ đồng mới thực hiện được hơn 20% khối lượng. Dù phải thông xe vào năm 2014, nhưng cho đến nay tuyến cao tốc thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam này vẫn khó khăn bộn bề và gần như tất cả các gói thầu đều chưa đạt yêu cầu.
Trước hết là việc nhiều gói thầu sau khi ký hợp đồng triển khai thực hiện phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật. Hiện tại, tuyến đường vẫn còn nhiều điểm vướng mặt bằng chưa được giải tỏa, khiến các nhà thầu không thể thi công liền mạch, liên tục. Chủ đầu tư Vidifi và các địa phương phấn đấu hoàn thành công tác GPMB trong tháng 6/2012, nhưng đây là việc gần như không khả thi.
2. Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có tổng chiều dài 264 km đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai; nối với đường cao tốc Hà Khẩu - Côn Minh, Trung Quốc. Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến là 1,216 tỉ USD.
Dự án đã được khởi công từ năm 2009, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối 2013. Thời gian qua, vướng mắc mặt bằng, cộng với năng lực kém của các nhà thầu đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường từng khẳng định dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sáng 6/8 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, TX.Phúc Yên và chủ đầu tư dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Tổng công ty đường cao tốc VN - VEC) cho biết, đoạn đi qua thị xã Phúc Yên đang là điểm nóng trên toàn tuyến vì bị một số người cản trở.
Theo UBND thị xã Phúc Yên, từ đầu tháng 6/2011 đến nay, nhiều người còn kéo nhau ngăn cản không cho ô tô chở đất vào khu vực thi công. Không chỉ thế, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2009 đến tháng 5/2011, các nhà thầu đã thi công. Nhưng ngày 17/5/2011, một số người ở xã Nam Viêm ra xã đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ thêm giá đền bù giải phòng mặt bằng đồng thời khiếu nại lên nhiều cấp cho rằng việc đền bù thu hồi đất không công bằng.
Cũng theo UBND thị xã Phúc Yên, trước tình trạng dự án bị đình trệ lâu gây thiệt hại lớn về ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
3. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Với tổng mức đầu tư khoảng 550 triệu USD, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng với Thủ đô, theo dự kiến, tuyến đường này sẽ được chạy thử vào quý 1/2015. Tuy nhiên, sau gần 1 năm thi công, tiến độ triển khai của nhà thầu là Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã chậm gần 1 quý so với kế hoạch.
Nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và tiến độ thẩm tra, phê duyệt thiết kế thi công kỹ thuật chậm (tổng thầu EPC không có cán bộ có thẩm quyền quyết định trực tiếp tại Việt Nam).
Mặt khác, nhà thầu Trung Quốc cũng chưa hoàn thiện hợp đồng với các nhà thầu phụ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà thầu thi công tại nhiều điểm thi công đã có giấy phép. Theo kế hoạch, sẽ có 14 mũi thi công, nhưng hiện mới chỉ có 7 mũi.
4. Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn Cầu Diễn - Nhổn
Trong năm 2011, UBND Thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra văn bản thúc tiến độ dự án này, nhưng vì nhiều lý do, “con đường đau khổ” này tới nay vẫn chưa thể hoàn thành. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi vừa yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc thi công làm chậm tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn Cầu Diễn - Nhổn.
Trước đó, vào ngày 10/8 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo cho phép thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu chiếu sáng dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối tháng 10/2012.
5. Dự án cầu Nhật Tân
Là dự án trọng điểm và được kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Thăng Long, nhưng đến nay, theo tìm hiểu của PV tất cả các gói thầu đều chậm trễ và phải điều chỉnh tiến độ. Dự án có tổng chiều dài 8,3 km, riêng cầu vượt sông Hồng dài 3,9 km. Cầu được thiết kế 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Tại thời điểm phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.
Theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, dự án cầu Nhật Tân bắt đầu triển khai từ cuối năm 2007 và hoàn thành vào quý IV năm 2010. Tuy nhiên, do vướng mắc mặt bằng nên sau đó dự án được điều chỉnh lại tiến độ theo từng gói thầu.
Một điều dễ nhận thấy là các dự án chậm tiến độ đã gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là lãng phí rất lớn tài nguyên đất, nhất là ở các đô thị lớn trên cả nước.
Mới đây, tại Hội nghị về công tác xây dựng cơ bản trong lĩnh vực giao thông vận tải, Cục quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay, nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm là do chậm chễ trong công tác giải phóng mặt bằng, năng lực tài chính của nhà thầu và các nguyên nhân chủ quan của các chủ thể tham gia dự án, từ chủ đầu tư, Ban quản lý dự án. Thậm chí nhiều dự án được khởi công và xây dựng trong điều kiện nguồn vốn bố trí đủ nhưng cũng không đáp ứng được tiến độ hoàn thành đúng kế hoạch. Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án tập trung chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), phấn đấu bàn giao mặt bằng đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án. |
Theo VTC