Khởi nghiệp là một quyết định táo bạo và quan trọng trong cuộc đời của nhiều người. Vậy cần chuẩn bị những gì cho quá trình này.
Ngày nay, nhiều người có xu hướng từ bỏ công việc văn phòng để chọn cho mình một hướng đi riêng, tạo ra thương hiệu mang đậm dấu ấn cá nhân. Hành trình này có thể khó khăn hơn nhưng sẽ giúp bạn khám phá ra rất nhiều giá trị mới của bản thân.
Bạn có thể tích lũy thêm cho mình kinh nghiệm từ chia sẻ của 5 start-up trẻ với những mặt hàng khác nhau dưới đây. Liệu có phải ai cũng thành công với “đứa con tinh thần” của mình?
Chuyện của tôi:
Ngành học của tôi là kinh doanh quốc tế nên tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều kiến thức về kinh doanh, marketing,...nên tôi cũng muốn làm một điều gì đó để có thể ứng dụng thực tế những điều đã học. Sẵn trong tay có một ít tiền để dành nên tôi quyết định đầu tư kinh doanh. Tôi lựa chọn đồ second hand để kinh doanh - một mặt hàng khá hot thời điểm đó.
Tự tin với vốn kiến thức mình có nên tôi nghĩ, chỉ cần mình biết chạy quảng cáo rồi lên hàng đều đặn chắc chắn mình sẽ có khách. Nhưng thực tế không đơn giản như tôi vẫn nghĩ. Cả tháng tôi không bán được cái nào, hàng nhập về cũng chỉ có người nhà ủng hộ, vốn cũng đã âm. Điều tôi không nghĩ đến nhất đó là đồ second hand lúc này đang được ưa chuộng nên không chỉ tôi mà rất nhiều người khác cũng kinh doanh mặt hàng này nên rất khó để làm mình nổi bật lên. Chẳng còn cách nào khác, tôi chọn cách giải quyết là bỏ cuộc, rút ra cho mình một bài học đắt giá.
Tôi ước:
Sau lần kinh doanh đầu tiên đó, tôi mới hiểu ra rằng “thương trường là chiến trường”. Để thành công không đơn giản là bỏ vốn vào mà còn cần chiến lược cụ thể. Nếu được quay lại, tôi sẽ đầu tư hơn vào việc nghiên cứu thị trường mình muốn làm để không phải bỏ cuộc giữa chừng nữa.
Chuyện của tôi:
Mình là sinh viên kiến trúc, hoàn toàn không có kiến thức về kinh doanh. Ngày mới bắt đầu, tôi luôn tự hỏi mình là ai và liệu mình làm thế này có đúng không vì chả có ai bên cạnh, tất cả đều là một mình tôi chuẩn bị cho “đứa con tinh thần” này. Mọi thứ với tôi bây giờ đều là mới cả, tấm bằng đại học, 5 năm tích lũy kiến thức đều chưa có cơ hội được sử dụng.
Dẫu vậy, tôi chưa bao giờ hối hận ngành học của mình, nhờ nó mà tôi đã có thêm nhiều trải nghiệm, giúp tôi tự tin hơn khi bước ra kinh doanh. Tôi và “đứa con” này, từng bước lớn dần lên. Đến ngày hôm nay, tôi tự hào vì đã có cho mình một cửa hàng bé xinh ở giữa lòng Sài Gòn.
Tôi ước:
Tôi nhận ra rằng “nghề chọn mình rồi” nên dù khó khăn tôi vẫn sẽ tiếp tục viết tiếp câu chuyện thương hiệu của mình. Khởi nghiệp tuy vất vả thật đó nhưng được nhìn thấy thành quả của mình được mọi người đón nhận là cảm giác rất tuyệt vời. Bây giờ tôi chỉ mong muốn làm sao để có nhiều người biết đến thương hiệu của mình hơn thôi.
Chuyện của tôi:
Từ nhỏ, tôi đã có niềm đam mê với thời trang. Khi lên đại học, tôi quyết định học theo học luôn ngành này. Nhưng học rồi mới biết, ngành học này khá tốn kém, gia đình tôi lại gặp sự cố nên tôi cũng rất ngại mình trở thành gánh nặng. Tôi quyết định bảo lưu, chọn cách học khác để theo đuổi đam mê của mình. Nửa năm trời, tôi dành thời gian đi làm ở cửa hàng thời trang để biết được quy trình làm việc, cách thức buôn bán. Sau đó tôi mới dám bắt tay xây dựng thương hiệu của mình.
Để ra mắt một sản phẩm cần phải qua rất nhiều khâu. Bắt đầu từ việc lên ý tưởng thiết kế, chụp lookbook, lựa chọn chất liệu, định hướng concept,...tôi đều phải tự tìm tòi. Nhờ vào thời gian làm việc ở cửa hàng, tôi tích lũy được thêm kinh nghiệm, cũng giúp tôi hình dung ra được những khó khăn này.
Tôi ước:
Làm việc thực tế rồi tôi mới biết, những kiến thức tôi học trên trường chưa phải là tất cả. Kinh doanh còn có nhiều rủi ro và nhiều quy trình mà chỉ học trong sách vở là chưa đủ. Tôi ước gì, những kiến thức này tôi cũng được trang bị trên giảng đường thì không chỉ tôi, mà nhiều bạn khác cũng sẽ đỡ bất ngờ.
Chuyện của tôi:
Ngay từ bé, tôi đã mơ ước có cho mình một cửa hàng quần áo và một tiệm cà phê - nơi mà khách hàng sẽ nhớ mãi sau lần ghé thăm đầu tiên. Rồi dần dần tôi bỏ quên mất ước mơ này. Cho đến khi lên đại học, theo học khối ngành kinh tế và đi làm thêm ở các cửa hàng, niềm đam mê ấy lại trỗi dậy. Tôi quyết định mở một cửa hàng thời trang với số vốn bằng không. Đơn giản, tôi nghĩ rằng việc mượn tiền cho dự án này sẽ giúp tôi có thêm động lực khi làm việc.
Nhiều người nói sao tôi liều lĩnh thế, nhỡ kinh doanh không thuận lợi thì làm sao. Nhưng với tôi, đã muốn giàu thì phải có cái gan lớn, dám nghĩ dám làm. Nếu chần chừ thì không thể thành công. Đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thị trường thời trang đang dần bão hòa nên tôi vẫn chưa thể trả xong món nợ đó. Nhưng tôi và cửa hàng nhỏ của mình vẫn đang trưởng thành thêm từng ngày.
Tôi ước:
Việc kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng. Tôi đã chuẩn bị tâm lý trước nên cũng không quá bất ngờ. Nhưng nếu được, tôi muốn bản thân mình ngày đó đừng bỏ quên ước mơ này, dám bắt đầu nó sớm hơn thì bây giờ chắc hẳn sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Chuyện của tôi:
Nếu ai có một lý tưởng lớn lao gì đó cho việc khởi nghiệp thì tôi lại khác. Tôi thích ăn và chế biến những món ăn mình thích. Đợt giãn cách xã hội năm ngoái nổi lên món tàu hũ trân châu đường đen, tôi cũng mày mò làm thử để mời gia đình và bạn bè. Mọi người đều khen ngon và vừa miệng. Bạn tôi nói hay thử bán đi, biết đâu có lời.
Lúc đó có thời gian rảnh, tôi cũng nghĩ hay mình cứ làm thử, biết đâu lại thành công. Thế là tôi bắt tay vào làm mà không nghĩ ngợi nhiều. Tôi dành ra một ngày để điều chỉnh công thức, một ngày tính toán nguyên liệu và một ngày để mở pre-order trên trang cá nhân của mình. Vì khách đặt tôi mới làm nên số vốn bỏ ra không cần quá nhiều. Ngày đầu tiên, tôi có 20 đơn hàng thôi nhưng đã cảm thấy rất vui. Mọi khâu từ mua nguyên liệu, chế biến, giao hàng,...đều một mình tôi làm, tuy hơi cực nhưng rất xứng đáng. Từ từ, người này giới thiệu người kia, “sạp hàng online” của tôi ngày càng đông khách. Đủ để tôi tự tin kinh doanh tiếp.
Đến nay thì tôi đã có cho mình một lượng khách hàng ổn định, bán thêm được nhiều món mình thích hơn. Tuy không phải điều gì quá lớn lao nhưng mỗi tháng tôi có thể kiếm thêm thu nhập từ công việc yêu thích của mình đã là một động lực lớn để tôi tiếp tục.
Tôi ước:
Tôi nhận ra rằng, cứ tự tin làm điều mình thích thì sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Việc kinh doanh của tôi nhìn chung rất thuận lợi nhưng tôi vẫn mong muốn mình có thể học thêm các kiến thức mới trong kinh doanh, giúp thương hiệu nhỏ của mình ngày càng phát triển.