Libra là một dạng tiền mã hóa được xây dựng trên nền tảng công nghệ Blockchain. Theo kế hoạch, loại tiền mã hóa này sẽ được ra mắt vào năm 2020. Nó được quản lý bởi đại diện của tối đa 100 công ty và tổ chức phi lợi nhuận. Facebook đóng vai trò lớn trong việc tiêu thụ và phát triển đồng tiền này.
Libra hoạt động như thế nào?
Facebook và các công ty tài chính trong liên minh sẽ xây dựng hệ sinh thái ứng dụng cho đồng tiền này. Ví dụ: Ví mã hóa dùng tiền Libra sẽ được tích hợp vào các nền tảng của Facebook như WhatsApp và Messenger. Ví này cho phép người dùng sử dụng Libra để gửi tiền như cách họ gửi sticker.
Libra - đồng tiền mã hóa vừa được Facebook ra mắt có thể gây ảnh hưởng lớn đến tài chính thế giới. Ảnh: The Verge. |
Theo Facebook, dự án này lấy ý tưởng từ việc tạo ra một loại tiền kỹ thuật số ổn định mà mọi người trên toàn thế giới đều có thể giao dịch mỗi ngày. Bên cạnh đó, người dùng còn có thể chuyển tiền đến bất cứ đâu trên thế giới với mức phí rẻ hơn cách truyền thống.
Libra sẽ lớn đến mức nào?
Nhờ Facebook, Libra sẽ tiếp cận với người người dùng nhiều hơn bất cứ loại tiền mã hóa nào từ trước đến nay có thể làm.
Theo Statista, trên thế giới hiện có 35 triệu ví Blockchain. Con số này giúp ước lượng sơ bộ về lượng người sử dụng tiền mã hóa trên toàn cầu (mặc dù một người có thể có nhiều ví).
Với Libra, mục tiêu của Facebook là khiến người dùng không thể sống thiếu mạng xã hội này. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, Facebook hiện có 2,4 tỷ người dùng, gấp gần 70 lần số người có ví mã hóa. Bên cạnh đó, dự án Libra này còn có sự tham gia của Spotify, công ty mạnh về UI (giao diện người dùng) và UX (trải nghiệm người dùng), theo CNN. Điều này giúp Libra có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều người hơn các loại tiền số khác.
Như vậy, chỉ cần 30% tài khoản Facebook sử dụng ví Libra, đồng tiền mã hóa này đã có 800 triệu người dùng, gấp 20 lần "dân số" cộng đồng tiền mã hóa trên toàn thế giới.
Facebook sẽ kiếm tiền với Libra bằng cách nào?
Facebook đã tạo ra một công ty con với tên gọi Calibra. Đây là nơi sẽ quản lý hoạt động phát triển và giao dịch của Libra.
Calibra sẽ tạo ra các sản phẩm để ứng dụng Libra. Đây là cách Facebook kiếm tiền từ nền tảng tiền số này. Ví dụ, Calibra sẽ tạo ra sản phẩm cho phép người dùng chuyển tiền cho nhau. Phí chuyển tiền chính là doanh thu mà Facebook nhận về. Facebook không nói về phí chuyển tiền, nhưng chắc chắn, để cạnh tranh được, mức phí này phải thấp hơn ngân hàng truyền thống. Đồng thời, tiền sẽ được chuyển đi ngay lập tức là lợi thế lớn của Facebook.
Ngoài doanh thu, Libra và Calibra chính là cách để Facebook biến mình thành nền tảng không thể thiếu với cuộc sống của người dùng.
Quyền riêng tư được bảo vệ ra sao?
Tiền mã hóa ra đời với mục đích tạo nên sự minh bạch. Thế nhưng, càng minh bạch có nghĩa càng mất quyền riêng tư.
Công nghệ Blockchain hoạt động bằng cách ghi lại thông tin của các máy tính thực hiện giao dịch. Mặc dù vậy, những thông tin giao dịch này được mã hóa và tài khoản cá nhân của người dùng sẽ không kết nối trực tiếp với chuỗi giao dịch.
Về lý thuyết, Libra được xem là đồng tiền phi tập trung. Tuy vậy, nền tảng nó hoạt động là Facebook và được tinh chỉnh bởi kỹ sư công ty này. Ảnh: BTC Manager. |
Với Libra, bất kỳ người dùng nào cũng có thể truy cập vào bản ghi ẩn danh của các giao dịch nào. Facebook cho biết Calibra sẽ không chia sẻ dữ liệu tài chính của người dùng với mạng xã hội này trừ "các trường hợp giới hạn". Bên cạnh đó, thông tin giao dịch sẽ không sử dụng việc quảng cáo nhắm mục tiêu.
Thêm nữa, nếu 1 trong 100 công ty tham gia dự án với Facebook sử dụng thông tin khách hàng như vụ Cambridge Analytica, mạng xã hội này có tiếp tục xin lỗi và cho rằng mình "đã chọn sai đối tác" như lúc trả lời phỏng vấn CNN?
Với lịch sử hoạt động thiếu kiểm soát của mình, việc Facebook tham gia lĩnh vực tiền tệ còn tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền và các hoạt động phi pháp, thứ mà các ngân hàng truyền thống với hàng trăm năm kinh nghiệm vẫn chưa thể khắc phục.
Sau tất cả, Facebook vẫn nắm đằng cán
Đằng sau dự án Libra là hiệp hội các công ty tài chính và công nghệ, trong đó có những cái tên sừng sỏ như Facebook, Visa, Mastercard. Xét về mặt kỹ thuật, Libra cũng giống với Bitcoin và Ethereum.
Dù Libra tuyên bố bước vào cuộc chơi "phi tập trung" như các đồng mã hóa thông thường nhưng vẫn là dự án thuộc Facebook. Các kỹ sư Facebook thiết kế hệ thống Blockchain. Đồng thời 100 đối tác tham gia cũng do Facebook tuyển.
Lĩnh vực tài chính cần lòng tin, thứ Facebook đã mất trong lòng người dùng từ lâu. Ảnh: BTC Manager. |
Đặc biệt, ví Libra sẽ tích hợp trong các ứng dụng trực thuộc Facebook như Messenger, WhatsApp. Và do đó, công ty sẽ nắm hết mọi cách thức mà người dùng có thể trải nghiệm Libra.
Dùng Libra có nghĩa là bạn buộc phải tin tưởng Facebook. Xét trên khía cạnh nào đó, nếu dự án này được đưa vào hoạt động thành công, đây có thể là hồi chuông kết thúc kỷ nguyên phi tập trung của tiền mã hóa.
Tóm lại, Libra hoạt động như một ngân hàng quốc gia hoạt động trên toàn cầu. Libra có tiền tệ riêng và các chính sách chống rửa tiền, bảo mật... như một ngân hàng thực thụ. Tuy vậy, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cần có lòng tin, điều mà từ lâu người dùng đã mất bởi các bê bối dữ liệu và khả năng bảo mật của Facebook.