Phan Thiết hứa hẹn đón nhiều du khách đến tham quan, check-in nhờ tuyến cao tốc mới. Ảnh: @chinspeedy. |
Trên bản đồ du lịch miền Trung, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là điểm đến nổi bật. Hiện tại, sân bay chưa hoạt động, du khách ở TP.HCM phải ngồi xe hơn 4 tiếng mới đến được Phan Thiết. Với du khách xuất phát từ Hà Nội, chặng đường có phần nhọc nhằn hơn khi phải đáp máy bay tại TP.HCM hoặc Cam Ranh (Khánh Hòa) và di chuyển thêm 4 tiếng đường bộ.
Vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ thông xe, thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 2 tiếng. Nhiều du khách đổi kế hoạch đến thành phố biển để tận hưởng nắng gió, đắm mình trong làn nước mát và chạm chân lên cồn cát trắng mênh mông.
Các địa điểm check-in nổi tiếng tại trung tâm thành phố Phan Thiết và khu vực ngoại ô như Bàu Trắng, bãi đá Ông Địa, Suối Tiên... hứa hẹn đón nhiều du khách đến vui chơi, chụp ảnh.
Bàu Trắng
Rời trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 60 km về phía đông bắc, du khách sẽ đến với Bàu Trắng. Nơi đây mang vẻ đẹp nhiệt đới đặc trưng, được ví như tiểu sa mạc Sahara của Việt Nam với triền cát trắng trải dài xen lẫn cây lá kim xanh mướt, lọt thỏm một hồ nước ngọt trồng đầy hoa sen ở giữa. Chính những nét phác thảo đơn sơ của thiên nhiên này là lý do thôi thúc nhiều du khách đến Bàu Trắng.
Những đồi cát mênh mông là "đặc sản" của Phan Thiết. Ảnh: @thienhang.dino, @dutchmiwz. |
Thuộc quần thể đồi cát bay Mũi Né, màu cát ở Bàu Trắng cũng thay đổi theo thời gian. Trước đây, cát có màu vàng, qua nhiều năm dần chuyển sang màu trắng. Đến hiện tại, cát giữ nguyên màu trắng tinh khôi. Vào những mùa gió chướng, cát sẽ di chuyển tạo thành nhiều dáng hình thú vị.
Ngoài việc lang thang khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của những triền cát, du khách có thể tham gia một số hoạt động khác như trượt ván cát với mức giá 20.000-50.000 đồng/ván, đi xe jeep và môtô địa hình với mức giá 300.000-800.000 đồng/xe hoặc chèo thuyền dạo quanh hồ sen.
Thời điểm thích hợp để đến Bàu Trắng là sáng sớm hoặc chiều tà, tránh đi vào buổi trưa vì nhiệt độ lên cao, có thể gây rát chân. Thêm vào đó, mặt trời lên đến đỉnh đầu cũng rất khó để chụp ảnh.
Bãi đá Ông Địa
Tọa lạc tại phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 9-10 km, bãi đá Ông Địa thu hút nhiều du khách bởi phong cảnh hoang sơ, những mỏm đá nhô ra ngoài mặt biển xanh, quanh năm sóng đánh tạo thành nhiều hình thù.
Theo người địa phương kể lại, lúc trước tại đây có một tảng đá hình thù khá giống với ông Địa đang ngồi nhìn vào đất liền. Từ đó, bãi đá được gọi với cái tên Ông Địa. Ảnh: @beomhaww__, @k.h.i.n. |
Bãi đá Ông Địa nằm sát bờ biển, du khách khi đến đây có thể tản bộ trên con đường mòn với hàng bê tông chắn sóng 2 bên, cảm nhận mùi hương mặn mòi từ biển cả hay phóng tầm mắt nhìn những chiếc thuyền thúng đang đánh bắt hải sản.
Vào buổi sáng hay buổi chiều, tại bãi đá Ông Địa đều có những hoạt động riêng. Nếu đến vào buổi sáng, du khách được thỏa thích ngâm mình dưới biển. Làn nước tại đây trong sạch, không có sỏi và lòng biển thấp thoải, êm sóng. Buổi chiều, khi thủy triều rút xuống là thời điểm ngắm bãi đá Ông Địa rõ nhất, bãi cát mịn cũng dần lộ ra để du khách đi dạo trong ánh hoàng hôn.
Ngoài ra, trải nghiệm câu cá, bắt hàu với người dân địa phương và nhóm củi khô để nướng ngay trên bãi cát cũng là một trải nghiệm đậm chất miền biển, chỉ có tại bãi đá Ông Địa.
Suối Tiên
Ngoài những bãi biển trong xanh, du khách khi đến Phan Thiết còn có thể khám phá một con suối nhỏ nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng đó là Suối Tiên.
Mang hồng cam độc đáo của dòng nước suối gây ấn tượng với nhiều du khách. Ảnh: @ll.hrubizna, Bà Nơ. |
Suối Tiên nằm khuất sau một đồi cát lớn. Dòng chảy bắt nguồn từ làng Dừa, xã Thiện Nghiệp, chảy qua phường Hàm Tiến và đổ ra biển với tổng chiều dài 1,8 km. Dòng suối sâu khoảng 10 cm, chỉ xăm xắp đến mắt cá chân và có màu hồng cam do nhuộm màu của cát. Đôi lúc, du khách còn bắt gặp những xoáy nước nhỏ kỳ lạ.
Toàn bộ khung cảnh thiên nhiên tại Suối Tiên hiện lên như một bức tranh với gam màu nóng, lạnh hài hòa. Một bên là rừng cây xanh ngát, một bên là đồi cát màu đỏ cam vươn cao, xen lẫn những khối thạch nhũ trắng từ đất sét pha cát bị mưa gió bào mòn.
Đặt chân xuống dòng suối, du khách như giải tỏa hết mọi căng thẳng bởi độ mịn màng của từng tầng cát và độ mát lạnh của nước. Nếu đi đến thượng nguồn, du khách còn bắt gặp một con thác nhỏ.
Mỗi mùa, Suối Tiên đều đẹp theo một cách rất riêng. Tuy nhiên, Suối Tiên đẹp nhất vào tháng 4, tháng 5 hoặc tháng 11 hàng năm. Lúc này, cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ, thời tiết thuận lợi nên tiện cho việc khám phá và di chuyển.
Do du khách đến Suối Tiên ngày càng đông, chính quyền địa phương cần một khoản chi phí để bảo vệ cảnh quan nên mức giá vé tham quan cho người lớn là 15.000 đồng, trẻ em là 6.000 đồng.
Cung đường DT716
Khi chạy xe ngang qua Mũi Né, du khách thường nhìn thấy cung đường DT716 thẳng tắp, xé dọc những cồn cát rộng lớn và hầu như không có nhiều xe lại qua. Cung đường này được liệt kê vào một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam.
DT716 là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: @chinspeedy, Hưng Lương. |
Cung đường DT716 nổi tiếng với những cồn cát trắng đặc trưng, nối đuôi nhau trải dọc 2 bên đường, nổi bật trên nền nước biển xanh. So với đường ven biển Phan Thiết - Mũi Né, cung đường DT716 mang đến vẻ dịu dàng, mát mẻ hơn nhờ màu xanh của những hàng cây lá kim pha lẫn màu trắng của cát.
Do đặc thù địa hình hoang mạc, du khách nên đến đây vào tháng 5, tháng 6 hoặc tháng 7, tháng 8 khi thời tiết dịu nhẹ, bớt nắng. Nếu đi sau tháng 8, du khách cần xem trước dự báo thời tiết để tránh những cơn mưa.
Cụm tháp Poshanư
Không đơn thuần là công trình thể hiện sự tinh tế trong kiến trúc Hòa Lai (Chăm Pa cổ), cụm tháp Poshanư còn được xem như di sản tâm linh của thành phố Phan Thiết.
Cụm tháp Poshanư được xem như di sản tâm linh của thành phố Phan Thiết. Ảnh: @julie_lam_2304, @lehuynhanh2307. |
Nằm trên đồi Bà Nài, phường Phú Hài, cụm tháp tồn tại từ cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9. Ban đầu, cụm tháp được sử dụng làm nơi thờ thần Shiva, nhưng về sau được gọi bằng tên công chúa Po Sah Inư.
Cụm tháp Poshanư chia thành 3 tòa tháp: tháp chính ở giữa cao 15 m với cửa chính hướng về phía Đông, tháp phụ A hướng về phía Bắc với chiều cao khoảng 12 m và tháp phụ B có chiều cao khoảng 4 m. Một số tòa tháp nhỏ khác trong khuôn viên hiện đã đổ nát.
Ba tòa tháp đều được xây bằng gạch nung đỏ, cửa tháp có hình vòm, mặt bằng tháp hình vuông và khi lên cao dáng tháp thu nhỏ dần. Bề mặt tháp được chạm khắc dày đặc với nhiều bông hoa, họa tiết đặc trưng. Du khách đến đây sẽ có dịp chiêm ngưỡng công trình nghìn năm, xem biểu diễn nghệ thuật và tìm hiểu về văn hóa của người Chăm Pa.
Vé tham quan tại đây có giá 15.000 đồng/lượt. Tháp Poshanư mở cửa từ 5h đến 17h30, từ thứ hai đến chủ nhật. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể khám phá thêm di tích Lầu Ông Hoàng cách cụm tháp Poshanư khoảng 50 m.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.