Chiến thuật biến hóa
Dưới thời HLV người Nhật Bản, rất khó dự đoán ông sẽ dùng đội hình nào cho đến khi trận đấu diễn ra. Điều này thể hiện rõ ở vòng loại khi ông sử dụng 3 sơ đồ 4-4-2, 5-4-1 và 4-3-3 ở 3 trận vòng loại. HLV Miura không đóng khung với một sơ đồ cụ thể nào mà luôn sử dụng biến hóa tùy từng đối thủ và hoàn cảnh.
Trước đội bóng được đánh giá ngang cơ U23 Malaysia, ông dùng đội hình 4-4-2 với Văn Toàn và Công Phượng phía trên. Sang trận gặp U23 Nhật Bản, ông đổi 4 vị trí trong đội hình xuất phát, sử dụng 5 hậu vệ và hạn chế tối đa sức mạnh của đối thủ, giúp U23 Việt Nam chỉ chịu thua 2 bàn. Khi cần ghi nhiều bàn thắng trước U23 Macau, ông lập tức sử dụng sơ đồ 3 tiền đạo và phát huy hiệu quả với 7 bàn thắng.
Ở trận gặp U23 Macau, HLV Miura cho các cầu thủ đá bóng bổng, tận dụng điều kiện sân trơn, bóng ướt do trời mưa khiến hàng thủ đối phương lúng túng dẫn đến sụp đổ sớm. Ảnh: Anh Tuấn. |
Giúp Công Phượng bừng sáng
Tiền đạo của HAGL chơi không ấn tượng ở giai đoạn giao hữu khi chỉ ghi 1 bàn thắng. Nhưng bước vào vòng loại, anh thi đấu rất thành công với 4 pha lập công. Công Phượng không chỉ giỏi ghi bàn mà còn sắm vai kiến tạo và trở nên toàn diện hơn dưới sự dẫn dắt của HLV Miura. Ông thầy người Nhật Bản giúp anh xử lý bớt rườm rà, hướng đến sự hợp lý và hiệu quả. Công Phượng là một trong 6 cầu thủ của U23 Việt Nam thi đấu trọn 270 phút tại vòng loại, bên cạnh Quế Ngọc Hải, Phạm Mạnh Hùng, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hữu Dũng và Hồ Ngọc Thắng.
Sử dụng tối đa cầu thủ mình có
Lực lượng trong tay HLV Miura không dồi dào khi thiếu vắng một số cầu thủ chất lượng do chấn thương, nhưng ông biết cách sử dụng tối đa để phát huy hiệu quả cao nhất. Qua 3 trận, ông sử dụng 21/23 cầu thủ trong danh sách đăng ký thi đấu, chỉ trừ thủ môn Phạm Văn Phong và hậu vệ Trần Phước Thọ (do chấn thương) không được đăng ký.
HLV Miura muốn áp dụng lối chơi chặt chẽ theo kiểu Đức truyền thống. Ảnh: Anh Tuấn. |
Dưới sự dẫn dắt của ông, U23 Việt Nam có lối chơi chưa thật sự thuyết phục, đẹp mắt nhưng là tập thể đoàn kết, hết mình vì màu cờ sắc áo. Điểm chưa thuyết phục của Miura là chưa khai thác hết tiềm năng của Tuấn Anh. Tiền vệ tài hoa này đá 77 phút ở trận đấu với U23 Malaysia. Sau đó, anh bị đẩy lên ghế dự bị khi gặp U23 Nhật Bản và không được đăng ký thi đấu do chấn thương ở trận thắng U23 Macau.
HLV Miura chưa hay ở phương án 2: Vị HLV người Nhật Bản không thành công với những phương án thay người của mình tại vòng loại. Có 2 trận đấu, ông tung cầu thủ vào sân thay người ở hiệp 2 nhưng sau đó rút ra vì đá kém. Ở trận gặp U23 Nhật Bản, ông đưa Hùng Dũng vào sân thay Văn Thanh ở phút 46 để củng cố tuyến giữa nhưng sau đó phải rút anh và thay bằng Đỗ Duy Mạnh (phút 75). Đến trận gặp Macau, HLV Miura đưa Phan Văn Long vào thay Văn Toàn ở phút 61, nhưng chỉ 21 phút sau ông buộc phải rút cầu thủ của SHB.Đà Nẵng ra để đưa Huỳnh Tấn Tài vào thế chỗ.
Kết hợp thành công lứa U19 với cựu binh
U23 Việt Nam kết hợp giữa nhiều nhóm cầu thủ, gồm lứa cầu thủ U19, những cựu binh đã theo ông từ ASIAD, AFF Cup (Huy Toàn, Quế Ngọc Hải, Hồ Ngọc Thắng) và những nhân tố mới được đích thân Miura chọn sau khi xem V.League. Họ đến từ V.League, hạng nhất và cả hạng nhì với nhiều phong cách chơi khác nhau. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của HLV Miura, các cầu thủ đã kết hợp với nhau tạo nên tập thể gắn bó.
Trước giải, người hâm mộ lo lắng bởi những cầu thủ lứa U19 tỏ ra lạc lõng với cách đá có phần thực dụng của HLV Miura. Khi vào giải, Công Phượng, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Phí Minh Long... thích ứng tốt với lối chơi của toàn đội. Quế Ngọc Hải, Huy Toàn vẫn giữ phong độ, trong khi những cầu thủ xa lạ với người hâm mộ như Hữu Dũng, Lê Thanh Bình cũng để lại dấu ấn.
Công Phượng là cầu thủ từ lứa U19 thi đấu thành công nhất ở đội U23 khi ghi 4 bàn và kiến tạo 2 bàn tại vòng loại vừa qua. Ảnh: Tùng Lê. |
Giúp cầu thủ thành công ở vị trí mới
Ở đội U23 Việt Nam, cầu thủ phải làm quen với việc chơi nhiều vị trí khác nhau, tùy theo tính chất trận đấu và đối thủ. Quế Ngọc Hải đá hậu vệ phải ở ĐTQG nhưng được kéo vào đá trung vệ. Phạm Mạnh Hùng quen đá trung vệ ở CLB SLNA bị đẩy ra biên trái. Lê Cao Hoài An từ trung vệ di chuyển lên đá tiền vệ phòng ngự. Nhưng đa năng nhất phải kể đến Huỳnh Tấn Tài của ĐTLA. Trong 3 trận đấu, anh chơi ở 3 vai trò khác nhau là hậu vệ phải, tiền vệ phòng ngự và tiền vệ trái.