5 đại gia Việt có thể bỏ bóng đá
Vì dính vòng lao lý hoặc làm ăn không thuận lợi mà bầu Kiên, bầu Trường, bầu Thọ…có thể sẽ bỏ bóng đá. Một khi các ông bầu đồng loạt rút lui, bóng đá Việt Nam sẽ gặp khó khăn không nhỏ.
Bầu Thọ (Navibank Sài Gòn)
Bầu Thọ đã chi 12 tỷ đồng để mua suất V-League của đội bóng Quân khu 4 rồi chuyển toàn đội từ Nghệ An vào thẳng TP.HCM, khoác cho đội bóng một cái tên mới mỹ miều hơn rất nhiều: Navibank Sài Gòn. Trong lễ xuất quân mùa giải 2010, bầu Thọ khẳng định quyết tâm cùng Navibank.Sài Gòn trở thành thế lực ở sân chơi V-League. Với tiềm lực tài chính hùng hậu, ông bầu này mơ mộng sẽ biến đội bóng non trẻ trong tay mình thành niềm tự hào của bóng đá TP.HCM.
Nhưng chỉ sau 3 năm Navibank Sài Gòn đã rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bầu Thọ đã không thể kham nổi “cỗ máy ngốn tiền” Navibank Sài Gòn. Mới đây ông bầu này đã làm công văn xin trả lại đội bóng cho Liên đoàn bóng đá TP.HCM quản lý. Thậm chí bầu Thọ còn tuyên bố luôn nếu Liên đoàn bóng đá TP.HCM không tiếp quản, CLB Navibank Sài Gòn sẽ giải thể.
Ưu tiên số một của Liên đoàn bóng đá TP.HCM là tìm một đối tác mới mua lại CLB của bầu Thọ. Tuy nhiên, phương án này không thực sự khả thi bởi trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp đều không mặn mà với việc đổ tiền làm bóng đá.
Bầu Kiên (CLB bóng đá Hà Nội)
Bầu Kiên là một trong những doanh nhân đầu tiên bỏ tiền vào làm bóng đá. Tuy nhiên, ông bầu này không đổ tiền vô tội vạ để “mua” danh hiệu nên sau gần chục năm, ông vẫn chưa một lần được nâng cao chiếc cúp vô địch giải bóng đá số một Việt Nam.
Trước mùa giải 2012, bầu Kiên bất ngờ thay đổi sách lược làm bóng đá. Ông bầu tóc bạc đã dốc tiền mua lại CLB Hòa Phát Hà Nội, sáp nhập cùng CLB Hà Nội ACB để cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội. Đặc biệt, bầu Kiên còn chi tới 14 tỷ đồng để chiêu mộ Công Vinh – cầu thủ số một Việt Nam.
Đáng tiếc, khi CLB bóng đá Hà Nội mới đá được một mùa giải thì bầu Kiên đã bị bắt vì kinh doanh trái phép. Dính vòng lao lý, nhiều khả năng giấc mơ vô địch V-League của bầu Kiên đành dang dở. Tương lai của CLB bóng đá Hà Nội hiện vẫn là dấu hỏi lớn, đội bóng Thủ đô đã dừng mọi hoạt động mua bán cầu thủ và đến nay vẫn chưa rõ ngày tập trung trở lại để chuẩn bị cho mùa giải mới.
Bầu Hương (CLB SLNA)
Bà Thái Hương – chủ ngân hàng Bắc Á – không phải là người yêu bóng đá nhưng lại quyết định móc hầu bao đầu tư vào CLB SLNA. Nhiều nguồn tin cho biết bầu Hương làm vậy là vì muốn thông qua bóng đá để thuận lợi hơn cho việc triển khai một loạt dự án mà doanh nghiệp này thực hiện tại xứ Nghệ, trong đó có dự án Nhà máy sữa lớn nhất Đông Nam Á (TH) đóng tại huyện Nghĩa Đàn.
3 năm qua, Ngân hàng Bắc Á mỗi năm phải đầu tư cho CLB SLNA 70-80 tỷ đồng, một con số không nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn. Mọi chuyện càng tệ hơn khi theo thỏa thuận, từ năm nay UBND tỉnh Nghệ An sẽ chuyển giao toàn bộ con người và cơ sở vật chất ở cả các lứa trẻ cho Ngân hàng Bắc Á quản lý, đồng nghĩa với việc họ sẽ cắt khoản viện trợ từ 8 đến 10 tỷ đồng/năm.
Bị đẩy vào thế khó, Ngân hàng Bắc Á đã phải xin làm việc với phía UBND tỉnh Nghệ An. Nhiều nguồn tin cho biết nếu UBND tỉnh Nghệ An không hỗ trợ đội bóng, nhiều khả năng bầu Hương sẽ bỏ làm bóng đá. Ở thời điểm hiện tại phía Ngân hàng Bắc Á và UBND tỉnh Nghệ An vẫn chưa thể sắp xếp một buổi làm việc cùng nhau, tương lai của CLB SLNA vẫn là một dấu hỏi lớn.
Bầu Trường (CLB V-Ninh Bình)
Bầu Trường từng là ông bầu chịu chơi nhất làng bóng đá Việt nhưng hiện tại đã có dấu hiệu cho thấy ông không còn mặn mà với môn thể thao vua, nguyên nhân là vì được đầu tư cả núi tiền nhưng đội bóng đất cố đô vẫn không thể giành ngai vàng, thêm vào đó là việc kinh doanh của bầu Trường đang gặp khó khăn.
Hiện tại bầu Trường không còn quan tâm nhiều tới đội bóng, ông giao toàn bộ quyền sinh quyền sát cho GĐĐH Phạm Văn Lệ, đồng thời cũng rất ít khi tới xem đội nhà thi đấu. Đặc biệt, thời gian qua bầu Trường không còn đổ tiền đầu tư nhiều cho đội bóng, hậu quả là CLB thường xuyên nợ lương, nợ thưởng cầu thủ.
Đội bóng sắp tập trung để chuẩn bị cho mùa giải mới nhưng đến thời điểm này bầu Trường vẫn chưa bơm tiền, khiến việc tăng cường nhân sự của đội bóng cố đô rơi vào thế bí. Kết thúc mùa giải năm trước V-Ninh Bình chia tay hàng loạt ngoại binh như Ibrahim, Moussa, Gustavo…nhưng đến thời điểm này họ vẫn chưa chiêu mộ được ai thay thế. Động tĩnh duy nhất của đội bóng cố đô tính tới thời điểm này mới chỉ là nhập tịch cho Mota.
Bầu Thụy (CLB Sài Gòn Xuân Thành)
Bầu Thụy từng đăng đàn tuyên bố “không có chuyện tôi bán hay bỏ đội bóng”, tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người nghi ngờ khả năng gắn bó lâu dài với môn thể thao vua của ông bầu quê Ninh Bình này. Trước đó, bầu Thụy từng nhường lại đội bóng cho bầu Lãm nhưng rồi ít lâu sau lại lấy lại. Với kiểu làm ngẫu hứng trên, người hâm mộ khó có thể đoán trước được khi nào bầu Thụy sẽ hết hứng với bóng đá.
Những khó khăn chung của nền kinh tế tác động mạnh đến công việc kinh doanh của ông chủ bầu Thụy. Vì thế, đội bóng Sài Gòn Xuân Thành không còn nhận được chống lưng vững chắc về tài chính như trước đây. Từ cuối mùa giải 2012, đội bóng Sài thành đã bắt đầu bị cầu thủ than vãn vì chậm chi trả tiền lương, thưởng.
Mới nhất, bầu Thụy tuyên bố ngân sách hoạt động của Sài Gòn Xuân Thành ở mùa giải 2013 là 50 tỷ đồng, tuy nhiên, đến thời điểm này ông vẫn chưa rót tiền để đội bóng bắt tay vào chuẩn bị cho mùa giải mới.
Lam Anh
Theo Infonet