5 cây thị cổ thụ gần 700 năm tuổi, nơi trú ẩn của bộ đội thời chiến
Chủ nhật, 1/9/2019 06:25 (GMT+7)
06:25 1/9/2019
5 cây thị gần 700 năm tuổi trong vườn nhà ông Lê Minh Thưởng (Nghệ An) tương truyền là nơi vua Quang Trung buộc voi chiến. Cứ vào mùa, thị lại cho quả chín mọng, thơm ngào ngạt.
Trong khuôn viên vườn nhà ông Lê Minh Thưởng (82 tuổi) ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, có 5 cây thị cổ thụ có tuổi đời 700 năm.
5 cây thị cổ thụ này có thân to lớn, cao khoảng 40 m, cành lá sum suê phủ kín cả khoảng vườn. Chủ nhân 5 cây cổ thụ cho biết gốc cây có đường kính gần 4 m, phải 14 người ôm mới xuể. Từ bao đời nay, cây đã gắn liền với lịch sử của dân tộc và tổ tiên. Tương truyền, khu vườn này từng là căn cứ vua Quang Trung hội quân. Ban ngày, vua cho quân lính cùng voi chiến xuống cánh đồng Nhà La tập trận, đêm về, voi được buộc vào 5 cây thị này.
Một cây thị bị khuyết ruột từ dưới gốc lên đến tận ngọn, bên trong có thể chứa hơn 10 người. Thời kỳ chiến tranh, vườn thị này là căn cứ cách mạng, dưới mỗi gốc cây đều có hầm trú ẩn của bộ đội.
Cây mục rỗng bên trong, nhiều phần khô cứng, mục ra nhưng bên ngoài vẫn chứa đầy sức sống, xanh tốt. Ông Thưởng cho biết từ bao đời nay, dòng họ của gia đình ông đã có 5 cây thị cổ thụ này. Đầu năm 2011, các ngành chức năng và các nhà khoa học về nhà ông tổ chức hội thảo khoa học, họ lấy nhiều bao tải vỏ cây, cành cây… để về nghiên cứu, xác định tuổi cho các cây thị. Các cây thị cổ thụ sau đó được xác định khoảng gần 700 năm tuổi.
Ngày ngày, ông Thưởng lại ra vườn vuốt ve cây. Với ông, vườn thị như những người bạn tâm giao, gắn với ký ức và cuộc đời bao thế hệ trong gia đình. Chủ nhân vườn cây cho biết từng có nhiều đoàn khách đến tham quan rồi ra giá 2,5 tỷ đồng để sở hữu 5 cây quý song chủ nhà không bán.
"Tổ tiên mình ở đó, bao đời cây ở đó không ai đụng đến, nếu mình bán đi thì mình là người giàu nhất nơi đây nhưng để làm gì chứ, bán đi rồi tổ tiên ở đâu. Tuổi tôi đã gần đất xa trời, da tôi giờ nhăn như da cây thị, chỉ mong cây mãi xanh tốt, cho quả, và nhiều người biết trân quý đến cây và ý nghĩa của nó", ông Thưởng bày tỏ. Trong ảnh, một phiến đá từng dùng làm bồn bao quanh cây nay đã bị rễ cây ăn sâu, nuốt chửng.
Cứ tháng 2 âm lịch, 5 cây thị rụng hết lá, chỉ còn trơ cành. Sau một thời gian, cây thị mọc lên những cành lá mới, kết hợp ra hoa kết trái. Trải qua hàng trăm năm, quanh thân cây rêu phong bám kín.
Mùa thị chín là từ cuối tháng 6 đến rằm tháng 7 âm lịch, những ngày này thị chín vàng trên cây, từng quả thị chín mọng, thịt vàng, mùi thơm ngào ngạt khắp vườn.
Do không có người hái, thị chín rồi rơi đầy. Mỗi ngày, ông Thưởng lại ra vườn dọn số thị chín rụng mang vào rửa sạch, để ráo để ngâm rượu. Những quả đã hỏng ông gom lại đổ bỏ đi.
Năm 2011, 5 cây thị cổ được các ngành chức năng cấp bằng công nhận Cây di sản Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm, cây thị trở nên già cỗi, những trận mưa bão làm nhiều cành cây này bị gãy đổ nhưng cây vẫn phát triển, xanh tốt.