- Giảng viên ngành Tài chính Đại học RMIT
- Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Queensland (Australia)
- Hội viên thường trực của Viện CFA và câu lạc bộ Fintech-Crypto RMIT
- Nghiên cứu lĩnh vực dịch vụ tài chính, blockchain, tiền điện tử và quản trị công ty
Chia sẻ với Zing, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh cho rằng việc ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến đầu tư tài chính là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mới nên thận trọng và trang bị kiến thức cho mình, tránh chạy theo đám đông.
Sau đây là một số lưu ý từ Tiến sĩ trước khi bạn bắt đầu bất kỳ kênh đầu tư nào.
Sản phẩm đầu tư của bạn là gì?
Trước khi quyết định, người trẻ cần tìm hiểu kĩ về sản phẩm, kênh đầu tư cùng các đặc điểm chính của nó. Tỷ suất sinh lợi là yếu tố đầu tiên, có thể tham chiếu với lãi suất ngân hàng, sau đó đến các rủi ro và tính thanh khoản.
Cụ thể, bạn phải nắm được kênh mình sắp đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hay thấp, độ rủi ro như thế nào và khả năng chuyển đổi thành tiền mặt có tốt không.
Đối với khoản đầu tư có mức độ rủi ro cao, nhà đầu tư được quyền mong muốn lợi nhuận mang tỷ lệ thuận để bù đắp.
Ví dụ, thị trường chứng khoán thường nhiều rủi ro hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng lãi kiếm được cũng hấp dẫn hơn.
Hãy dành thời gian trang bị kiến thức, đừng đầu tư theo cảm tính vì điều này rất nguy hiểm.
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 30/6/2021 đã đạt hơn 8 triệu tỷ đồng. Con số này tăng 23% so với năm trước và chiếm khoảng 132% GDP.
Về khía cạnh vĩ mô, thông thường, tăng trưởng của các doanh nghiệp nói chung đi cùng với sự phát triển kinh tế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, việc GDP cả nước chịu ảnh hưởng là chuyện tất yếu.
Sự tăng trưởng trên chứng tỏ dòng tiền đang đổ nhiều vào thị trường chứng khoán, khiến vốn hóa thị trường tăng quá nhanh so với GDP, có thể gây ra bong bóng thị trường.
Bạn biết gì về công ty mình đầu tư?
Song song với việc thu thập thông tin về kênh đầu tư, hãy trang bị kiến thức kinh tế, tài chính cho mình. Từ đó, bạn hiểu các yếu tố kinh tế vĩ mô tác động đến ngành hoặc công ty mình muốn đầu tư như thế nào.
Ngoài ra, những kỹ năng đọc hiểu, phân tích báo cáo tài chính, dòng tiền, chiến lược,... cũng rất quan trọng để đánh giá hoạt động công ty một cách khách quan.
Thay vì chỉ nhìn vào một khía cạnh, nhà đầu tư trẻ cần xem xét tổng quan nhiều yếu tố, gồm: lợi nhuận, dòng tiền, tính thanh khoản, các khoản đầu tư của công ty, chiến lược cạnh tranh, phát triển bền vững,...
Bạn tham khảo thông tin từ ai?
Chỉ cần vài phút tra cứu trên mạng, bạn có thể tìm đọc rất nhiều thông tin đầu tư khác nhau giữa hàng nghìn kết quả. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thông tin nên có sự chọn lọc.
Một vấn đề khá nghiêm trọng mà người mới đầu tư thường gặp là giao dịch theo tin đồn.
Thực tế, bạn có thể gặp may mắn 1-2 lần, nhưng tin tưởng các thông tin không chính xác lâu dài có nguy cơ dẫn bạn đến nhiều quyết định sai lầm.
Nên:
- Kiểm tra lại tất cả những gì mình đọc, cập nhật thường xuyên những điều mình biết
- Tìm hiểu thông tin ở các nguồn uy tín như: Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, website chính thức của công ty, các tờ báo lớn, uy tín
Không nên:
- Trao đổi những thông tin chưa kiểm chứng
- Nghe lời khuyên trên các diễn đàn, hội nhóm không chính thức
Tại sao bạn muốn đầu tư?
Một trong những tiêu chí của khoản đầu tư tốt là sự thích hợp với nhà đầu tư, đáp ứng được các mục tiêu tài chính họ đang nhắm tới.
Trước hiểu thị trường, sau hiểu mình. Tôi đã thấy không ít người bước vào đầu tư với tâm thế mơ hồ, không có kế hoạch rõ ràng.
Dù một số nhà đầu tư hướng đến sự tự do tài chính, không có gì sai đối với tư duy đầu tư để làm giàu, có tiền mua nhà đẹp, xe hơi hay giáo dục con cái. Điều quan trọng là bạn mất 1 năm, 5 năm, 10 năm hay 20 năm để chinh phục mục tiêu của mình.
Hiểu rõ bản thân muốn gì là bước đầu giúp bạn hình dung con đường mình đi, đồng thời vạch ra các mục tiêu tài chính ngắn hạn, dài hạn để đạt được.
Bạn có thể chịu rủi ro như thế nào?
Như tôi đã đề cập, các khoản đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao thường đi kèm rủi ro. Vậy quan niệm của bạn về rủi ro như thế nào? Và vốn liếng bạn bỏ ra có đủ để đối diện rủi ro?
Nếu bạn là người thường lo lắng, có nhiều gánh nặng tài chính, cần thanh khoản, thì có lẽ mức độ chịu rủi ro của bạn là trung bình, thấp. Thay vì chạy theo lợi nhuận, bạn nên cân nhắc phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư ổn định để bảo toàn vốn.
Nếu bạn còn trẻ, có sức khỏe, tài chính ổn định, mức độ chịu rủi ro cao và không cần thanh khoản nhiều, thì chứng khoán có thể là một trong những lựa chọn.
Tóm lại, việc xem xét khả năng tài chính là cần thiết để chia danh mục đầu tư hợp lý. Kết hợp các yếu tố ở trên, tôi tin rằng bạn đã phần nào sẵn sàng cho trải nghiệm mới.