48 giờ là một khoảng thời gian dài trong chính trường Mỹ, đặc biệt là trong trường hợp của Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ cũng như bối cảnh ngày càng nhiều đồng minh thân cận nhất của nhà lãnh đạo trong đảng đang quay lưng lại với ông theo chiều hướng không thể tránh khỏi.
Chuyện gì đã xảy ra?
Vào sáng thứ 6, thông điệp phát ra từ đội chiến dịch tranh cử của của ông Biden không có gì để bàn cãi. Ông có thể đang chữa trị Covid-19, nhưng ông vẫn kiên quyết: Chiến dịch tái tranh cử phải tiếp tục.
“Ông ấy sẽ không đi đâu cả”, Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Biden, Jen O’Malley Dillon, nói trên chương trình Morning Joe của MSNBC.
Sau đó, chính ông Biden đã đưa ra một tuyên bố rõ ràng nhằm dập tắt những người còn hoài nghi. “Tôi mong muốn được quay trở lại chiến dịch tranh cử vào tuần tới để tiếp tục vạch trần mối đe dọa từ chương trình nghị sự Dự án 2025 của ông Donald Trump”, nhà lãnh đạo Mỹ nói, đề cập đến kế hoạch chi tiết cực hữu do những người ủng hộ ông Trump đưa ra.
Khi có tin tức vào chiều cũng ngày rằng chiến dịch tranh cử của ông Biden đã lên kế hoạch đến Austin, bang Texas để dự một sự kiện tại thư viện tổng thống Lyndon Johnson vào ngày 24/7, có vẻ như nhà lãnh đạo thực sự có ý định đó. Rõ ràng vị tổng thống 81 tuổi đang tiến về phía trước.
Vấn đề là, những người hoài nghi không im lặng. Từ thứ 6 sang thứ 7, những tiếng xì xào từ họ chuyển sang ồn ào hơn.
Chỉ riêng hôm thứ 6, ít nhất 10 thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội đã gia nhập nhóm công khai kêu gọi Biden dừng tranh cử, lập luận rằng điều đó là vì lợi ích tốt nhất của đảng và đất nước trước "mối đe dọa đối với nền dân chủ từ ông Trump". Những nhân vật nổi bật trong đảng như Thượng nghị sĩ Sherrod Brown, người đang trong cuộc đua tái tranh cử gay gắt ở bang Ohio, đã kêu gọi ông Biden kết thúc chiến dịch tái tranh cử.
Gửi một thông điệp hẳn là không thể bỏ qua đối với Tổng thống Biden và đội tranh cử của ông, các nhà lập pháp hàng đầu của California thân cận với bà Nancy Pelosi, cựu Chủ tịch Hạ viện của đảng Dân chủ, cũng tỏ ý muốn ông chủ Nhà Trắng dừng bước. Hai Hạ nghị sĩ bang này, Adam Schiff và Zoe Lofgren tuyên bố thẳng thừng rằng việc ông Biden ứng cử “đang trên đà làm mất Nhà Trắng và có khả năng ảnh hưởng đến các cuộc đua quan trọng ở Hạ viện và Thượng viện. Chính vì những lý do này mà tôi mong ông hãy bước sang một bên”.
Trong khi bốn mươi có lẻ thành viên Quốc hội đến ngày 20/7 đã công khai bày tỏ quan điểm ông Biden nên dừng chân vẫn là một thiểu số khiêm tốn trong số 264 thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội, thì về mặt riêng tư, sự rời rạc đã sâu sắc hơn nhiều.
Sức ép từ bà Pelosi, và các thành viên đảng Dân chủ hàng đầu khác, những người vốn đã tác động lên ông Biden từ hậu trường, đã bắt đầu thành tiếng.
"Xát muối vào vết thương"
Khi ông Biden vẫn đang tự cách ly (để hồi phục vì mắc Covid-19) trong ngôi nhà của mình ở bãi biển Rehoboth, Delaware, với Đệ nhất phu nhân Jill Biden - chỉ có thể hỗ trợ ông từ một phòng riêng - tổng thống có thể ngồi và than phiền về nhiều người được cho là bạn bè chính trị đã bỏ rơi ông. Theo New York Times, ông Biden không vui với vai trò của bà Pelosi được cho là người dẫn dắt trong chiến dịch khiến ông đi đến quyết định lịch sử.
Tờ báo đưa tin cựu Tổng thống Barack Obama - người từng khiến ông Biden bất mãn khi ông thúc giục cựu phó tổng thống của mình đứng sang một bên cho bà Hillary Clinton trong cuộc đua tổng thống năm 2016, cũng là nhân vật khiến ông Biden ngày càng thất vọng.
Tổng thống Biden tuyên bố chấm dứt nỗ lực tranh cử tổng thống "vì lợi ích cao nhất của đất nước", quyết định ủng hộ bà Harris làm ứng viên của đảng Dân chủ. Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - hiện là ứng viên được đề cử chính thức của đảng Cộng hòa - trong cuộc trở lại đường đua vận động tranh cử đầu tiên (kể từ vụ ám sát hụt) - đã quay lại với trò tiêu khiển yêu thích của mình là xát muối vào vết thương của đối thủ.
Tỏ rõ sự hứng khởi khi tới Grand Rapids, bang Michigan, hôm 20/7, ông Trump nói trong một cuộc vận động tranh cử rằng điều này rõ ràng vui hơn nhiều so với việc ngồi “trên một bãi biển nhàm chán nào đó nhìn những con sóng tràn vào”.
“Tại thời điểm này, các lãnh đạo đảng Dân chủ đang điên cuồng cố gắng lật đổ kết quả bầu cử sơ bộ của chính đảng họ để loại ông Joe Biden khỏi lá phiếu”, ông Trump hả hê.
Trớ trêu là ông Trump nói không sai.
Đến chính nhóm vận động tranh cử của ông Biden cũng bị động trong quyết định lịch sử này. Phóng viên của New York Times, Kenneth Vogel, tiết lộ trên X rằng 30 phút trước khi thông báo lịch sử được đưa ra, các nhân viên đội tái tranh cử của ông Biden đang bận rộn kêu gọi các đại biểu, thúc đẩy họ củng cố sự ủng hộ dành cho tổng thống.
Quá ít ỏi, và cũng quá muộn.
Không biết chính xác khi nào ông Biden đã đưa ra quyết định, nhưng có vẻ như vào cuối ngày thứ 7, ông Biden cuối cùng đã đi đến quan điểm rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lặp lại những lời mà rất nhiều thành viên viên đảng Dân chủ đã nói với ông trong những ngày cực kỳ ảm đạm vừa qua: “Tôi tin rằng việc tôi từ chức là vì lợi ích tốt nhất của đảng và đất nước”.
Theo tiết lộ của New York Times, ông đã gọi hai cố vấn thân cận nhất của mình, Mike Donilon và Steve Ricchetti, đến nhà nghỉ dưỡng ở Delaware và cùng thảo bức thư lịch sử “đến tận khuya”. Các thành viên trong gia đình tổng thống và một số trợ lý thân cận được thông báo rằng ngày quyết định là 21/7, nhưng hầu hết nhân viên chiến dịch vận động tranh cử chỉ được thông báo theo đúng nghĩa đen là 60 giây trước khi tin tức nổ ra.
Sử sách sẽ ghi lại thời điểm tuyên bố được đăng tải - 13h46 chiều, ngày 21/7/2024.
Có lẽ phải mất một thời gian nữa thế giới mới biết được toàn bộ hố sâu cảm xúc mà ông Biden đã phải trải qua để viết bức thư đó. Như ông đã nói trong thư, chức vụ tổng thống là “vinh dự lớn nhất” trong cuộc đời ông, và giờ ông đang hôn tạm biệt nó.
Sau 48 giờ điên rồ, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Tri Thức - Znews giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.