Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Vũ Hán, Trung Quốc, đăng trên tạp chí The Lancet bài báo về đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng của 41 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị nhiễm virus corona mới (2019-nCoV)
Nhóm nghiên cứu đã phân tích đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng từ dữ liệu của 41 bệnh nhân được khẳng định nhiễm virus 2019-nCoV bằng phương pháp real-time PCR, giải trình tự gen, được theo dõi và điều trị tại Vũ Hán đến ngày 2/1.
Các dữ liệu cũng được thu thập dựa trên mẫu của Hiệp hội quốc tế về bệnh mới nổi và nhiễm trùng hô hấp nặng (International Severe Respiratory and Emerging Infection Consortium) và trực tiếp từ bệnh nhân, gia đình của họ.
Hai ca đầu tiên mắc corona ở nước ta là người Trung Quốc. Ảnh: Trương Khởi. |
Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng
Kết quả phân tích cho thấy 73% bệnh nhân nhiễm là nam giới với tuổi trung bình 49.
27/41 ca bệnh có tiếp xúc khu chợ đồ biển ở Vũ Hán. Một gia đình được ghi nhận cùng nhiễm 2019-nCoV. Trong số 41 ca, 32% bệnh nhân có bệnh lý nền (8 ca đái tháo đường, 6 ca tăng huyết áp, 6 ca bệnh lý tim mạch khác).
Biểu hiện thường gặp khi khởi phát bệnh là sốt (98%), ho (76%), đau mỏi cơ toàn thân (44%). Các triệu chứng ít gặp hơn được ghi nhận là ho khạc đờm (28%), đau đầu (8%), ho ra máu (5%) và đi ngoài phân lỏng (3%).
55% bệnh nhân xuất hiện khó thở. Thời gian trung bình từ khi khởi phát bệnh đến xuất hiện triệu chứng khó thở là 8 ngày (IQR: 5-13 ngày). 63% số bệnh nhân có biểu hiện giảm bạch cầu lympho và 100% bất thường trên CT-scan lồng ngực.
Các biến chứng của bệnh bao gồm suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) gặp 29%, nhiễm virus huyết (RNAaemia) gặp 15%, tổn thương tim cấp (acute cardiac injury) gặp 12% và nhiễm trùng thứ phát gặp 10% số ca bệnh. Trong số 41 ca bệnh, 13 ca phải nhập khoa Hồi sức tích cực và 6 ca tử vong.
Tiến triển của bệnh theo thời gian. Ảnh: Thelancet. |
Nhóm bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực có nồng độ huyết tương của IL2, IL7, IL10, GSCF, IP10, MCP1, và TNFα cao hơn so với nhóm bệnh nhân không phải nhập khoa Hồi sức điều trị.
Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV biểu hiện hô hấp nặng và tiến triển tương tự SARS-CoV, có tỷ lệ phải điều trị hồi sức tích cực và tử vong cao.
Đến ngày 22/1, 28 trong tổng số 41 bệnh nhân được xuất viện. Tiêu chuẩn để bệnh nhân được cho xuất viện là hết sốt ít nhất 10 ngày, có bằng chứng cải thiện tổn thương phổi trên phim X-quang hoặc CT-scan phổi, sạch virus trong mẫu bệnh phẩm từ đường hô hấp trên.
Điều trị như thế nào?
Nghiên cứu nhận thấy rằng corticosteroids được dùng trong vài trường hợp ở nhóm bệnh nhân không điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Corticosteroids cũng được sử dụng ở liều thấp đến trung bình ở gần một nửa số bệnh nhân điều trị tại khoa Hồi sức tích cực với biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển.
Các tác giả cho rằng cần thêm bằng chứng về giá trị của việc sử dụng corticoids là có lợi hay không trong điều trị viêm phổi do virus corona, trong khi nhóm virus này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Các tác giả cũng thấy rằng báo cáo trong quá khứ với nhóm bệnh nhân nhiễm SARS-CoV, sử dụng lopinavir và ritonavir cho thấy hiệu quả cải thiện lâm sàng đáng kể và ghi nhận tác dụng ngoại ý với tỷ lệ thấp.
Từ khi virrus 2019-nCoV được ghi nhận, chưa có biện pháp điều trị có hiệu quả cho những bệnh nhân nhiễm virus này. Vì vậy, nhóm nghiên cứu để xuất một thử nghiệm lâm sàng để đánh giá nhanh liệu pháp lopinavir/ritonavir cho những bệnh nhân nhập viện được khẳng định nhiễm 2019-nCoV.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng còn tồn tại khoảng trống lớn những hiểu biết về nguồn gốc, dịch tễ học, khoảng thời gian lây bệnh, bệnh cảnh lâm sàng của bệnh. Các chuyên gia cần có những nghiên cứu tiếp tục trong tương lai.