Người dân Milan không quen nhìn thấy thành phố nhộn nhịp của họ không có sự sống như hiện giờ.
“Vô cùng vắng vẻ”, một người dân được phỏng vấn nói, “Tôi chưa bao giờ gặp điều gì như thế này. Tôi sống ở ngoại ô và làm việc gần đó; tin tốt là tôi đã có được hẳn một chỗ ngồi trên tàu sáng nay".
Đến cuối ngày 26/2, giới chức Italy đã báo cáo 400 trường hợp nhiễm virus, tăng 80 ca trong vòng 24 giờ. Số người chết tại nước này là 12.
Hai người đeo khẩu trang trên một chuyến tàu điện tại Milan hôm 25/2. Ảnh: Reuters. |
Sự sợ hãi cũng lan nhanh như virus
Trung tâm tài chính và thời trang của Italy tuy không bị cách ly nhưng gần như đóng băng sau khi một loạt các thị trấn trong khu vực Lombardy rộng lớn bị cách ly trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Sàn giao dịch chứng khoán thành phố giảm điểm trong sự hoảng loạn vào hôm 25/2, nhiều người lo ngại dịch bệnh sẽ đẩy Italy đến bờ vực suy thoái.
Chỉ có các siêu thị và hiệu thuốc hưởng lợi. Người dân mua sạch đồ ăn để dự trữ, còn các hiệu thuốc thì cháy hàng khẩu trang.
Từ cuối tuần trước, 11 người đã chết vì virus, trong số đó có một người đàn ông 80 tuổi ở Milan và số người nhiễm bệnh đã tăng lên hơn 300 đến 25/2, khi các trường hợp mới đã được xác nhận ở Liguria, phía Nam Tyrol, Tuscany và Sicily.
Nhà thờ chính toà Milan và nhà hát opera La Scala đã bị đóng cửa, cùng với các rạp chiếu phim, nhà hát, trường học và trường đại học. Vì nhân viên văn phòng làm việc tại nhà, các quán bar và nhà hàng ở trung tâm trước vốn ồn ào, bận rộn nay đã trở nên vắng lặng, và các phương tiện giao thông công cộng chỉ đầy một nửa.
Erika Casellapo, một học sinh 16 tuổi, là người duy nhất trong nhóm ba người bạn của em đeo khẩu trang khi ngồi trên các bậc thang trước cửa nhà thờ.
“Ban đầu, chúng em rất vui khi được nghỉ học”, cô bé nói. “Nhưng rồi điều đó có nghĩa là các chuyến dã ngoại cũng bị hủy và mọi thứ khác đều đóng lại, chẳng có gì để làm và thật ở nhà thì quá nhàm chán. Thật kỳ lạ khi thấy Milan như thế này, nhưng điều khiến chúng em nhận ra có điều gì đó không ổn; vấn đề bây giờ đã nghiêm trọng hơn rất nhiều.”
Ngành công nghiệp thời trang Milan bị tổn hại nghiêm trọng vì dịch bệnh. Ảnh: Getty. |
Một du khách Thổ Nhĩ Kỳ đeo khẩu trang vừa đến Milan cùng một người bạn sau khi đã qua Rome và Florence. “Chúng tôi đã cố gắng để hủy chuyến nhưng không thể”, anh nói. “Chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi đã chẳng đến Milan nếu chuyến bay về nhà của chúng tôi không xuất phát từ đây".
Với sự hoảng loạn lan truyền nhanh như virus, hơn 50% đặt phòng khách sạn trong thành phố đã bị hủy kể từ tuần trước. Ngành du lịch Italy, chiếm khoảng 13% GDP, bị tổn hại nghiêm trọng trước sự lây lan của virus corona. Chính phủ một số quốc gia đã cảnh báo công dân của họ không đi du lịch đến đất nước này, đặc biệt là những người có sức khỏe kém.
Phần lớn các yêu cầu huỷ phòng ở Milan đến nay đều từ khách hàng doanh nghiệp dự kiến tổ chức hội thảo hoặc họp hành tại các khách sạn trong thành phố.
Maurizio Naro, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Milan, chia sẻ: “Điều này đang giết chết nền kinh tế Italy. Các chủ khách sạn đã phải cho nhân viên về nhà và đóng cửa, hoặc ít nhất là cắt giảm dịch vụ. Cứ như thể Milan là trung tâm của khu cách ly, trong khi thực thế không phải".
Naro đổ một phần lỗi cho truyền thông vì gây ra sự hoảng loạn. “Nên nhớ rằng tỷ lệ tử vong do virus rất thấp và có nhiều người đã khỏi bệnh hơn so với những người đã chết".
"Họa vô đơn chí"
Virus đã bắt đầu tấn công nền kinh tế yếu kém của Italy từ tháng 1, khi hai khách du lịch Trung Quốc ở Rome được xác nhận dương tính với virus, khiến chính phủ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và dừng các chuyến bay giữa nước này và Trung Quốc.
Khu vực Lombardy và Veneto, nơi chiếm phần lớn các trường hợp dương tính với Covid-19, nằm trong số những khu vực giàu có nhất ở Italy, chiếm từ 25% đến 30% GDP cả nước.
“Điều đáng lo ngại nhất là nguồn cung vì mọi người không đi làm và sản lượng giảm”, ông Francesco Giavazzi, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Bocconi, Milan cho biết. “Thương mại cũng bị gián đoạn vì hàng hoá không giao được đến nơi".
Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết tổn hại về kinh tế sẽ là rất lớn, nhưng hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát.
Kệ hàng trống trơn tại một siêu thị ở Pioltello, Italy. Ảnh: Reuters. |
Enrico Giovannini, một nhà kinh tế học và giáo sư tại Đại học Tor Vergata, Rome cho biết khả năng hạn chế thiệt hại của Italy chủ yếu phụ thuộc vào phản ứng chính trị.
“Virus corona bùng phát vào đúng thời điểm các doanh nghiệp đã rất thận trọng”, ông nói. “Trên hết, tác động tiêu cực đến nền kinh tế có thể thấy ngay lập tức khi các sự kiện bị huỷ bỏ. Một phản ứng chính trị mạnh mẽ, đặc biệt liên quan đến các chính sách tài khóa, sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc đối mặt với cú sốc này.”
“Rất nhiều người đã đến mua khẩu trang kể từ tuần trước”, một chủ hiệu thuốc cho biết. “Chúng tôi đã hết hàng nhưng đang chờ nhà cung cấp giao thêm trong vài ngày tới. Sự sợ hãi là rõ ràng, nhưng tôi đảm bảo mọi người vẫn an toàn và chính quyền đang làm mọi cách để ngăn chặn dịch bệnh".